Nỗi đau mang tên Facebook

Nỗi đau mang tên Facebook

(GD&TĐ) - Chấp nhận  tạo một tài khoản trên các diễn đàn, trang mạng xã hội đồng nghĩa với việc chấp nhận chia sẻ mọi thông tin cá nhân. Thực tế, ai cũng biết trước cái hậu quả của việc để chế độ “Public”, nhưng không ai lường trước được hậu quả đó sẽ diễn tiến như thế nào.

Ảnh có tính chất minh họa/Nguồn: Internet
Ảnh có tính chất minh họa/Nguồn: Internet

Gần đây nhất, và cũng gây chấn động dư luận cũng như báo chí là vụ em N.T.T.L (SN 1995, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) uống thuốc diệt cỏ tự tử vì bị bạn tung ảnh ghép lên Facebook. Chỉ là trò đùa vô ý của một số bạn trai trong lớp, mà N.T.T.L phải chấp nhận  ra đi khi còn vài ngày nữa N.T.T.L bước vào kì thi đại học. Lời trăng trối trước lúc em ra đi như lời cảnh tỉnh tới giới trẻ: “Con xin lỗi mẹ, con bất hiếu, con đi theo ông nội đây. Chúng nó ghép ảnh con rồi đăng lên facebook, con đã cầu xin nó gỡ xuống nhưng nó không chịu, chúng nó còn trêu và thách thức con chết”.

Trước đó, không hề hiếm trường hợp bị bạn bè ghép ảnh tung lên trang mạng xã hội như Facebook, Zing, Yahoo, Twitter... Tuy nhiên, phản ứng của các nạn nhân không mãnh liệt như N.T.T.L. Có thể, do thói quen âm thầm chịu đựng của đa số bạn trẻ mới dẫn đến việc ngày một lộng hành  những hành động vi phạm luật  xâm phạm thân thể, đời sống riêng tư của người khác.  Đơn cử như ngày 6/3/2013, nữ sinh viên đang học tại Hà Tĩnh bị người yêu cũ tung ảnh nóng lên trang cá nhân Facebook, thế nhưng nữ sinh này chỉ chia sẻ status ngắn ngủi: “Xin lỗi tất cả mọi người vì những việc vừa qua, có lẽ nó đã làm thay đổi suy nghĩ của bạn bè. Xin lỗi tất cả” . 

Được biết, vào ngày 12/3/2013 chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trên Facebook mà 2 nhóm nam thanh niên trên địa bàn TP Hạ Long đã cho người dân một phen hú vía bởi cái kiểu thanh toán xã hội đen. Mỗi nhóm gồm 5 - 6 thanh niên, thách đấu ăn thua nhau tại quán nhậu ven đường. Một tiếng súng nổ chát chúa vang lên, ngay lập tức 2 thanh niên gục ngay tại chỗ, một thanh niên bị viên đạn đi xuyên qua tim. Cuối tháng 1/2013 cũng do mâu thuẫn trên Facebook, 2 nhóm học sinh  tại TP Hạ Long đã thanh toán nhau bằng hung khí khiến 2 học sinh bị chém trọng thương nặng. Từ những sự kiện trên đã đưa Facebook trở thành nơi khởi nguồn của các ân oán trong giang hồ. Nick Name anhdepchaianhcoquyen có đoạn chia sẻ trên facebook như sau: “Thiệt lên fb (Facebook) không nói gì thì bị lờ đi không ai biết, mà nói gì thì cũng uốn lưỡi chín lần rồi nói, chứ không bay mất cái mạng như chơi”. 

Không phủ nhận vai trò của mạng xã hội, nhưng mặt trái của nó ngày một biến tướng đến khó chiều. Từ nơi giao lưu gặp gỡ trao đổi thông tin, phá vỡ giới hạn, ranh giới địa lí thì nay lại trở thành điểm hẹn lí tưởng của những cuộc lăng mạ, chặt chém, chửi bới nhau. 

Cách đây 2 ngày, trên Youtube lan truyền clip “Mâu thuẫn trên Facebook, thiếu nữ giải quyết kiểu giang hồ” đang thu hút sự quan tâm chú ý của công chúng. Một câu nói sơ suất lúc tức giận không giữ được bình tĩnh mà cô gái trong clip bị đánh hội đồng, còn bị dọa dìm xuống hồ sen. Mặc dù cô gái đã tỏ ra mình có lỗi, xuống nước định xin lỗi, khổ nỗi chưa kịp nói xong đầu cô gái đã bị túm chúi xuống đất. Qua đoạn hội thoại cho thấy, 4 cô gái trong clip đều ở độ tuổi 1997 - 1998, oái oăm ở chỗ độ tuổi và cách nói năng ăn nói hành xử hoàn toàn trái ngược nhau. Nick Name Hoang Hung ngậm ngùi: “Nhìn vào thực tế giới trẻ bây giờ đau lòng quá. Thế hệ 8X như mình vẫn còn ngoan chán”. May cho cô gái tội nghiệp, ra về trong khi không bị xây xước gì nghiêm trọng. 

Còn nhiều lắm những vụ việc trả thù, thanh toán nhau,  mà nguyên nhân xuất phát từ Facebook. Điều này đã trở thành khối u ác tính ngày một phát triển và di căn trong lòng xã hội. Phải làm sao để có thể cắt bỏ được khối u này là câu hỏi xin nhường lại cho các nhà quản trị mạng, nhà trường, và đặc biệt là gia đình.

Thu Hiền  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.