Nơi lưu dấu của thầy giáo Nguyễn Tất Thành

GD&TĐ - Thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã dừng chân dạy học tại Trường Dục Thanh từ tháng 9/1910 đến tháng 2/1911...

Toàn cảnh khu di tích Dục Thanh tại TP Phan Thiết, Bình Thuận.
Toàn cảnh khu di tích Dục Thanh tại TP Phan Thiết, Bình Thuận.

Trường Dục Thanh (TP Phan Thiết, Bình Thuận) là nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành từng dạy học trong năm 1910 - 1911, trước khi Người vào Sài Gòn, bắt đầu cuộc hành trình bôn ba tìm đường cứu nước.

Ngôi trường tư thục tiến bộ

Trường Dục Thanh được xây dựng cuối năm 1907 do ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh là hai người con của nhà thơ, nhà văn yêu nước Nguyễn Thông khởi xướng. Trường ở làng Thành Đức, nay thuộc phường Đức Nghĩa, TP Phan Thiết, Bình Thuận.

Trong “Ngọa Du Sào văn tập”, Nguyễn Thông tả khuôn viên ngôi nhà và Ngọa Du Sào nơi ông sinh sống ở Phan Thiết: “Từ sông Phan Thiết có con rạch nhỏ chảy vào nhà, đi lại bằng xuồng rất tiện. Trên bãi đất nhỏ phía trước mọc lên một cây dừa nước thân to mấy người ôm. Buổi sáng nào cũng có chim quốc đến đậu cành cây, kêu rất não nùng. Đến buổi nước ròng, dọc hai bờ sông nổi lên bãi cồn mọc đầy bần đước”.

Tên gọi Dục Thanh với ý nghĩa giáo dục thanh niên lòng yêu nước, hưởng ứng truyền bá tư tưởng của phong trào Duy Tân do cụ Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng.

Ngoài việc dạy chữ Quốc ngữ là chính, Trường Dục Thanh còn dạy thêm Hán văn, Pháp văn. Đây là trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ ở tỉnh Bình Thuận lúc bấy giờ.

Theo tư liệu lịch sử, trên bước đường ra đi tìm đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tên thời trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã dừng chân dạy học tại Trường Dục Thanh từ tháng 9/1910 đến tháng 2/1911.

Lúc ấy, trường có khoảng 60 học sinh chia làm 4 lớp: Tư, ba, nhì, nhất. Trường có Hiệu trưởng Nguyễn Quý Anh cùng 7 thầy giáo. Thầy Nguyễn Tất Thành được phân công dạy lớp nhì môn Thể dục và trợ giảng chữ Quốc ngữ, Hán văn, Pháp văn. Ngoài ra, thầy Thành còn phụ giảng chữ Quốc ngữ và chữ Hán thay cho các thầy giáo khác nghỉ bệnh hoặc bận việc. Trong thời gian này, ngoài những nội dung được phân công giảng dạy, thầy giáo trẻ còn truyền bá lòng yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên cho học sinh.

Toàn trường có 21 bộ bàn ghế chia làm ba dãy. Tại gian giữa là phòng học, phía trên có đặt 1 bộ Hoạ đàn trường kỷ để thầy giáo ngồi chấm bài, hai bên kê 2 tấm bảng đen để thầy giáo viết bài phía dưới là ba dãy bàn để học sinh ngồi.

Trong khuôn viên trường có khu nhà Ngư - là nơi chứa ngư lưới cụ và làm cá, mắm của gia đình con cháu cụ Nguyễn Thông, được xây dựng năm 1906. Khi Trường Dục Thanh ra đời, nhà Ngư trở thành nơi nội trú của thầy giáo và học trò ở xa đến dạy và học. Trong thời gian dạy học ở Trường Dục Thanh, lúc đầu thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở nhờ nhà cụ Hồ Tá Bang; sau đó, thầy chuyển ra nội trú tại nhà Ngư.

Trong trường còn có Ngọa Du Sào, nơi thầy giáo Thành thường xuyên lui tới để đọc sách, chấm bài và thỉnh thoảng nghỉ trưa tại đây. Trong sân trường còn có cây khế do vợ cụ Nguyễn Thông trồng cách đây đã hơn một thế kỷ và một giếng nước. Hằng ngày, thầy Thành thường lấy nước ở giếng để dùng trong sinh hoạt và tưới cây trong vườn.

Khu di tích Trường Dục Thanh ngày nay vẫn còn lưu giữ lại những hiện vật từ thời Bác Hồ dạy học như một bộ trường kỷ, một bộ ván, chiếc án thư, một chiếc tủ đứng, tráp văn thư, nghiên mài mực, ba chiếc ly nhỏ, một chiếc khay. Tất cả đều cũ kỹ nhưng được bảo quản tốt. Ngoài ra, trong Trường Dục Thanh hiện còn khu nhà thờ cụ Nguyễn Thông và dòng họ.

Tháng 2/1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời Trường Dục Thanh và Phan Thiết vào Sài Gòn, tìm đường cứu nước.

Ngọa Du Sào, nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành thường đọc sách, báo, tài liệu trong thời gian dạy học tại Trường Dục Thanh.

Ngọa Du Sào, nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành thường đọc sách, báo, tài liệu trong thời gian dạy học tại Trường Dục Thanh.

“Sự tích” Ngọa Du Sào

Trường Dục Thanh ra đời và hoạt động từ năm 1907 đến 1912, nhưng Ngọa Du Sào đã có từ trước đó. Ngược dòng lịch sử giai đoạn này, Bình Thuận là mảnh đất giàu truyền thống, nơi gặp gỡ bàn chuyện nước non của các sĩ phu yêu nước. Trong số đó có cụ Nguyễn Thông (1827 - 1884), một nhà thơ, nhà văn yêu nước, nhà hoạt động xã hội từ Tân An ra Phan Thiết.

Nguyễn Thông, tự Hi Phần, hiệu Kỳ Xuyên, biệt hiệu Độn Am. Ông quê ở thôn Bình Thanh, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay là Long An). Nguyễn Thông được giới sử học đánh giá có học vấn uyên bác, là nhà nho yêu nước thương dân, tư tưởng tiến bộ, song có quan lộ thăng trầm.

Khoa thi năm 1849 (năm Kỷ Dậu, triều Tự Đức), Nguyễn Thông đỗ cử nhân nhưng thi hội bị đánh hỏng vì tập bài thi bị lấm mực. Đọc bài thi, thấy văn tài của Nguyễn Thông, nhiều người khuyên nên tiếp tục học để thi khoa sau. Nhưng vì nhà nghèo không thể tiếp tục học, Nguyễn Thông nhận chức huấn đạo tại Phú Phong, tỉnh An Giang. Sáu năm sau, ông ra Huế, làm việc ở nội các, tham dự soạn sách “Nhân sự kim giám” (Gương vàng soi việc người).

Năm 1859, quân Pháp đánh thành Gia Định, ông tình nguyện tòng quân và giúp việc đắc lực cho Thống đốc quân vụ Tôn Thất Hiệp. Hai năm sau, đại đồn Chí Hòa bị mất, kế đến tỉnh Biên Hòa bị chiếm. Cậu ông là Trịnh Quang Nghi (chiến đấu ở trận Chí Hòa) và người bạn Phan Văn Đạt chiêu mộ nghĩa binh chống Pháp ở Tân An và Gò Công. Nguyễn Thông tham gia, may thoát nạn trong khi Phan Văn Đạt bị bắt giết. Năm 1862, ba tỉnh miền Đông phải nhượng cho Pháp.

Quan Kinh lược đại sứ Phan Thanh Giản đề cử Nguyễn Thông làm Đốc học Vĩnh Long. Về tỉnh này, ông vẫn liên lạc với cậu Trịnh Quang Nghị và các sĩ phu yêu nước, trong đó có sĩ phu dời gia đình từ miền Đông sang. Những điều nghe thấy lúc này giúp ông dễ dàng viết lưu lại cho đời mấy bài ký về Phan Văn Đạt, Trương Định, Hồ Huân Nghiệp trong “Kỳ Xuyên văn sao”.

Năm 1867, Pháp chiếm thành Vĩnh Long, Nguyễn Thông cùng một số sĩ phu ra Bình Thuận. Họ bàn nhau việc điều tra địa thế, tìm căn cứ để tạo điều kiện liên lạc với Biên Hòa, đồng thời phát triển nghề nông, sản xuất lương thực, lo kế lâu dài.

Cuối năm 1867, ông làm Án sát Khánh Hòa, có dâng sớ xin truy tặng tên thụy cho cụ Phan Thanh Giản và điều trần bốn vấn đề ích nước lợi dân nhưng không được chấp thuận. Năm 1870, ông về kinh rồi được bổ làm Biện lý Bộ Hình. Mùa Đông năm ấy, ông được thăng Quang lộc tự khanh, lãnh chức Bố chánh Quảng Ngãi. Trong vòng non ba năm ở Quảng Ngãi, ông đã làm nhiều việc có lợi cho nông dân, nhất là công tác thủy lợi.

Năm 1876, trở ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Một năm sau đó, triều đình chấp thuận kế hoạch khai hoang vùng La Ngư, Ba Dầu (Bình Tuy) nên cử ông về Bình Thuận. Ông được thăng Thị giảng học sĩ, sung chức Đinh điền sứ, cải làm Quang lộc thiếu khanh, lãnh chức Bình Thuận Bố chánh sứ.

Với tâm hồn thi nhân, Nguyễn Thông phát hiện ở hữu ngạn sông Phan Thiết có con rạch nhỏ chảy vào làng Thành Đức, khung cảnh giống hệt vùng sông nước Nam Bộ, nơi ông trải qua thời thơ ấu. Ông mua đất, dựng nhà tại đây, sau đó cất thêm là Ngọa Du Sào kế bên vào năm 1880.

Ngọa Du Sào có vách xây bằng ghè ống, thềm gót gạch thẻ, mái lợp ngói âm dương, bên trên có một gác nhỏ với lan can ló ra ngoài. Đúng với ý nghĩa “ổ nằm chơi”, Ngọa Du Sào được Nguyễn Thông dùng làm nơi uống trà, ngâm thơ, bình thơ, bình văn và sáng tác lúc tuổi già. Đây cũng là nơi cụ luận bàn trao đổi công việc với các sĩ phu yêu nước.

Học sinh tham quan Trường Dục Thanh nhân ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2020.

Học sinh tham quan Trường Dục Thanh nhân ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2020.

Về Dục Thanh, nhớ Bác Hồ

Sau ngày thống nhất đất nước, khu di tích Trường Dục Thanh được trùng tu toàn bộ khuôn viên và các kiến trúc cũ. Thời gian khởi công từ tháng 11/1978 đến tháng 12/1980, trên cơ sở một phần di tích gốc còn lại và dựa theo lời kể, bản vẽ phác hoạ của 4 học trò của thầy giáo Nguyễn Tất Thành năm 1910, gồm các cụ: Nguyễn Quý Phầu, Nguyễn Đăng Lầu, Từ Trường Phùng, Nguyễn Kinh Chi.

Khu di tích Trường Dục Thanh được khánh thành và đưa vào hoạt động với tổng diện tích hơn 4.000m2, gồm Trường Dục Thanh, nhà Ngư, nhà Ngọa Du Sào, nhà thờ cụ Nguyễn Thông, cây khế, giếng nước, vườn cây lưu niệm, cây ăn quả, cây cảnh…Tất cả đã tạo nên một quần thể có lối kiến trúc vừa cổ, vừa kim, có không gian thoáng mát trong lành.

Di tích văn hóa lịch sử Trường Dục Thanh đã để lại nhiều cảm xúc cho những người đến thăm, đặc biệt là giới trẻ. Nguyễn Anh Tuấn - sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) kể từng tham quan ngôi trường cách đây một năm. Ngồi giữa sân trường, nơi Bác Hồ từng dạy học thời trai trẻ, Tuấn bồi hồi, xúc động.

“Thầy giáo Nguyễn Tất Thành không đơn thuần dạy chữ cho học trò mà quan trọng hơn, Người giáo dục tinh thần yêu nước, giá trị truyền thống của dân tộc cho các em nhỏ. Điều đó cũng có nghĩa là, trong tâm trí thầy giáo trẻ lúc ấy, luôn chất chứa lòng yêu nước”, Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ cảm tưởng.

Nhiều văn nghệ sĩ cũng từng đến Trường Dục Thanh và nơi đây là đề tài cho nhiều bài thơ hay. Những kỷ vật trong ngôi trường hơn 100 tuổi, câu chuyện dạy học của thầy giáo Nguyễn Tất Thành được chuyển tải bằng những câu thơ giàu cảm xúc.

Như nhà thơ Giang Nam trong bài thơ “Thăm trường xưa Bác dạy”:

Ghế ngày xưa, Bác ngồi đọc sách

Căn gác này, Bác thức thâu đêm

Cây me mát những trò chơi tuổi trẻ

Màu hoa vàng như mặt trời lên.

Sông Cà Ty nước lớn, ròng hai buổi

Gió mặn khơi xa năm tháng đổ về

Nơi Bác dừng chân có lời ru của biển

Có mẹ nghèo vất vả sớm khuya…

Hay nhà thơ Huy Cận cũng đã ghi lại những cảm xúc của mình khi về thăm Dục Thanh, trong bài “Những cột buồm cao”:

Trường Dục Thanh vang vọng vẫn nghe

Tiếng thầy Thành dạy trẻ xưa kia.

Bác ơi, nước mất đau lòng Bác

Bác gọi lòng dân, nước lại về ...

Trong bài viết “Di tích Trường Dục Thanh - Phan Thiết và những giá trị về tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, chị Văn Thị Kim Hưng, cán bộ làm công tác thuyết minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận bày tỏ niềm xúc động: “Đến với di tích Dục Thanh, lòng mỗi người lại thấy bồi hồi xúc động, như thấy mình đang được sống lại những năm tháng xưa và đang được nghe những bài giảng của thầy giáo Nguyễn Tất Thành về tình yêu quê hương, đất nước; về trách nhiệm của mình đối với non sông.

Lòng mỗi người lại thấy nặng công ơn Bác, càng kính yêu Bác hơn. Chắc rằng không một ai sau khi thăm khu di tích mà không được tiếp thêm nguồn sức mạnh, không nảy sinh những tình cảm mới mẻ, lành mạnh; không một ai không tự nhủ thầm phải sống tốt hơn, làm việc tốt hơn”.

Theo tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Bình Thuận, sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ tỉnh Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận) đã báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng, xin phép trùng tu, phục dựng khu di tích Dục Thanh.

Sau khi khôi phục và giữ gìn, khu di tích Dục Thanh trở thành nơi thiêng liêng và thân thiết với mọi người dân Việt Nam nói chung, nhân dân Bình Thuận nói riêng. Khu di tích Dục Thanh được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia vào tháng 12/1986.

Với những ai chưa có dịp đến Thủ đô Hà Nội, vào lăng viếng Bác, thăm khu di tích Phủ Chủ tịch có nhà sàn nơi Bác Hồ ở và làm việc, việc trùng tu, phục dựng và phát huy giá trị khu di tích Dục Thanh - Phan Thiết mang một ý nghĩa hết sức thiêng liêng. Mỗi hiện vật đều mang ý nghĩa lịch sử và gây xúc động với du khách khi có dịp thăm trường xưa Bác dạy, tất cả vẫn như ngày có Bác.

_______________________

* Ảnh: Sở VH-TT-DL Bình Thuận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.