Nỗi lo… con gái lớn

GD&TĐ - Nhiều phụ huynh thường lo lắng khi con gái ở tuổi vị thành niên. Giáo dục con gái ở giai đoạn này như thế nào, “giam giữ” hay “thả lỏng” chúng là điều các bậc cha mẹ cần quan tâm.

Nỗi lo… con gái lớn

Lo lắng của mẹ

Khi các em gái đến tuổi dậy thì, có một sự khác biệt tâm lý rất lớn giữa một đứa trẻ và một thiếu nữ. Các em có những biểu hiện tính khí thất thường, xa lánh gia đình, chỉ thích nói chuyện với bạn bè.

Chị Linh - khu tập thể Giảng Võ (Hà Nội) không khỏi lo lắng khi con gái 14 tuổi trước đây cái gì cũng tâm sự với mẹ, vậy mà thời gian gần đây với nhiều thay đổi, thờ ơ và ngại khi tiếp xúc với bố mẹ. Chị kể trước đây, hồi còn học tiểu học, THCS, bé Thu Lâm rất chăm học, lại ngoan nhưng bắt đầu vào cấp III, cháu tự nhiên thay đổi tính nết thất thường.

Trừ thời gian đến trường, cứ về nhà là cháu ngồi lỳ trong phòng. “Tôi để ý thấy con hay vào Facebook để chat với bạn bè, khoe ảnh, xem ảnh... Cháu thường thức tới 2 - 3 giờ sáng mới tắt máy đi ngủ. Hàng ngày, trừ lúc ăn cơm, cháu hầu như chẳng nói chuyện gì với bố mẹ”. Sự thay đổi của con khiến chị Linh phát hoảng, nên ngoài việc lo cho con ăn, mặc, chị cố gắng quản lý chặt đời sống tinh thần của con như chọn kênh truyền hình, nghe nhạc, kiểm tra nhật ký, số điện thoại của con, nhưng chị vẫn cảm nhận được có một khoảng cách vô hình giữa chị và con gái.

Chị Trần Thị Tố Nga, có con học Trường THPT Trương Định (Hà Nội) cũng tâm sự: Thời còn học mầm non hay tiểu học, bé Tâm nhất nhất nghe lời bố mẹ. Thế nhưng từ khi Tâm vào cấp hai, hai mẹ con ngày càng khó nói chuyện. Chị nói một câu là con cãi một câu. Ngày trước, đi học về có chuyện gì Tâm cũng kể cho bố nghe, thế nhưng bây giờ về đến nhà là cô bé chui vào phòng riêng, đóng cửa lại. Nhiều lúc chị cảm thấy bất lực với việc dạy con. Nói nhẹ thì con ậm ừ, nói nặng thì con vùng vằng bỏ đi. Chị lo lắng “hay con đang tuổi hẹn hò, nếu không theo dõi con chặt chẽ, liệu điều gì sẽ xảy ra”.

Lắng nghe tâm sự của con

Chuyên viên tư vấn tâm lý Lê Minh Hoa - Trung tâm tư vấn tâm lý 1080 (Hà Nội) cho rằng, giao tiếp giữa bố mẹ và con cái tuổi teen rất khó, bởi ở lứa tuổi teen, trẻ có nhu cầu khẳng định bản thân rất lớn. Cha mẹ thường băn khoăn tại sao mình chăm sóc chu đáo với con mà con vẫn không ngoan, sao bọn trẻ bây giờ khác thời của mình vậy. Tại sao lúc con còn bé rất dễ thương mà bây giờ tuổi teen không khác gì một “đối thủ”. Cha mẹ phải là người thầy của con, nhưng vấn đề là cha mẹ không biết cách nói với con và cũng không biết nghe con nói.

Trên thực tế, cha mẹ thường không thích nghe và lại càng không thể chấp nhận những buồn phiền, tức giận, chán chường của con. Cha mẹ cũng thường không kiên nhẫn khi dạy con, không dành thời gian dạy con, nhưng lại đòi hỏi con phải làm được. Kết quả giao tiếp giữa bố mẹ con là đánh, mắng, hù dọa. Các biện pháp này con có thể sợ lúc còn nhỏ nhưng đến lúc lớn con sẽ hết sợ, ngược lại có thể bố mẹ phải sợ con.

Để giải quyết mâu thuẫn trong giao tiếp với con, theo chuyên gia tâm lý Minh Hoa, cha mẹ nên nói ít nghe nhiều, đồng cảm nhiều với con và cũng nên để cho con được trải nghiệm. Cha mẹ nên tránh trạng thái tâm lý xấu như tỏ ra thất vọng với con, rầy la, đe dọa, ép buộc, ra lệnh, lên lớp với con, kêu ca mệt mỏi, so sánh con với những đứa trẻ khác, hay dự đoán tiên tri một cách mỉa mai. Nên nhớ, đừng đưa ra mệnh lệnh cho trẻ, bởi mệnh lệnh sẽ khiến những trẻ chống đối. Thay vì giảng đạo dài dòng, cha mẹ hãy nói ngắn gọn. Một lời ngắn gọn khiến trẻ để tâm và hợp tác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.