(GD&TĐ) - Dù cố gắng nỗ lực vượt khó, chuẩn bị mọi điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất đón năm học mới, song nhiều trường học ở vùng sâu xa đang đứng trước những khó khăn, thách thức về thiết bị dạy học. Thiếu về số lượng, yếu về chất lượng vẫn là bài toán khó giải về thiết bị dạy học khi năm học mới đã cận kề.
Còn đó nỗi lo
Một góc thư viện xanh. Ảnh: Viết Sơn |
Bước vào năm học mới, câu chuyện thiết bị đồ dùng dạy học dường như lại nóng hơn. Không chỉ là chuyện chênh lệch giữa điều kiện sắm sửa giữa các trường mà còn là cách sử dụng sao cho hiệu quả, phù hợp, chất lượng thiết bị còn đảm bảo?
Qua khảo sát một số trường của nội thành Hà Nội cho thấy, thiết bị và đồ dùng dạy học khá ổn định, có sự đầu tư ngân sách thường xuyên để cập nhật mua sắm mới và sửa chữa cũ. Vì vậy sách tham khảo cho giáo viên học sinh, thiết bị giảng dạy, thiết bị phòng thí nghiệm... không phải là nỗi lo đối với nhiều trường khi bước vào năm học mới. Có chăng, như phản ánh của một số trường học về bàn ghế cho học sinh ngồi học hiện nay được đóng theo đúng quy định kích cỡ chuẩn nhưng vẫn còn bất cập trong sử dụng bởi thể trạng tầm vóc ngày càng phát triển của học sinh. Điều đó khiến quá trình ngồi học không được thuận tiện, thoải mái nhất. Nhiều học sinh cảm giác bị gò bó...
Tuy nhiên, đối với các trường vùng khó lại đứng trước nhiều khó khăn nhất định trong việc ổn định số lượng, chất lượng. Từ đây cũng buộc giám hiệu, giáo viên và học sinh các trường phải nỗ lực, linh hoạt trong giảng dạy và học để đảm bảo tối đa chất lượng.
Trao đổi của Ban giám hiệu Trường THPT A Túc (Quảng Trị) được biết, trường nằm ở vùng núi sâu, thuộc diện vùng khó với sĩ số học sinh khoảng 300. Mỗi năm học mới, thiết bị và đồ dùng dạy học đều được sở Giáo dục và đào tạo cấp một phần, trường bỏ ngân sách đầu tư mua sắm một phần song chất lượng và số lượng thiết bị đồ dùng dạy học vẫn là bài toán khó khi vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng. Để đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho hoạt động dạy học diễn ra thường xuyên giáo viên nhà trường phải tận dụng cả những thiết bị dạy học đã cũ thường xuyên hỏng hóc. Giáo viên có khi còn kiêm luôn cả nhiệm vụ thợ sửa chữa, bảo quản thiết bị.
Toàn trường có xấp sỉ 300 học sinh song phòng máy chỉ tính chỉ có số lượng khiêm tốn hơn chục cái, trong khi việc khai thác sử dụng thường xuyên, điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên máy móc hay hỏng hóc. Các thiết bị hỗ trợ giảng dạy như máy chiếu, phòng thí nghiệm mới chỉ đáp ứng phần nào so với nhu cầu dạy học, thực hành của giáo viên và học sinh.
Cũng có điều kiện đặc thù, khó khăn riêng, cô giáo Hoàng Thị Thắm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phong Ba (Cồn Cỏ, Quảng Trị) cũng cho biết: Mặc dù hàng năm được bổ sung về trang thiết bị dạy học và các đoàn từ đất liền khi ra thăm đảo đều quan tâm tặng thên tranh ảnh, bút màu... cho các cháu trong lớp. Nhưng bấy nhiêu cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thiết bị giảng dạy , các trang thiết bị hỗ trợ cho bài dạy vẫn nghèo nàn và lạc hậu. Các đồ dùng giảng dạy, đồ chơi cho trẻ (xếp hình, các góc học tập; sách vở, truyện tranh, ảnh trực quan) và đặc biệt các đồ chơi ngoài trời cho của lớp vẫn còn rất thiếu. Điều kiện đi lại giữa đất liền và đảo Cồn Cỏ không dễ dàng nên cũng hạn chế đến sự đầu tư, bổ sung thường xuyên thiết bị giảng dạy, đồ chơi cần thiết cho trẻ. Các thiết bị đồ dùng dạy học ở lớp học duy nhất trên đảo Cồn Cỏ chủ yếu chỉ được bổ sung vào duy nhất vào dịp năm học mới.
Linh động để vượt khó
Tăng cường đầu sách cho thư viện. Ảnh: Viết Sơn |
Với những ngôi trường ở vùng khó để đảm bảo về số lượng và chất lượng thiết bị đồ dùng dạy học dường như vẫn là mong ước. Trong điều kiện khó khăn ấy, những thầy cô giáo vẫn phải xoay sở để khắc phục tốt nhất cho việc giảng dạy, mang tới hiệu quả chất lượng cho từng tiết học.
Tại lớp mầm non Hoa Phong Ba, để khắc phục tình trạng thiếu thốn đồ dùng dạy học cũng như đồ chơi ở góc học tập cho trẻ, các cô giáo đã tự nghiên cứu sáng tạo ra đồ chơi, công cụ giảng dạy từ những vật liệu đơn giản nhất có thể kiếm được từ cuộc sống hàng ngày. Những vỏ hộp sữa, vỏ trứng, vỏ ốc biển... dưới bàn tay cắt dán, tô vẽ khéo léo của cô giáo đã trở thành những đồ chơi đơn giản mà sinh động.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Quang - Phó hiệu trưởng trường THPT Gio Linh (Quảng Trị) cũng cho biết: Trang thiết bị, đồ dùng dạy học thiếu sẽ ảnh hướng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Quá trình tiếp nhận kiến thức của học sinh qua các giờ học, thực hành cũng hạn chế, ảnh hưởng nếu không đủ thiết bị, đồ dùng dạy học. Chính vì vậy, bên cạnh việc đầu tư thường xuyên thiết bị cho các phòng thí nghiệm, tăng đầu sách cho thư viện hàng năm thì nhà trường phải áp dụng nhiều giải pháp để đảm bảo và tăng cường thiết bị dạy và học. Nhiều phong trào giữ gìn sách tham khảo, sách giáo khoa, đồ dùng học tập... được vận động. Tận dụng lại sách giáo khoa cũ nhưng còn mới của học sinh năm trước cho học sinh có điều kiện hoàn cảnh gia đình không khá giả ở những năm sau. Phong trào giúp đỡ bạn nghèo bằng sách bút, đồ dùng học tập cũng được khuyến khích.
Trường THPT A Túc (Quảng Trị), các thầy cô giáo cũng bằng mọi cách để chuẩn bị tốt nhất các thiết bị, đồ dùng học tập cho năm học mới. Bên cạnh bổ sung bằng ngân sách, nhà trường còn tranh thủ nguồn sách vở, sách giáo khoa của các trường có điều kiện hơn giúp đỡ. Đặc biệt, nhà trường cũng chú trọng đến công tác vận động sự chung tay góp sức, của các tổ chức xã hội, địa phương, phụ huynh học sinh cho các hoạt động dạy học của trường.
Mặt khác, vì giáo viên còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất để đáp ứng những yêu cầu cần thiết trong đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng và gây hứng thú cho học sinh... nên nhà trường không ngừng đòi hỏi, động viên giáo viên sự nổ lực, phấn đấu, say mê nghề nghiệp. Khuyến khích giáo viên khắc phục những thói quen dạy học theo phương pháp truyền thống... Tất cả hướng tới mục đích chung là nâng cao chất lượng dạy và học.
Thiết bị dạy học là một trong những yếu tố gắn liền với quá trình dạy học, chất lượng dạy học trong mỗi trường học. Giáo viên dù giỏi đến mấy cũng không thể truyền tải hết nội dung kiến thức nếu chỉ giảng chay, thiếu đi những tiết thực hành, những máy móc hỗ trợ giảng dạy. Và học sinh cũng không thể có cái nhìn tổng quát mục đích ý nghĩa bài học nếu quá trình học tập không được thực hành bên cạnh các tiết học lý thuyết. |
Mai Hoàng