Gặp “hoa khôi” thọ nhất
Huyện Tân Sơn là huyện xa nhất của tỉnh Phú Thọ. Từ Hà Nội lên huyện này mất gần 150km, còn đường từ huyện vào xã Đồng Sơn, nơi có nhiều cụ cao tuổi còn xa nữa. Đồng Sơn là một xã nghèo, một bên giáp huyện Phù Yên của tỉnh Sơn La, mặt nữa giáp với tỉnh Hòa Bình.
Vào Đồng Sơn, tôi đi với Vần, một thổ dân ở đây. Dọc đường hỏi chuyện, Vần cứ “húi à” người già cao tuổi ở Đồng Sơn có mà đếm cả ngày không hết. Toàn người già là người già, có những người già mà lứa tuổi như bọn em còn chả nhớ tên, gặp chỉ biết chào là bà cụ thôi.
Sống luôn vui vẻ, hòa đồng với cháu con là bí quyết để người già ở Đồng Sơn thọ nhiều nhất.
Theo sự “hoa tiêu” của Vần, chúng tôi đi tìm cụ bà cao tuổi nhất Hà Kim Xinh, người một thời là hoa khôi của xã. Đường vào Đồng Sơn xe máy chỉ “lội” được đến xã, còn từ xã để vào nhà cụ Xinh chúng tôi chỉ còn cách cuốc bộ. Con đường mòn nhỏ thó, ngoằn ngoèo, dẫn qua con suối Thân, rồi lại qua cả 2 quả đồi có tên Eng, tên Ún gì đó mới vào đến nhà cụ.
Mùa Đông, trời đổ chiều nên thời tiết cũng khá lạnh. Ấy thế mà khi chúng tôi tìm vào, thấy mấy đứa cả cháu lẫn chắt cho biết, cụ Xinh đang đi lên rừng kiếm củi, tiện lùa đàn trâu cho bố mẹ chúng về. Ngồi chơi với mấy đứa trẻ, khi chút nắng còn lại “giấu mình” nốt sau cánh rừng già thì bà cụ đã bước vào cái tuổi 108 mới về. Vừa lùa đàn trâu, cụ vừa vác trên vai bó củi to đùng, lại thêm bó lá chè rừng cầm trên tay nữa. Trời lạnh giá nhưng cụ vẫn phong phanh với tấm áo mỏng, bên ngoài khoác hờ một chiếc áo ấm, loại không được dầy cho lắm.
Chúng tôi cất tiếng chào, không chút nghễnh ngãng cụ chào lại. Sau khi xếp cẩn thận bó củi vào góc nhà, lùa đàn trâu vào chuồng cẩn thận, cụ vào nhà châm lửa nấu chè xanh mời chúng tôi. Lạ thật, ngần ấy tuổi, công việc vừa làm nặng nhọc là vậy ấy thế mà chả thấy cụ thở cấp tập tẹo nào. Chè đun xong, cụ Xinh rót ra mấy cái chén, không một giọt nào vãi ra ngoài. Mọi động tác của cụ hết sức nhanh nhẹn. Đặc biệt lưng cụ cũng chưa bị đổ còng.
Cụ Xinh sinh năm 1902, khi còn là thiếu nữ, sắc đẹp của cụ đã làm “nghiêng thành” cả một vùng đất. Trai Mường trong xã, đến cả trai Mường bên kia Đèo Cón ngày đêm dậm dịch tìm đến, hòng được lọt vào mắt cô sơn nữ hoa khôi có tên Xinh.
Đồng Sơn, Văn Luông ngày ấy vốn là căn cứ của Việt Minh nên giặc Pháp đã nhiều lần tiến đánh, đốt phá. Biết sắc đẹp trời cho của mình nên cô sơn nữ Xinh đã phải dùng cả bột tro than đốt nương để bôi lên mặt, để cho mình xấu đi không sợ lính Pháp bắt về làm vợ.
Khi tôi hỏi chuyện này, cụ Xinh móm mém cười như một lời khẳng định và còn lý giải thêm: “Ngày ấy, chẳng biết mình có xinh thật không, chỉ thấy họ bảo xinh thôi. Sợ con trai nhiều nơi bắt gặp, lại theo về nhà, khổ họ. Mình chỉ lấy được một người thôi, làm cho nhiều người khổ quá thì đau cái đầu lắm. Mà đầu đau thì chết sớm hơn đói cái bụng nhiều. Thế là làm như vậy”.
Tuy đã trên 100 tuổi nhưng cụ Hà Thị Xinh vẫn còn rất minh mẫn và dí dỏm.
Nghèo khó mới thọ lâu (?!)
Sao Đồng Sơn lại lắm người thọ đến như vậy? Tôi đem câu hỏi này hỏi ông Lý Văn Xuôi, nguyên Bí thư chi bộ thôn thì ông Xuôi cho biết: “Có rất nhiều nguyên nhân khiến người Đồng Sơn thọ lâu. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính là họ không có điều kiện để “lạm dụng” thịt cá và các thức ăn giàu chất béo, ấy là do họ… nghèo”.
Quả đúng như lời ông Xuôi nói, Đồng Sơn là vùng đất bán sơn địa, nguồn nước tưới tiêu hạn hẹp, không có điều kiện phát triển kinh tế. Cuộc sống của người dân còn rất khó khăn. Khẩu phần ăn ít thịt, ít cá phải chăng là cái để người Đồng Sơn vượng tuổi và có nhiều người già đến như vậy.
Theo ông Hà Xuân Đức, Hội người cao tuổi ở Đồng Sơn thì: Hiện xã Đồng Sơn có khoảng 3.000 dân nhưng có rất nhiều người thọ từ 70 đến trên 100 tuổi. Riêng các cụ có tuổi thọ trên 100 tuổi ước chừng có khoảng 7 cụ. Riêng ông Đức, cao khoảng 1,8m, năm nay đã trên 70 rồi nhưng bữa vẫn ăn được đến 4 bát cơm. Ông đang hứa hẹn là một trong những người sẽ ghi tên tiếp theo vào danh sách tuổi trên trăm của xã. Hơn thế nữa, ông Đức đã có một mẹ già trên 100 tuổi. Cụ có chắt rồi nhưng vẫn nhanh nhẹn, giúp ông được khối việc nhà, vẫn còn xâu được cả kim để vá víu quần áo rách cho cháu con trong nhà.
Trong danh sách dài dặc của các cụ tuổi trên trăm như cụ Hà Thị Sạch 103 tuổi, Hà Văn Huy 102 tuổi, Hà Văn Quyền 100 tuổi… tôi cũng đã tìm đến và trò chuyện với cụ Hà Văn Huy. Thật khó mà tin được cụ ông đã bước vào tuổi 102 này còn nhanh nhẹn đến thế. Khi chúng tôi vượt qua đồi, đường khấp khểnh sống trâu, dài đến cả 3km để vào nhà cụ thì cụ còn đang giúp con bẻ ngô ngoài ruộng. Thấy chúng tôi phì phò thở, cụ bảo, tuổi trẻ mà như thế này là không ổn đâu. Tuần nào tôi cũng 3 – 4 lần vượt chặng đường các cậu vừa đi để ra thăm người bạn đang ốm ngoài đó. Đi nhoằng một cái rồi về để còn có thời gian giúp con giúp cháu việc nhà.
Không lạm dụng các thức ăn giàu dinh dưỡng, chú trọng đến rau là bí quyết để sống thọ của các cụ cao niên.
Thong thả với gánh ngô trên vai về nhà, tôi hỏi bí quyết để cụ sống thọ thì cụ bảo: Chả có bí quyết nào hết. Những người có tuổi như chúng tôi ở Đồng Sơn này đều năng vận động, ít bực tức, đừng để lòng dạ nặng nề là thọ lâu thôi. Tôi xem tivi thấy các cậu ở dưới thành phố, sống bon chen, lại ở chật chội nữa thì lấy đâu ra điều kiện vận động. Lại còn ăn nữa chứ, tôi thấy bữa ăn của các cậu thịt, cá rồi cái gì nữa ấy cứ ê hề. Ăn như thế thì chết chứ sống sao được.
Tối, tôi ở lại nhà cụ Huy ăn cơm. Vì có khách nên nhà cụ quyết định mổ gà. Con gà sống “chạy đồi” to lắm, thịt chặt sắp đầy mâm nhưng cả bữa cụ chỉ ăn đâu có 4 miếng. Sợ cụ làm khách, tôi giục người nhà gắp thêm nhưng chị con dâu của cụ bảo bố em ăn thế quen rồi.
Vừa ăn cụ Huy vừa bảo, tôi thấy người Kinh có câu rất hay: “Họa từ mồm ra, bệnh từ mồm vào. Không biết ăn uống là chết dở. Tôi thường duy trì, thức ăn chỉ là cái đưa cơm. Có cũng không dùng nhiều. Mỗi bữa của tôi cứ 2 lưng cơm thì phải ăn được khoảng 3 bát rau, cá thịt chỉ là cái đưa cơm cho nó đỡ nhạt miệng thôi. Và thêm nữa trong cuộc sống đừng nên gây thù chuốc oán, đừng nên lo nghĩ nhiều, như thế nó sẽ lấy nhiều “chất đạm” của não, bắt con người ta nhanh già, nhanh chết thôi. Những người sống lâu như tôi ở đất Đồng Sơn này, nếu cậu không tin thì cứ đi hỏi, ai cũng có một thói quen và quan niệm như vậy cả”.
Quả thật, những cụ già tôi đã gặp ở Đồng Sơn, tuy không nghiền ngẫm kinh kệ nhưng các cụ đã có một cuộc sống gần như “đắc đạo”. Sống không thù hận, luôn luôn tạo sự thảnh thơi và không lạm dụng trong ăn uống chính là bí quyết để các cụ có một sức khỏe dẻo dai. Điều này đáng để chúng ta học tập và áp dụng trong nỗ lực phấn đấu nâng cao tuổi thọ cho người dân.