(GD&TĐ) - Ở những trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... luôn thường trực nỗi lo với các thầy cô giáo về tỷ lệ học sinh đi học không chuyên cần, học sinh bỏ học. Nhưng ở Trường Tiểu Học Chung Chải, huyện Mường nhé, tỉnh Điện Biên (một trong những huyện khó khăn nhất của cả nước - PV) thì ngược lại, đó là nỗi lo về... tăng sỹ số học sinh.
Đầu tiên là học sinh đầu năm đến trường xin học. Sau đó tháng nào cũng lác đác có vài em đến kéo theo đó là biết bao hệ lụy mà các thầy cô phải lo cho các em được học.
Lớp ghép nhưng chỉ có một bảng |
Học sinh đi người không đến trường
Đầu năm học 2010 - 2011, số học sinh của Trường Tiểu học Chung Chải, huyện Mường Nhé tăng đột biến 110 em; đến năm học này 2011 - 2012 tăng 200 em. Tăng đột biến, có nghĩa số học sinh ấy nhà trường không thể dự đoán trước, các em đều là con em theo bố mẹ di cư tự do đến.
Thầy Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng nhà trường, tâm sự: Những năm học trước, Nhà trường chưa chủ động trong việc tăng sỹ số một cách đột biến, nên khó khăn rất nhiều trong công tác sắp xếp lớp học, cơ sở vật chất, sách vở... Để có thể ổn định được sỹ số học sinh thì phải kết thúc học kỳ I.
Trong học kỳ I, Nhà trường thường xuyên trong trạng thái, đón tiếp các học sinh đến xin học, với 100% các em “đi người không đến trường”. Vì các em theo bố mẹ bỏ lại tất cả nhà cửa, ruộng vườn những thứ họ mang theo chỉ là tiền bán thóc gạo, trâu bò... chẳng ai nghĩ mang cho con học bạ, giấy khai sinh và đến cả hộ khẩu gia đình cũng không nốt. Trong khi đó để các em vào lớp học, các thầy cô phải dựa vào độ tuổi, học bạ nhưng tất cả ở đây “mù tịt”.
Một vấn đề khó khăn lớn nhất, gây ra không biết bao trở ngại là phòng học, cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập cho các em. Hiện tại, trường có đến trên 60% phòng học tạm tranh tre, nứa lá cứ mỗi năm học mới, Nhà trường mới huy động phụ huynh dựng nhà cho học sinh. Số phòng học được dự kiến với số học sinh tăng trong năm học, nhưng không thể dự đoán số học sinh ở nơi khác di cư đến.
Những năm học trước đây có lớp tăng gấp đôi sỹ số, các em phải ngồi chen chúc, sách giáo khoa thiếu phải học chung, đến như những lớp ghép bố trí 2 bảng dạy 2 trình độ cũng không đủ, nên lớp này vẫn học chung một bảng. Cho nên giáo viên dạy lớp này không biết dạy như thế nào, có em học lớp 3 nhưng không đâu là kiến thức lớp 3, ghi nhầm sang kiến thức của lớp 5.
Không đủ phòng học, học sinh học luôn trong phòng Hội đồng nhà trường |
Năm học 2011 - 2012, Nhà trường rút kinh nghiệm từ những năm học trước, có dự tính số học sinh tăng đột biến này, để có kế hoạch chuẩn bị ngay từ trong hè nhưng những khó khăn “Bất khả kháng” thì vẫn còn nguyên vẹn.
Vô số hệ lụy
Thầy Khiêm cho chúng tôi biết: Nếu theo như đúng tinh thần chỉ đạo chung của Phòng Giáo dục - Đào tạo thì có lẽ đến 2/3 các em sẽ không được học, nhưng Nhà trường đành phải “vượt rào” theo cách làm linh hoạt để 100% các em đến đều được vào lớp.
Trước hết giải quyết cho các em vào được lớp học theo đúng độ tuổi, trình độ lớp mà các em đã học trước đó, đã là cả một vấn đề gian nan. Để khắc phục, Nhà trường tổ chức hội đồng sát hạch chất trình độ của các em vào đầu năm, em nào vượt qua được trình độ lớp nào thì vào học ở lớp đó. Đây cũng làm theo kiểu “định tính” áng chừng cũng không thể chuẩn 100%, vì học sinh 100% dân tộc Mông trình độ nhận thức cũng không đồng đều.
Nhưng cũng không còn cách nào tối ưu hơn, và có bao nhiêu những câu chuyện “cười ra nước mắt” vì sắp xếp lớp, tên tuổi của các em... Sau đó, Nhà trường vận động phụ huynh về lại nơi cư trú, mang giấy tờ có căn cứ độ tuổi của các em, nhưng các gia đình có được thứ giấy tờ ấy chỉ là con số rất nhỏ.
Các em phải ngồi chen chúc... |
Cũng bởi nguyên nhân, nhiều gia đình không dám quay về nơi ở cũ vì sợ chính quyền giữ ở lại, có người vì đường xá xa xôi, có người thì mặc kệ để thầy cô tự lo cho con họ. Cũng vì vậy mà nỗi lo của thầy cô lại chất chồng, chạy ngược xuôi xin cho các em bản sao giấy khai sinh ở địa phương, nhưng chính quyền nhất định không cho vì không có gì làm căn cứ.
Do vậy tiền hỗ trợ học tập của các em cũng đồng nghĩa với việc không thể làm được, hiện trường có 152 học sinh không có thứ giấy tờ để được tiền hỗ trợ. Nhà trường có được số vở hỗ trợ từ thiện từ năm học trước phát cho các em, sách giáo khoa cũ cũng đủ cho các em sử dụng. Nếu không các em đến học chẳng biết làm như thế nào...?
Còn cơ sở vật chất đảm bảo học tập cho các em thì thiếu rất nhiều. Thầy Khiêm buồn bã nói. Số lượng học sinh tăng này không dừng lại ở đầu năm học, mà phải đến tận tháng 12, cứ mỗi tháng Nhà trường lại tiếp nhận 5 - 7 em. Còn rất nhiều vấn đề “hệ lụy” từ chuyện này mà chúng tôi không thể đề cập hết, cộng thêm rất nhiều nỗi khổ không biết tỏ cùng ai của các thầy cô nơi đây, đến bao giờ thì hết... chưa thể nào có câu trả lời.
Phạm Hoàng