Nội chiến ở Libya: Hệ lụy từ đống hỗn độn do phương Tây để lại

GD&TĐ - Ngày 4/4, lãnh đạo lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA), tướng Khalifa Haftar, đã ra lệnh tấn công Tripoli. Ngày 5/4, các đơn vị LNA tiếp cận vùng ngoại ô của thủ đô Libya và kiểm soát sân bay quốc tế. Đến ngày 6/4, các lực lượng vũ trang thuộc chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) của Thủ tướng lâm thời Fayez al-Serraj do phương Tây hậu thuẫn, tuyên bố bắt đầu chiến dịch quân sự chống lại LNA. Súng đã nổ, máu đã chảy, dầu đã cháy… Libya lại đứng trước cuộc nội chiến toàn diện.

Khalifar Haftar, người được gọi là “Gaddafi mới” của Libya
Khalifar Haftar, người được gọi là “Gaddafi mới” của Libya

Nỗ lực tan thành mây khói

Tính đến ngày 6/4, quân LNA đã chiếm được sân bay quốc tế Tripoli, kiểm soát một số khu vực phía Tây và Nam của thủ đô Tripoli, bao gồm Gharian, Tarhouna, Aziziyah và một số khu vực khác. Ngoài ra, LNA đã sử dụng hải quân bao vây cảng Tripoli từ phía biển.

Vào thời điểm hiện tại, đường phố Tripoli vắng tanh, dường như hầu hết mọi cư dân đều chọn giải pháp rời khỏi thành phố. Đã có một số quận bị chiếm giữ bởi các chiến binh LNA - hãng RIA Novosti dẫn nguồn tin riêng cho biết.

Tuy nhiên, trước sự phản công mạnh mẽ của không quân chính phủ nhằm vào các thị trấn Suq al-Khamis, Mizda, Jendouba và Wadi al-Rabia của LNA ở phía Nam Tripoli, cuộc giao tranh diễn ra vô cùng ác liệt. Theo các nguồn tin, hơn 20 người, trong đó có dân thường, đã bị thiệt mạng.

LNA tuyên bố sẽ thiết lập vùng cấm bay để đối phó với những trận không kích của quân chính phủ. Tuy nhiên, LNA không sử dụng lực lượng không quân của họ để tránh tổn thất cho dân thường.

Điều làm giới phân tích đặc biệt chú ý là cuộc tấn công của quân LNA diễn ra ngay trước thềm hội nghị hiệp thương, để bàn về kế hoạch tổng tuyển cử ở Libya do Liên Hợp Quốc (LHQ) bảo trợ. Theo hãng tin Ria-Novosti, ngày 5/4, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, người đang có chuyến công du Tripoli nhằm chuẩn bị cho hội nghị này, cùng đại diện đặc biệt của LHQ tại Libya đã đến trụ sở LNA tại thành phố Rajma phía Đông Libya. Tướng Haftar nói với Tổng Thư ký LHQ rằng sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại các nhóm vũ trang kiểm soát Tripoli. Trên Twitter của mình, ông

Antonio Guterres viết: “Tôi rời Libya với một trái tim nặng trĩu và vô cùng lo lắng. Tôi vẫn hy vọng có thể tránh được sự đổ máu ở Tripoli và khu vực xung quanh”.

Ai sẽ chiếm ưu thế?

Tướng Khalifar Haftar dựa vào sự hỗ trợ tích cực của các quốc gia thuộc Vịnh Ba Tư (ngoại trừ Qatar) và Ai Cập. Trước khi tiến hành cuộc tấn công Tripoli, viên tướng này đã có cuộc gặp với Thái tử Ả-rập Xê-út, Mohammad bin Salman. Các bên quan sát đều nhận định chiến lược quân đội và hậu phương của LNA mạnh hơn, điều mà đối thủ của ông - Thủ tướng lâm thời Fayez al - Serraj không có.

Vị thế chính trị của tướng Haftar cũng mạnh hơn nhiều so với Thủ tướng Fayez al-Serraj. Tính hợp pháp của tướng Haftar cũng cao hơn, bởi ông dựa vào sự hỗ trợ của Quốc hội - cơ quan duy nhất có tư cách pháp nhân và được người dân Libya bầu chọn. Nhược điểm chính của Thủ tướng lâm thời Sarraj là thiếu tính hợp pháp. Ông đã 3 lần đệ trình danh sách của chính phủ lên Quốc hội để phê chuẩn và Quốc hội từ chối cả 3 lần.

Với tư cách cá nhân ông Sarraj, Quốc hội Libya không phản đối, những thành phần của chính phủ mà ông cố gắng thông qua lại bị khước từ. Như vậy, nếu xét một cách công bằng, lực lượng của tướng Khalifar Hafar mạnh hơn toàn diện so với Thủ tướng lâm thời Fayez al-Saraj.

Ông Fayez al-Saraj đã cố gắng thành lập một chính phủ trên cơ sở các nhóm Hồi giáo có liên quan đến tổ chức “Anh em Hồi giáo”, cũng như những người bằng cách này hay cách khác có quan hệ với các cơ quan đặc biệt của Mỹ - theo phân tích của ông Vyacheslav Matuzov, Chủ tịch Hiệp hội Hợp tác Kinh doanh và Hữu nghị với các nước Ả Rập của Nga.

Trong bối cảnh ấy, các nước phương Tây muốn hỗ trợ quân GNA sẽ phải mang theo quân đội của mình. Để làm điều này, Hiến pháp Hoa Kỳ yêu cầu một quyết định của Quốc hội, chứ không phải của tổng thống.

“Tôi không thấy bất kỳ cơ hội nào cho sự tham gia trực tiếp của NATO vào cuộc chiến này, bởi vì các nước châu Âu không có cùng quan điểm” - ông

Vyacheslav Matuzov khẳng định. Cụ thể theo ông, Ý và Pháp có quan điểm hoàn toàn trái ngược. Người Pháp hậu thuẫn LNA, trong khi người Ý và người Anh có xu hướng hợp tác nhiều hơn với GNA.

Theo hãng tin Sky News, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ ở Libya, các nước trong khối NATO, nhất là Anh và Pháp, cần phải hành động, bởi chính quân đội của họ đã tham gia vào các hoạt động nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, dẫn đến sự hỗn loạn ở nước này. Libya không ổn định là nguyên nhân chính để người di cư xâm nhập vào châu Âu. Đó là cái giá đắt mà EU phải gánh chịu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ