Chửi bới, cãi lộn. Bát nháo, vô lý. Thuyết giáo, lắm lời… Vậy mà, bộ phim “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành vẫn có sức hút lạ kỳ và đang trở thành phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.
Đã hơn một tháng ra rạp nhưng hiện nay hệ thống rạp trên toàn quốc vẫn được “Nhà bà Nữ” hiện diện suất chiếu từ sớm đến tận khuya… Có thể thấy, đây là một hiện tượng trong ngành Điện ảnh nước nhà.
Sau hơn nửa tháng tạo cơn sốt phòng vé, lấn át cả phim ngoại, bộ phim vẫn bền bỉ trụ rạp và doanh thu đã vươn đến con số hơn 450 tỷ đồng (được dự đoán sẽ cán mốc 500 tỷ đồng).
“Nhà bà Nữ” có xuất sắc về khuôn hình không? Chắc chắn là không khi chỉ là những cảnh thu hẹp về sinh hoạt đời thường đầy lộn xộn, không có những góc máy đặc tả, dụng công.
Câu chuyện “Nhà bà Nữ” kể có gì đặc biệt không? Cũng không, khi chỉ là chuyện mấy mẹ con nhà bà bán bánh canh cua suốt ngay va chạm, mâu thuẫn về cách sinh hoạt, lối nghĩ.
Phim có yếu tố bất ngờ khiến khán giả phải ồ à không? Cũng không, khi chỉ là đôi ba nút thắt dễ đoán biết, đấy là còn chưa kể những nút thắt ấy khá khiên cưỡng, vụng về, nhiều khi như từ trên trời rơi xuống, quay ngoắt 180 độ, thiếu logic, phi lý...
Ơ kìa, một bà Nữ có những giây phút lắng lại mà buồn và ngẫm vì sao từ chồng đến con gái cưng lại bỏ mình mà đi như thể đã hiểu cho cách yêu thương sai lầm của mình thế mà khi thấy John hớt hải chạy vào bệnh viện sau sự cố khiến Ngọc Như bị ngã sảy thai bà liền lao vào chửi mắng, đánh đuổi y như chưa có sự tỉnh ngộ. Rồi ngoắt lại là một bà Nữ hạnh phúc bước lên sân khấu để diễn thuyết về cách yêu thương, tôn trọng con cái…
Cách xây dựng nhân vật có gì độc, lạ? Chắc chắn cũng là không khi bà Ngọc Nữ hay cô Ngọc Như, Ngọc Nhi hay bà ngoại Ngọc Ngà, anh Phú Nhuận, John có nguồn gốc xuất thân, nhất là những lý do khiến họ gặp phải biến cố cuộc đời đều rất đỗi bình thường như bao nhân vật trên bao bộ phim từ điện ảnh đến truyền hình…
Cô Ngọc Nhi muốn học tạo hình với gốm nhưng bà Nữ muốn con học đại học kinh tế. Cô Ngọc Nhi muốn yêu chàng trai Việt kiều tên John nhưng bà Nữ chê đó là người không tử tế.
Anh Phú Nhuận muốn được ghi nhận và thoát khỏi cái bóng ở nhà vợ nhưng liên tiếp bị bà Nữ coi thường, mắng chửi té tát, bị vợ Ngọc Như tru tréo như người ở… Để chống đối và mở lối cho bản thân, cô Nhi, anh Nhuận cùng phối hợp lửa bà Nữ, cô Như: Người thì trốn học đi hẹn hò với người yêu, kẻ thì trốn vợ đi nhậu và phét lác với bạn bè, thậm chí còn cặp bồ…
Lời thoại của phim thực sự sâu lắng, gieo vào lòng khán giả những suy tư? Không, phần lớn chỉ là những lời chao chát, chanh chua thậm chí chửi bới có phần tục tĩu.
Ở gần cuối phim có một chuỗi thoại nghe có vẻ triết lý, chiêm nghiệm, đúc kết nhưng là điều nhắc lại muôn điều ai cũng biết, cũng thấy. Đã thế, chúng được thể hiện dài dằng dặc khiến cho người xem thấy… mệt vì có cảm tưởng như đang bị giáo huấn! Diễn xuất của diễn viên đầy tinh tế và chạm đến cảm xúc khán giả? Chưa thể, khi vẫn là sự thiếu tự nhiên, thậm chí có những vai diễn ngả sang cường điệu của hài kịch…
Rõ ràng, “Nhà bà Nữ” không có gì xuất sắc về mọi mặt, thậm chí còn bị kêu ca, phàn nàn về ngôn ngữ điện ảnh thiếu lành mạnh dễ “đầu độc” khán giả. Không ít người đã đem bộ phim này ra so sánh với “Bố già” (cũng là phim do Trấn Thành sản xuất dịp Tết 2022, có doanh thu đến 400 tỷ) và cho rằng không hay bằng, không đầy đặn, khá tầm phào.
Vậy mà sao “Nhà bà Nữ” vẫn tạo nên kỳ tích phòng vé? Đã có lý giải rằng, đó là do Trấn Thành - nhà sản xuất kiêm đạo diễn bộ phim biết nắm bắt thị hiếu, xu hướng khán giả nhưng chính Trần Thành lại lắc đầu than thị hiếu khán giả rất khó nắm bắt mà vì anh kể câu chuyện của cá nhân bằng góc nhìn lạ.
Có thể thấy, dù không đặc biệt ở bất kỳ khía cạnh nào nhưng “Nhà bà Nữ” lại có thể “nói hộ” được nỗi lòng, nỗi niềm của các bà mẹ và nhất là nỗi ấm ức của những đứa con thời nay khi họ sống chung nhà nhưng cách nghĩ và ước mơ hoàn toàn khác nhau.
Minh họa/INT |
Cái cách “nói hộ” ấy nhiều khi chỉ là chắp ghép, lượm lặt những chi tiết từ đời sống khiến chúng không có được sự mượt mà, uyển chuyển mà gần như khấp khểnh, gập ghềnh, luộm thuộm. Thế nhưng nó lại khá chân thực, gần gũi khiến người xem có thể liên tưởng, hoài niệm về mình.
Nếu là bậc làm cha, làm mẹ thì có thể đồng cảm với bà mẹ đơn thân Ngọc Nữ suốt ngày quần quật với bao bát bánh canh cua những mong con cái chịu khó học hành sau thoát khổ, thoát nghèo.
Vậy mà, chúng vẫn không biết nghe lời, luôn cãi lại và sẵn sàng rời xa vòng tay để theo đuổi tình yêu, sở thích… Nếu là những người trẻ thì thấy như thể chuyện của Ngọc Nhi bị mẹ (bà Ngọc Nữ) cấm theo đuổi nghệ thuật, cấm đi chơi khuya, cấm yêu người mẹ không vừa mắt… cũng là chuyện của mình.
Những diễn biến tâm lý từ bức bối đến phản kháng quyết liệt với mẹ của Ngọc Nhi cũng thế, khéo khi không ít người không một lần nghĩ đến hoặc đã từng làm… Còn các xung đột của vợ chồng Ngọc Như - Phú Nhuận dù có phần “thậm xưng” trong cách ăn nói và cũng là ghép nhặt từ chuyện đời như bán hàng qua mạng, coi chồng như người ở trong nhà… nhưng vẫn có bóng dáng ai đó chỉ biết im lặng sống trong vòng tay của mẹ mà không dám dũng cảm bứt ra và tự lo cho cuộc sống hôn nhân của mình.
Sự hèn kém rồi vùng dậy của anh chồng Phú Nhuận cũng dễ bắt gặp ở đâu đó trong cuộc sống đời thường để được chia sẻ, cảm thông.
Vì vậy bộ phim “Nhà bà nữ” đã ôm chứa câu chuyện không của riêng ai nhưng chưa bao giờ cũ. Khi đến rạp thưởng thức bộ phim, người xem cảm thấy đó đâu phải là chuyện của riêng nhà bà Ngọc Nữ với các cô Ngọc Như, Ngọc Nhi mà còn là chuyện ở trong nhà mình.
Nhất là với khán giả trẻ - những người chiếm lĩnh rạp chiếu chủ yếu - vừa được cười thoải mái trước tình huống hài hước phô bày thói hư tật xấu của mỗi người vừa có thể ngậm ngùi, ừ nhỉ, đó cũng là tâm tư, nỗi lòng mà mình muốn nói với mẹ mà không thể nói ra…