Nỗi lo khôn cùng của người làm vợ Nhà báo

Nỗi lo khôn cùng của người làm vợ Nhà báo

Những câu chuyện dưới đây, là tâm sự của người thân các nhà báo từng trải qua những cảm xúc có khi còn mạnh hơn cả người đối diện hiểm nguy...

Lo quên cả... ốm nghén!

Trời Hà Nội nắng gắt, mới 8h sáng mà phố phường như bị thiêu đốt bởi ngọn lửa mặt trời. Năm nay, ngày kỷ niệm của cánh báo chí đến đúng vào dịp nắng nóng mấy chục năm mới có.

Cầm trên tay cốc nước mơ đá bà chủ quán vừa pha, Thanh Bình bần thần một lúc mới cất lời với sự động viên của chồng. Chồng cô, nhà báo Trần Thế Dũng, Báo Người lao động TPHCM, nạn nhân vụ hành hung tập thể dã man xảy ra đầu tháng 1/2010 tại biên giới Lạng Sơn.

Thế Dũng và vợ tại Bệnh viện Việt - Đức
Thế Dũng và vợ tại Bệnh viện Việt - Đức

“Lúc ấy chúng em mới cưới được khoảng 4 tháng, em đang mang bầu 2 tháng. Em còn nhớ, khi anh Dũng đi công tác Lạng Sơn thì trời lạnh lắm. Lúc anh đi, em còn chuẩn bị quần áo ấm rất nhiều. Nhìn dáng chồng nhỏ bé ôm theo cái túi to đùng mà lòng không khỏi lo lắng. Tính anh Dũng rất kín đáo, nhất là công việc, ít tâm sự lắm, nhiều lần em hỏi, anh toàn lảng tránh.

Vợ có gắt mới nói rằng không tâm sự vì sợ vợ lo. Nhưng em là chuyên gia tâm lý, em biết và hiểu công việc của chồng. Song chuyện anh bị hành hung nơi địa đầu Tổ quốc thì hoàn toàn nằm ngoài bất kỳ trải nghiệm nào em từng có...”, Thanh Bình bắt đầu câu chuyện của mình và thi thoảng lại bị ngắt quãng vì xúc động.

“ Em và mẹ chồng như nghe sét đánh ngang tai, bà thì ngồi thụp ngay xuống không thể đứng dậy. Em vẫn ngồi trên giường, toàn thân bất động. Nhìn thấy mẹ chồng ngồi ngay cửa, gió lạnh thổi ào ào mà cũng không cất nổi một tiếng gọi mẹ vào trong nhà. Mấy phút sau, em bình tĩnh hơn, đã đi ra được chỗ mẹ chồng, dìu bà vào.

Rồi em lấy điện thoại gọi anh Dũng, anh bắt máy, em tạm yên tâm khi biết rằng anh đã khỏe hơn, đồng nghiệp của anh cũng đã có mặt để chăm sóc. Sau đó, em vì đang mang thai nên không lên với chồng được, cả nhà em tức tốc có mặt tại Lạng Sơn. 2 hôm sau, anh Dũng được chuyển về bệnh viện Việt Đức, lúc ấy em mới được gặp mặt chồng ”.

Chị Thanh Bình - vợ anh Trần Thế Dũng

“Em còn nhớ rõ lắm, lúc em biết chuyện chồng mình bị đánh thì anh đã phải nằm bệnh viện từ đêm hôm trước rồi. Đêm ấy, trước khi đi thực tế lấy tài liệu, anh Dũng có gọi điện về cho em động viên rằng cứ yên tâm, anh đi làm rồi sẽ về sớm.

Hiểu công việc của chồng, em không gọi điện lại nữa, nhưng suốt đêm ấy, lòng ruột cứ như lửa đốt, em ngủ không được yên, linh tính báo cho em có chuyện gì đó bất ổn. Em biết tin chồng mình bị hành hung qua một người bạn của cả hai vợ chồng vào sáng hôm sau. Anh bạn ấy không biết rằng anh Dũng giấu gia đình nên đã gọi điện cho em để hỏi thăm, chia sẻ.

Bấy giờ khoảng 7h sáng, không biết phải dùng từ ngữ như thế nào để tả lại cảm giác của mình lúc đó nữa...”, Thanh Bình dừng lại, không thể nói tiếp được nữa.

Nhà báo Trần Thế Dũng thấy vậy chen vào, giọng vừa xúc động vừa hài hước: “Lúc bị đánh, tôi chỉ có một suy nghĩ làm sao để tự giải thoát mình, bản năng sống của con người trỗi dậy đã giúp tôi tránh được nhiều đòn hiểm của bọn lưu manh.

Sau đó, được đưa vào bệnh viện chữa trị, vợ, cha mẹ là những người tôi nghĩ đến đầu tiên. Tôi quyết định giấu họ, đặc biệt là với vợ, cô ấy đang mang bầu, không thể thông báo chuyện này được. Mà hơn nữa, mình vẫn còn sống mà...”.

Bình tĩnh trở lại, Thanh Bình kể tiếp: “Không thể tả nổi cảm xúc lúc đó đâu anh ạ, chỉ biết rằng em lo lắng tới nỗi quên luôn cả cảm giác nghén. 2 tháng đầu thai kỳ, cứ đến lúc phải ăn, uống là em sợ lắm, cái gì cũng sợ. Thế mà sau khi biết tin chồng bị hành hung, em chẳng còn cảm giác đó nữa. Người nhà ai đưa cho cái gì thì ăn cái đó, trong lòng chỉ một suy nghĩ rằng phải giữ sức khỏe cho cả hai mẹ con, ngày nào cũng vậy, dù không gặp mặt, qua điện thoại, anh Dũng vẫn nhắc nhở em giữ gìn sức khỏe mà”, Thanh Bình cười nói.
 
Bây giờ, mỗi lần Dũng vác ba lô lên đường đi công tác, Bình lại thấp thỏm lo âu. Cô bảo rằng chỉ đến khi anh về tới nhà, cô mới yên tâm được. Nhưng dù công việc của chồng có nguy hiểm, dù có phải lo lắng thì Bình vẫn luôn ủng hộ anh và cô thấy tự hào về công việc của chồng mình.

Chia tay tôi, nhắc đến đứa con sắp sinh, Thanh Bình bảo sẽ không ép con mình phải học nghề gì, nhưng nếu mai này có theo nghề của bố, cô cũng rất vui và sẵn sàng ủng hộ con. Chúc cho vợ chồng nhà báo Thế Dũng - Thanh Bình mãi được hạnh phúc.
 
“Chồng đi 1 phút em lo 10 phút”

Cửa hàng tạp hóa của Diệu Hạnh nằm khiêm tốn trên phố Phạm Hồng Thái, Hà Nội. Đây cũng là công việc hàng ngày của cô và cũng là “cần câu cơm” chính của hai vợ chồng. Chồng cô, phóng viên Trang Dũng, Báo Công an Nhân dân không có nhà, dù là ngày thứ 7.

Nhận ra đồng nghiệp của chồng, Diệu Hạnh bảo: “Anh cũng như anh Dũng đấy thôi, thứ 7 cũng chẳng ở nhà, sự kiện lôi các anh đi. Mà anh cũng đừng hỏi em anh Dũng đang ở đâu nhé, nếu anh ấy đi đâu em cũng hỏi, thì có khi phải ghi vào sổ mới nhớ được”. Diệu Hạnh nói như chia sẻ với tôi trước khi bắt đầu câu chuyện.

Gia đình Trang Dũng.
Gia đình Trang Dũng.

Hôm nay, tôi đến thăm vợ chồng Diệu Hạnh bởi đúng 5 năm trước, Trang Dũng đang tác nghiệp tại khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội thì bị các bảo vệ chuyên nghiệp của Công ty dịch vụ bảo vệ Trường Sơn ngăn cản, hành hung gây thương tích. Chuyện Dũng bị hành hung được giới báo chí sau này cho là “sự kiện mở màn” cho các vụ nhà báo bị hành hung diễn ra nhiều hơn trước đó.
 
Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt ngang nhiều lần bởi tiếng điện thoại... gọi hàng. Diệu Hạnh vừa điều hành công việc, vừa cười nói: “Cái cửa hàng bé bé này giúp cho anh Dũng- bạn anh được tung tẩy với nghề mà chẳng phải lo lắng gì đâu nhé”. Hiện nay, vợ chồng Trang Dũng có hai con, cháu lớn cũng đã đi học và việc dạy dỗ, nuôi con đều do một tay Diệu Hạnh đảm nhiệm. 

“ Đến tận bây giờ, em không còn quá lo lắng mỗi khi chồng xách đồ nghề đi nữa, nhưng chỉ đến khi nào nghe thấy tiếng anh gọi cửa thì em mới yên tâm ”.
 
Chị Diệu Hạnh, vợ anh Trang Dũng.

Nhắc lại chuyện chồng bị hành hung khi đang làm việc, Diệu Hạnh nói: “Hôm ấy em cũng đang đi làm, chỗ làm cũng không xa nơi anh Dũng bị đánh. Em nhận được tin qua một người bạn, rồi sau đó mới là điện thoại của anh Dũng. Dù anh cứ một mực nói không sao, và cũng đang ở công an phường để chờ giải quyết, nhưng em không tin.

Bàng hoàng mất một lúc lâu, em mới lấy được xe máy và chạy đến chỗ chồng. Nhìn thấy chồng mi mắt bị rách, máu chảy vương đầy quần áo, em bủn rủn chân tay. Xung quanh chồng có bao nhiêu đồng nghiệp mà em không cất nổi lời chào, cũng không nói được câu nào với chồng, chỉ biết khóc”.

“Từ ngày còn chưa cưới, bạn bè biết em sắp lấy chồng nhà báo thì có người bảo sao lại đi lấy nhà báo, các ông ấy là chúa lông bông, lang thang đây đó, chuyên “để ý” chuyện người ta, rủi ro lắm. Nhưng đã yêu là cưới”- Diệu Hạnh bật cười vì câu nói của mình- “Rồi sau đó, anh Dũng cho em gặp hết bạn bè, đồng nghiệp, em thấy thông cảm với chồng mình hơn. Ngay sau ngày cưới, các chuyến đi bất thần, hay những chuyến công tác dài ngày của anh em cũng quen dần. Song em vẫn không thể tưởng tưởng được rằng một ngày kia “vận đen” lại đến với chính chồng của mình...”.
 
Cũng may là Trang Dũng bị thương không quá nặng, vết thương lành lại, anh tiếp tục công việc ngay sau đó. “Phải mất cả năm trời sau đó em mới bình tĩnh lại, chồng đi khỏi nhà 1 phút thì em lo 10 phút. Nhưng anh ấy vẫn chẳng sợ, vẫn cứ lao đi sau mỗi cuộc điện thoại. Nhiều khi, đang đi chơi cùng cả nhà, anh Dũng cũng bỏ ngang chừng chỉ vì có...sự kiện”, Diệu Hạnh chia sẻ. 

Theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam, tính từ năm 2006 đến nay có 20 vụ nhà báo bị hành hung khi đang tác nghiệp. Nhiều vụ rất nghiêm trọng, nhà báo bị đánh đến ngất xỉu, hoặc các kẻ thủ ác ngang nhiên thách thức cả pháp luật. Kết quả xử lý các vụ việc này hiện còn nhẹ do các quan điểm pháp luật còn chưa thống nhất.

 (Theo Giadinh.net)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ