Nỗi đau mang tên lá ngón

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chồng chị Mếp lên rẫy từ hơn 5 giờ sáng. Đến chiều, chị Mếp nhận được điện thoại của chồng báo tin, anh vừa ăn lá ngón!

Những căn nhà chênh vênh bên dốc ở xã Măng Ri.
Những căn nhà chênh vênh bên dốc ở xã Măng Ri.

Mẹ con nương tựa nhau

Chiều mưa, mấy mẹ con nhà chị Y Mếp (làng Đăk Dơn, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) dắt díu nhau ra trước hiên nhà. Chồng mất cách đây hơn 1 tháng khiến căn nhà nhỏ trở nên vắng lặng, hiu quạnh.

Y Mếp lấy chồng đã hơn 11 năm nay và có 2 mụn con. Đứa lớn vừa lên lớp 5, còn người con nhỏ chưa đầy 12 tháng tuổi. Gia đình có vài sào nương rẫy, nhưng chẳng đủ cho 4 miệng ăn.

Vào ngày 16/7, anh A Mr. - chồng chị Mếp lên rẫy từ hơn 5 giờ sáng. Những tưởng chồng đi làm như mọi ngày nên người phụ nữ chẳng mảy may đi tìm. Đợi mãi không thấy chồng về, chị Y Mếp nóng ruột cùng họ hàng leo mấy quả đồi tìm kiếm.

Đến chiều, chị Mếp nhận được điện thoại của chồng báo tin vừa ăn lá ngón. Người phụ nữ 29 tuổi vội gửi con rồi đi tìm chồng trong nước mắt. Vài giờ tìm kiếm, anh A Mr. được phát hiện ở bìa rừng với cơ thể yếu ớt, tím tái cùng nắm lá ngón trong tay.

“Khi tìm thấy anh, mọi người hỗ trợ đưa xuống trạm xá cấp cứu, nhưng chẳng còn kịp nữa. Anh ấy bỏ mẹ con mình đi mãi rồi”, chị Y Mếp trầm giọng nói.

Từ ngày chồng mất, mấy mẹ con chị Y Mếp nương tựa nhau sống qua ngày.

Từ ngày chồng mất, mấy mẹ con chị Y Mếp nương tựa nhau sống qua ngày.

Từ ngày chồng mất, chị Y Mếp địu con đi canh tác mấy chục gốc cà phê và 1 sào lúa. Mỗi vụ, cà phê cho thu hoạch khoảng vài tạ cùng 4 bao lúa vừa đủ cho 3 miệng ăn.

Mấy ngày nay mưa liên tục, Y Mếp chẳng thể lên nương, 3 mẹ con kiếm mớ rau rừng rồi chắt chiu số gạo còn sót lại. Ngày mưa, căn nhà nhỏ chi chít kẽ hở khiến lũ trẻ co ro. Chồng chẳng còn nên không ai sửa sang, mấy mẹ con chị Y Mếp ôm nhau giữ ấm.

“Chồng đi rồi, mấy mẹ con mình chỉ biết nương tựa vào nhau sống qua ngày. Chỉ thương lũ trẻ còn quá nhỏ, chúng đang hồn nhiên và ngây thơ lắm. Mình sẽ cố gắng làm lụng, chăm sóc để 2 đứa con được ăn học đủ đầy”, chị Y Mếp tâm sự.

Nỗi đau con mất cha

Lá ngón, hay còn gọi ngón vàng, thuốc rút ruột là một loại cây dây leo, thân và cành không có lông, trên thân hơi có khía dọc. Trong lá ngón chứa một chất kịch độc alkaloid có thể ngay lập tức gây ra cái chết.

Ở Việt Nam, lá ngón được coi là một trong bốn loại cây có độc tính cao nhất (thuộc độc bảng A) gồm: Cây củ chi, lá ngón, trúc đào và cây sui. Do đó, chỉ cần ăn 3 lá ngón sẽ tử vong ngay lập tức.

Hơn 10 ngày sau khi anh A Mr. mất, anh A K. - chồng chị Y Lem (34 tuổi) cũng tử vong do ngộ độc lá ngón. Từ ngày chồng mất, chị Y Lem không còn tâm trạng lên nương.

Nhớ như in cái ngày định mệnh, khi chị Lem đang làm rẫy cách nhà hơn 10km thì nhận được tin chồng ăn lá ngón tự tử. Không kịp suy nghĩ, người phụ nữ với đôi chân trần chạy bộ về trạm y tế xã. Thế nhưng, đến nơi chị chỉ thấy mọi người với gương mặt ủ dột, còn chồng nằm im lìm trên băng ca. Khoảnh khắc đó, chị biết bản thân đã mất chồng còn người con gái mới lên lớp 8 chẳng còn cha.

“Anh K. mất, mình đành phải giấu vì sợ con buồn. Lâu lâu con bé lại hỏi cha đi làm bao giờ mới về...”, chị Y Lem bỏ lửng câu rồi quay đi gạt nước mắt.

Chị Lem kể, anh A K. là công nhân của 1 doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn xã Măng Ri. Thường ngày, anh đi làm và ở trên vườn sâm, có khi tuần hoặc chục ngày mới về nhà. Thế nhưng, hơn nửa tháng qua, anh K. chẳng đi làm nữa mà suốt ngày say bên chén rượu.

Thấy chồng đắm chìm trong hơi men, không chịu làm ăn nên Y Lem liên tục khuyên nhủ. Bỏ mặc ngoài tai lời nói của vợ, A K. vẫn say từ ngày này qua hôm nọ. Đến chiều 28/7, sau khi có chút men say, người đàn ông lên rừng ăn lá ngón rồi tiếp tục về nhà nhậu. Một lúc sau, A K. tím tái, có biểu hiện ngộ độc nên mọi người đưa đến trạm xá cấp cứu nhưng không kịp.

“Anh A K. đi, để lại 2 mẹ con rất buồn và cô quạnh. Thời gian tới mình không biết phải bấu víu vào đâu khi trụ cột gia đình không còn. Mình chẳng còn chồng, con không thấy được hình bóng cha nữa… Có lẽ 2 mẹ con sẽ phải làm chỗ dựa cho nhau vượt qua những ngày tháng khốn khó này”, chị Y Lem bộc bạch.

Chồng mất, Y Lem đành giấu vì sợ con gái buồn.

Chồng mất, Y Lem đành giấu vì sợ con gái buồn.

Thấy bóng con, chị Y Lem dừng kể câu chuyện buồn về chồng. Cô bé Y.H (con chị Y Lem) gầy gò, nhỏ bé hơn so với cái tuổi 13 của mình. Khi hỏi về ước mơ sau này, Y.H trầm ngâm một lúc rồi lắc đầu “Chắc mẹ không có điều kiện, sức khoẻ để nuôi con ăn học đến nơi, đến chốn đâu”.

Để hạn chế, ngăn chặn những cái chết từ lá ngón các cấp, chính quyền và đoàn thể huyện Tu Mơ Rông đã tìm nhiều giải pháp. Nhiều thôn làng, xã đã và đang quyết tâm xóa bỏ thứ cây “rút ruột” ra khỏi đời sống. Như ở Măng Ri, phong trào nhổ bỏ cây lá ngón được thực hiện ở nhiều nơi và được người dân rất đồng tình ủng hộ, hăng hái tham gia.

Bà Y Ai, Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho hay, mỗi tháng 1 lần địa phương lại tổ chức họp dân để tuyên truyền về độc dược trong lá ngón. Bên cạnh đó, vận động và khuyên nhủ bà con tránh xa, không được ăn lá ngón.

“Để loại bỏ cây lá ngón, chính quyền địa phương cùng với người dân nhiều lần tổ chức phát, dọn. Thế nhưng chỉ được ít hôm cây lá ngón lại mọc lên. Do đó, trước mắt địa phương vẫn tích cực tuyên truyền để người dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Đặc biệt vận động người dân không tự tử bằng bất cứ hình thức nào”, bà Y Ai nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ