Về lâu dài, vấn đề bảo đảm sinh kế cho người dân cần được quan tâm.
Đất sản xuất thu hẹp vì làm điện gió
Trước đây, khi triển khai dự án Nhà máy Thủy điện Quảng Trị, gia đình ông Hồ Ta Rân (trú thôn Xa Bai, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa) nằm trong vùng ảnh hưởng nên phải di dời đi nơi khác. Cùng với việc di dời, gia đình ông Rân bị thu hồi hơn 1,5 ha đất trồng lúa rẫy.
Được hỗ trợ đến khu vực tái định cư, ngoài việc được xây nhà, cấp đất sản xuất, ông Rân còn nhận số tiền gần 30 triệu đồng. Đến nơi ở mới, dẫu điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi nhưng hai vợ chồng vẫn quyết tâm khai hoang, mở rộng diện tích. Nhiều năm sau, nhờ chăm chỉ khai hoang trồng trọt, cuộc sống gia đình ông Rân dần ổn định.
Thế nhưng, năm trước nhà đầu tư bắt đầu triển khai xây dựng dự án điện gió ở xã Hướng Linh, gia đình ông Rân tiếp tục bị thu hồi hơn 3 ha đất trồng cây lâu năm để thực hiện dự án.
Vợ ông Rân, bà Hồ Thị Dả Tá, cho biết, khi thu hồi đất của gia đình, các nhà đầu tư hỗ trợ khoảng 1 tỷ đồng. Biết đây là số tiền lớn, tôi chưa bao giờ dám mơ, nhưng việc thu hồi đất hết lần này đến lần khác khiến cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng.
“Người đồng bào Vân Kiều chỉ biết làm nương rẫy, còn sử dụng đồng tiền cho hiệu quả thì kém. Vậy nên, gia đình tôi chỉ mong cuộc sống không có xáo trộn, không di dời, thu hồi chi nữa để ổn định cuộc sống và chăm lo làm ăn”, bà Tá phân vân.
Ông Hồ Văn Ngại, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Linh, cho biết: “Khi có chủ trương đầu tư các dự án điện gió, nhiều nhà đầu tư đã triển khai xây dựng dự án trên địa bàn xã Hướng Linh. Địa phương có nhiều hộ dân trong diện bị thu hồi đất để thực hiện dự án. Về lâu dài, vấn đề sinh kế của nhiều gia đình sẽ gặp khó khăn vì đất sản xuất bị thu hẹp, bà con thiếu đất đai sản xuất”.
Bên cạnh đó, tuyến đường giao thông dẫn vào xã Hướng Linh hiện bị xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đường bị nứt nẻ, hư hỏng nhiều điểm, xuất hiện nhiều “ổ gà” gây mất an toàn giao thông.
Từ khi triển khai các dự án điện gió, nhiều diện tích đất của người dân huyện miền núi Hướng Hóa nằm trong diện bị thu hồi |
Nỗi lo thiếu đất, ảnh hưởng sinh kế
Liên quan đến vấn đề nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân bị bồi lấp, ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng chưa được thống kê, bồi thường hỗ trợ khiến người dân gặp khó khăn, bức xúc, UBND tỉnh Quảng Trị đã giao UBND huyện Hướng Hóa thu hồi một số diện tích đất để điều chỉnh giao đất bổ sung cho bà con sản xuất nông nghiệp.
“Đối với diện tích đất ruộng lúa bị bồi lấp, UBND tỉnh giao cho huyện Hướng Hóa rà soát, xây dựng kế hoạch chuyển đổi phù hợp, nhằm tiết kiệm quỹ đất”, ông Hà Sỹ Đồng cho hay.
Vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã tổ chức khảo sát tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân ở khu vực có dự án điện gió, tại các xã: Hướng Phùng, Hướng Linh, Húc và Tân Liên (thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).
Qua khảo sát, cơ quan chức năng nhìn nhận ngoài một số điểm tích cực thì những tác động, ảnh hưởng và những tồn tại sau khi các dự án điện gió triển khai và đi vào hoạt động cũng không nhỏ. Cụ thể, sau khi các dự án triển khai và đi vào hoạt động đất sản xuất của một số bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng, thiếu đất sản xuất.
Mặt khác, việc thu hồi diện tích đất ở, đất sản xuất làm thay đổi phần lớn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà con. Nhiều diện tích đất canh tác, sản xuất, đê thủy lợi, suối bị bồi lấp, san bằng do tình trạng sạt lở đất, đá từ các bãi thải, các tuyến đường tự mở để vận chuyển trang thiết bị, vật liệu thi công.
Quá trình triển khai dự án, việc áp giá đền bù, giải phóng mặt bằng không thống nhất, thiếu đồng bộ, nhiều trường hợp chủ đầu tư tự thỏa thuận với người dân, không thực hiện mức giá đền bù như đã thống nhất với chính quyền địa phương và khu dân cư.
Việc làm trên dẫn đến tình trạng phản đối, rào đường, dựng vật cản nhằm cản trở thi công, với mục đích đòi mức hỗ trợ cao hơn. Việc áp giá đền bù không đồng nhất, thay đổi liên tục gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, gây mất đoàn kết trong khu dân cư, mất niềm tin của nhân dân...
Trao đổi về những ảnh hưởng từ việc xây dựng dự án điện gió, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, nói rằng, việc triển khai thành công các dự án điện gió ở khu vực miền núi của tỉnh đã khai phá tiềm năng và đây là hướng ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng Quảng Trị trở thành một trung tâm năng lượng của miền Trung.
Những tác động sau khi thi công dự án điện gió được cơ quan chức năng nhìn nhận, như sạt lở đất, đất đá từ các bãi thải trôi xuống bồi lấp đất sản xuất của người dân. |
Phát triển điện gió ở miền núi tạo nên cảnh đẹp, tạo lợi thế để khai thác tiềm năng phát triển du lịch. Người dân được hưởng lợi thông qua việc các công ty điện gió đầu tư xây dựng, mở rộng một số tuyến đường giao thông liên thôn và góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho một bộ phận người dân địa phương.
Tuy nhiên, ông Hà Sỹ Đồng cũng thừa nhận, việc triển khai các dự án điện gió không thể hạn chế được hết những vấn đề nảy sinh, cũng có ảnh hưởng, tác động đến một số hộ dân trong vùng dự án, những khu vực xây dựng điện gió, bị thu hồi đất.
Vấn đề này đã có phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tạo sinh kế mới cho người dân. Khi dự án hoàn thành, UBND tỉnh giao Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, huyện Hướng Hóa và các sở, ngành liên quan rà soát lại tình hình dân cư, lao động trên địa bàn bị ảnh hưởng. Từ đó, có biện pháp tạo sinh kế mới cho người dân bằng các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình giảm nghèo, chương trình phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
“Tỉnh sẽ có những đánh giá sau 3 năm, hoặc 5 năm triển khai dự án điện gió để biết có phát triển bền vững hay không, ảnh hưởng sinh kế người dân hay không. Người dân có bị mất đất, thiếu đất sản xuất, mất việc hay không để có kế hoạch cụ thể, biện pháp hỗ trợ bà con”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.