Nỗi đau của những "nàng công chúa" không bước ra từ chuyện cổ tích

Lần đầu tiên gặp mặt và trò chuyện khá lâu, tôi cũng không thể ngờ rằng, những cô gái khá xinh đẹp ngồi trước mặt tôi đã từng là nam giới. Không dễ dàng gì khi bỏ ngoài tai những tranh cãi, bàn luận về họ để có một niềm cảm thông. 

Nỗi đau của những "nàng công chúa" không bước ra từ chuyện cổ tích

 Nhưng khi nghe những tâm sự cháy lòng về chuỗi ngày tháng gian nan tìm lại chính mình mà họ đã phải trải qua, tôi bất giác nghĩ về những góc khuất của cuộc đời, nơi những con người sinh ra đã phải chịu thiệt thòi cả về thể xác lẫn tinh thần, phải sống trong một hình hài không phải của mình. Nỗi đau ấy có lẽ ít người hiểu được.

“Chàng trai” thấy mình như nàng tiên cá nhỏ

Lò La Lam là cái tên rất lạ. Khi gặp cô, suy nghĩ thoáng qua trong đầu tôi là sao cô gái này lại chững chạc thế? Nhưng rồi, cách nói chuyện chân tình và rất nhiều xúc cảm đã khiến tôi cảm thấy cô mỏng manh, “liễu yếu đào tơ” như cánh con gái tuổi mới lớn vậy.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê thuộc tỉnh miền núi. Thuở trước, gia đình La Lam rất khó khăn. Bố là công nhân, đi làm thuê, mỗi lần về thường mang những đồ quần áo cũ mà người ta cho về nhà. Trong đó có những bộ quần áo con gái, những bộ quần áo đó chỉ vừa với cô khi còn nhỏ.

Lần đầu tiên La Lam được mặc váy cũng là từ những gói đồ cũ mà bố mang về. La Lam rớt nước mắt nhớ lại những kỉ niệm ấy: “Em đi ra chơi ở ngoài suối thì em cảm thấy rất thích thú khi được vui chơi trong làn nước như vậy. Em cảm thấy mình giống như một nàng tiên cá nhỏ vậy.

Càng lớn lên, em càng cảm thấy mình giống con gái nhiều hơn, cử chỉ hành động rất nữ tính. Ngay từ nhỏ thì em đã chơi các trò của con gái thôi, và đặc biệt là chơi nhảy dây rất giỏi. Khi bắt đầu có những rung động của tuổi đầu đời thì em chỉ có rung động với các bạn nam thôi”.

Cô nhận ra, mình thiệt thòi rất nhiều so với các bạn khi không được sống đúng với chính mình. Trái với những gì La Lam mong muốn, cô luôn bị nhiều bạn bè và mọi người xung quanh dè bỉu, chế giễu, gọi là “đồng cô”, là “đồ ẻo lả” khiến cho cô gái bất hạnh này không ít lần cảm thấy hoang mang, sợ hãi chính bản thân mình. Nhắc lại những kí ức buồn này, La Lam bật khóc.

Càng trưởng thành, La Lam càng ý thức về giới tính thật của mình. Khi biết tự tìm hiểu các trang mạng, qua báo chí, cô mới biết những việc mình cần phải làm để được sống là một đứa con gái. Mặc dù biết sẽ khó tìm được bạn trai bình thường, nhưng La Lam vẫn quyết định chuyển giới để được sống với con người thật của mình. Những gì mà La Lam đã trải qua để được làm chính mình, khó có thể tưởng tượng nổi rằng nó thực sự là một cơn ác mộng với nhiều đau đớn.

Năm nay La Lam đã là sinh viên năm thứ 3 của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Cô quyết tâm học hành, quyết tâm thay đổi suy nghĩ của mọi người về mình và những người giống như mình. La Lam bảo: “Em cũng như bao người khác, cũng có ước mơ, khát vọng. Em sẽ cố gắng thực hiện bằng được ước mơ ấy. Những gì mà em đã trải qua sẽ là động lực để em phấn đấu nhiều hơn”.

La Lam cũng tìm được tình yêu đích thực của đời mình khi cô gặp được một chàng trai “chuẩn men”, biết cảm thông và yêu thương cô hết mực.

Điều đó như một món quà lớn bù đắp cho những đau khổ mà cô từng phải trải qua. Bàn tay búp măng nhỏ nhắn vén mái tóc xõa trên vai, cô mỉm cười, bảo: “Khi đã được trở thành con gái như mình muốn, có thể sẽ khó tìm được bạn trai bình thường lắm chị ạ, vì hầu như họ không muốn bạn gái của mình là người chuyển giới đâu. Nhưng may mắn là bạn trai của em chấp nhận điều đó”.

Nhiều khi, Tú Anh lại trở về với ngoại hình của một chàng trai với tên gọi Việt Anh để có thể đi khám ở bệnh viện hay qua hải quan.

Nhiều khi, Tú Anh lại trở về với ngoại hình của một chàng trai với tên gọi Việt Anh để có thể đi khám ở bệnh viện hay qua hải quan.

Tú Anh trang điểm, chuẩn bị lên sân khấu.

Tú Anh trang điểm, chuẩn bị lên sân khấu.

La Lam xinh xắn như một nàng công chúa.
La Lam xinh xắn như một nàng công chúa.
Các thống kê gần đây cho thấy, nguy cơ lây lan HIV rất cao trong nhóm đồng giới nếu không có biện pháp phòng, chống HIV đúng, an toàn. Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), lây nhiễm HIV qua đường tình dục chiếm hơn 50%, trong đó nam giới chiếm 66% và 5,2% là đồng tính nam.
Quan hệ tình dục đồng tính nam (MSM) nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 19 lần và nữ chuyển giới nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 49 lần. Tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM là 6,7% (2014) và đang có xu hướng gia tăng. Đây thực sự là những con số đáng báo động.
Lò Lam La, Tú Anh và Hòa tham gia một cuộc hội thảo về giới.

Lò Lam La, Tú Anh và Hòa tham gia một cuộc hội thảo về giới.

Những đau đớn xác thịt kinh hoàng

Cũng lâm vào hoàn cảnh như La Lam nhưng Dương Tú Anh (trưởng nhóm người mẫu chuyển giới IGirls) lại chưa thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Thế nhưng, cô thu hút những người đối diện bởi sự dịu dàng, nữ tính lạ lùng với gương mặt thanh thoát, xinh xắn, cặp chân thon dài, trắng ngần nổi bật trong đôi giày cao gót màu đen.

Từ nhỏ cậu bé Tú Anh đã ăn nói nhẹ nhàng, thích túm tụm với con gái, chơi trò con gái và cũng thích bạn trai khi đến tuổi dậy thì. Nhiều người, thậm chí cả người trong gia đình cô cũng gọi cô là “dì”, là “pê đê”, “xăng pha nhớt”…

Đau đớn hơn, có người còn không dám ngồi cạnh họ vì sợ bị... lây, rồi gây gổ muốn đánh cô. Hơn thế nữa, khi phát hiện Tú Anh đi chơi với một người con trai và có những cử chỉ thân thiết, tình cảm thì chính bố đẻ của cô đã đánh cô đến mức không thể ngồi dậy được. Và Tú Anh đã quyết định mình phải sống thật với bản thân mình khi đã biết rõ mình thực sự là ai.

Nhớ lại những tháng ngày khủng khiếp đã trải qua, Tú Anh buồn bã nói: “Em vẫn chưa phẫu thuật phần “nam giới” của mình. Những người chuyển giới như chúng em để cơ bắp teo đi, có làn da mềm, thường tự tìm đến những người trong giới của mình để được hướng dẫn mua và tiêm hormon thay thế.

Tự tiêm thuốc vào mông, rất đau. Thuốc cũng không rõ nguồn gốc từ đâu, em chỉ biết mua nhờ sự mách của các chị cũng chuyển giới như mình. Rồi có nhiều chị em đã dùng phương pháp uống thuốc tránh thai liên tục. Nhưng hậu quả là có thể bị mất hết cả trí nhớ, có thời gian em dùng, nhớ nhớ quên quên, nên phải tạm dừng. Biết ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng chúng em không biết đến đâu để được bác sĩ hướng dẫn, tư vấn”.

Còn với La Lam, bản thân cô đã từng trải qua phẫu thuật để dần lột bỏ cái “vỏ” nam giới bên ngoài. Thẳng thẳn chia sẻ về chuyện này, La Lam sợ hãi kể lại câu chuyện của những người trong cuộc: “Với những người phẫu thuật thay đổi giới tính, sau khi cắt bỏ bộ phận nam giới, các bác sĩ sẽ mở một lỗ để tạo hình cơ quan sinh dục nữ, tạo khoang trống.

Sau phẫu thuật, hằng ngày họ sẽ phải dùng một dụng cụ để nong, đảm bảo rằng cái khoang đó sẽ không bị dính lại. Mỗi lần nong đau khủng khiếp chị ạ, đau đến trào nước mắt, bởi vết mổ chưa liền sẹo”. Thiết nghĩ, nếu không có một niềm khao khát được là chính mình, các cô sẽ không thể trải qua những nỗi đau xác thịt khủng khiếp như vậy.

Chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống hiện tại, nhiều khi phải đến nơi công cộng như đi khám bệnh ở các bệnh viên hay đi qua hải quan ở sân bay, cô phải mang trang phục nam, tóc ngắn, không trang điểm để vẫn phù hợp với giới tính nam trong giấy tờ của mình, nếu không, cô không thể khám hay qua hải quan được.

Cô bảo: “Chúng em biết mình thuộc số ít, thường gặp sự kỳ thị nhưng vẫn luôn khao khát được sống với con người thật của mình là trở thành con gái, cha mẹ sinh ra là chúng em với cái vỏ con trai, chúng em không muốn phải sống với cái vỏ không phải của mình”.

Còn La Lam, nhắc đến chuyện đi khám bệnh, cô buồn bã kể: “Khi nhân viên y tế đọc thấy tên em là nam giới, nhưng người đứng trước mặt lại là nữ thì cô ấy liền bỏ qua. Người đồng giới cũng bị từ chối khám, chữa bệnh về bộ phận sinh dục đã chuyển giới. Chúng em thấy tủi thân vô cùng, chúng em cũng là con người, sao nỡ bị đối xử như thế? Muốn được sống đúng với bản thân mình thì đâu có gì là sai?”.

Trong quan hệ tình dục ở nhóm này, mức độ tổn thương rất cao, thường xây xát bộ phận sinh dục nên nguy cơ lây nhiễm các bệnh tình dục cực kì lớn, đặc biệt là lây nhiễm HIV. La Lam chia sẻ sự thật về những người trong giới: “Để bảo vệ bản thân mình thì phải sử dụng bao cao su và chất bôi trơn nhưng tâm lý chung là mọi người khá là ngại và thường tin tưởng bạn tình của mình”.

Hơn ai hết, La Lam, Tú Anh và nhiều người thuộc giới này khát khao mong muốn có mô hình phòng khám thân thiện để giúp cho họ có được sự chăm sóc y tế bình đẳng như mọi người. Có như thế, họ mới tránh được bệnh tật và nguy cơ lây nhiễm bệnh cho cộng đồng, giảm được gánh nặng cho xã hội.

Những khó khăn của người dị tính

Trong một cuộc hội thảo về giới, tôi gặp Hòa - một MSM (nhóm nam quan hệ tình dục với nam) - chia sẻ, khi phát hiện mình không thích bạn gái mà lại đem lòng si mê một cậu bạn trai, anh vô cùng hoảng sợ. Anh giấu mình, lo sợ bị ghét bỏ, bị xua đuổi. Anh gạt bỏ khỏi tâm trí mình ý nghĩ về cậu bạn ấy, cố gắng chấp nhận, “yêu” một cô gái, nhưng không thành công. Tận sâu thẳm trong suy nghĩ, Hòa vẫn tồn tại, vẫn có sự giằng xé vùng vẫy đấu tranh của một con người khác.

Do thông tin về người đồng tính rất ít, nên khi lớn lên, những người như Lam La, Tú Anh hay Hòa đã không hiểu mình là ai và nên làm thế nào. Đến khi biết giới tính thực của mình thì gặp phải sự kỳ thị của mọi người trong gia đình và xung quanh khiến họ sợ hãi chính bản thân mình.

Mặc dù quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) và người chuyển giới hiện không phải là vấn đề mới ở nước ta. Song, không phải ai cũng hiểu rõ về nhóm người này. MSM và người chuyển giới là nhóm thiểu số về giới tính và tính dục đang bị xã hội kỳ thị, phân biệt đối xử khá nặng nề. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cao trong nhóm này.

Trong chăm sóc y tế, người đồng tính cũng gặp rất nhiều rào cản. Tại Hội thảo “MSM, người chuyển giới - họ là ai?” do Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức mới đây, BS Phạm Vũ Thiên - chuyên gia về người đồng giới - cho biết, kỳ thị và phân biệt đối xử đã ngăn cản những người đồng giới nam tìm đến các dịch vụ chăm sóc y tế và tâm sự hành vi tình dục đồng giới với các nhân viên y tế. Có đến 18% - 21% nam quan hệ tình dục đồng giới cảm thấy sợ hãi khi tìm đến các dịch vụ y tế.

Đến nay, ở Việt Nam chưa có cơ sở y tế nào phẫu thuật chuyển giới toàn bộ cơ thể, nên hầu hết người chuyển giới phải sang nước ngoài để phẫu thuật với giá khá đắt và nguy cơ không thành công khá cao. Dù nhiều người trong số họ biết rằng tự tiêm hormon ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng họ không biết đến đâu để được bác sĩ hướng dẫn và giúp đỡ.

Ông Hoàng Thanh Hải - cán bộ truyền thông của PEPFA (chương trình cứu trợ bệnh AIDS của Hoa Kỳ) - cho hay: Bộ Y tế và Bộ Tư pháp đang trong quá trình dự thảo để ban hành văn bản hướng dẫn các thủ tục pháp lý cho những người sau khi phẫu thuật xác định lại giới tính, sẽ thuận lợi hơn cho họ trong cuộc sống, tìm kiếm việc làm, chăm sóc sức khỏe.

Sức khỏe và đời sống tinh thần của những người như La Lam, Tú Anh, Hòa cần được tôn trọng và được bảo vệ như những người bình thường khác. Hơn ai hết, họ đã vượt lên số phận để được sống thật với chính mình, thậm chí đã phải gồng mình vượt lên trên nhiều cám dỗ trong cuộc sống. Đó mới là điều đáng được trân trọng.

Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 270 nghìn người chuyển giới. Mới đây Quốc hội đã chính thức thông qua quyền chuyển đổi giới tính ở Việt Nam. Đây được xem là một bước tiến rất lớn trong việc công nhận, bảo vệ quyền lợi cho những người trong cộng đồng LGBT (gồm những người đồng tính luyến ái nữ (lesbian), đồng tính luyến ái nam (gay), song tính luyến ái (bisexual) và hoán tính hay chuyển giới (transgender).

Sau khi điều luật này được thông qua và chính thức đi vào cuộc sống, những người chuyển giới ở Việt Nam sẽ được xác định lại tên họ, thụ hưởng các quyền nhân thân giống như mọi công dân bình thường theo giới tính mà họ đã chuyển đổi.

Theo laodong.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa vàng dưới chân núi Kon Tu Rằng

Mùa vàng dưới chân núi Kon Tu Rằng

GD&TĐ - Giữa se lạnh đại ngàn, bà con Xơ Đăng Măng Cành (Quảng Ngãi) thu hoạch lúa bên ruộng bậc thang, tạo nên bức tranh mùa vàng bình dị, nên thơ.