Khi được hỏi suy nghĩ về phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc”, chị Nguyễn Bích Ngọc (Pháo Đài Láng, Hà Nội) có 2 con học tiểu học và THCS chia sẻ: “Tôi không biết các tiêu chí cụ thể để một trường học được gọi là “hạnh phúc” như thế nào. Chỉ mong trường học phải là nơi con trẻ hằng ngày muốn đi học, hào hứng đến trường để gặp thầy cô, bạn bè”.
Cũng theo chị Ngọc, để 2 con của chị và các học sinh khác thích đi học, cảm thấy hạnh phúc khi đến trường, môi trường giáo dục phải là nơi hằng ngày học sinh được học tập và vui chơi, sinh hoạt bán trú (nếu có) phù hợp với lứa tuổi. “Tuy nhiên, đã là trường học hạnh phúc, việc học cũng không thể quá áp lực, học sinh cần được hướng dẫn khám phá năng lực bản thân, xây dựng mục tiêu phát triển kiến thức phù hợp khả năng của mỗi học sinh” - chị Nguyễn Bích Ngọc nêu quan điểm.
Còn theo anh Nguyễn Trung Kính (phố Khương Trung, Hà Nội): “Trường học hạnh phúc phải là nơi có cơ sở vật chất đáp ứng được điều kiện dạy và học. Cơ bản phải là môi trường an toàn, sạch đẹp, có cây xanh. Giáo viên là tấm gương cho học sinh trong ứng xử. Một trường học hạnh phúc lý tưởng theo tôi giáo viên vừa là người truyền cảm hứng học tập, nhưng cũng là người có thể khơi gợi giá trị sống cho học sinh”.
TS Đàm Tiến Nam (Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) cho rằng: “Trường học là môi trường sống chủ yếu của học sinh, khi đa số học sinh ở trường cả ngày. Bởi thế, mong ước được sống, học tập trong môi trường thân thiện, hạnh phúc là nguyện vọng chính đáng của mỗi em”.
Niềm vui khám phá kiến thức khoa học ở trường. Ảnh: TG |
“Theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, việc cảm nhận được hạnh phúc khi đến trường sẽ giúp học sinh không ngừng tiến bộ, vươn lên đạt kết quả cao trong học tập và rèn luyện, tự tin để những gì hay nhất, đẹp nhất trong mình được đánh thức và phát triển tối đa. Hạnh phúc trong những năm tháng tuổi thơ sẽ giúp học sinh biết trân trọng hạnh phúc, để rồi biết mang lại hạnh phúc, lan tỏa hạnh phúc tới mọi người trong cuộc sống ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường” - TS Đàm Tiến Nam phân tích.
Xây dựng trường học hạnh phúc đã đạt được thống nhất cao. Tuy nhiên, như thế nào là trường học hạnh phúc? Làm gì để có trường học hạnh phúc? Trường học hạnh phúc cần những gì? Vẫn là những câu hỏi khiến nhiều giáo viên và những người quản lý cơ sở giáo dục trăn trở.
“Phải chăng trường học hạnh phúc là nơi các giá trị sống cơ bản như Nhân ái - Trung thực - Tôn trọng - Trách nhiệm - An toàn – Sáng tạo luôn được đề cao” - thầy Đàm Tiến Nam nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với thầy Đàm Tiến Nam, nhiều hiệu trưởng và giáo viên có chung suy nghĩ: Trường học hạnh phúc là nơi không chỉ có học sinh hạnh phúc mà thầy cô cũng phải hạnh phúc. Hạnh phúc là năng lượng để thầy cô dạy tốt, làm việc tốt.
“Để nụ cười luôn đồng hành cùng học sinh trong từng ngày đến lớp, để niềm vui hạnh phúc luôn tràn ngập sân trường, mỗi thầy giáo, cô giáo, mỗi cán bộ nhân viên và các bậc phụ huynh học sinh cần phải thay đổi nhiều hơn nữa, hành động nhiều hơn nữa, nhằm mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn nữa cho học sinh.
Mỗi thầy cô giáo luôn hướng tới đổi mới sáng tạo trong giảng dạy sẽ khiến học sinh hứng thú, say mê hơn với học tập, giúp những bài học trên lớp đủ sức truyền cảm hứng, niềm tin và giá trị sống đến với mỗi học sinh, giúp học sinh trưởng thành và nên người trên một hành trình hạnh phúc” - thầy Đàm Tiến Nam nhận định.