Nỗi ân hận của bà mẹ đơn thân sát hại con trong cơn giận dữ

Ai cũng ngỡ bà Nguyễn Thị Huế (SN 1963, trú thị trấn Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) có thể chạm tay đến hạnh phúc nhưng hóa ra tất cả với bà chỉ là một giấc mộng nhanh đến, nhanh đi...

Phạm nhân Nguyễn Thị Huế.
Phạm nhân Nguyễn Thị Huế.

Đằng sau thứ hạnh phúc mà người khác cảm nhận, ít ai có thể nhìn thấy nỗi đau và những giọt nước mắt bà đã chảy trong đêm. Cũng ít người biết được trái tim bà đã vỡ vụn thành ngàn mảnh vì đứa con trai bà xem như báu vật của mình.

Đau! nhưng bà đã cười, đã sống một cách mạnh mẽ để che đi tất cả sự thật, khổ nỗi bà càng gói gém thì đứa con trai của bà lại cố tình làm điều ngược lại.

Yêu con bằng lẽ sống

Hạnh phúc! đối với bà Huế là điều xa xỉ. Cuộc sống của bà vốn thừa hưởng nghèo khó từ mẹ cha, chẳng vậy khi lớn lên dù bà có cần mẫn đến mấy thì chữ nghèo vẫn không buông.

Tháng năm lướt qua mang theo cả tuổi xuân bà đi mất, bà lại vội vã làm mọi thứ... để sống. Không ít lần ngẩng mặt, bà lại nghẹn ngào thốt lên hai chữ “giá như”...

Bà Huế không lấy chồng mà quyết định ở vậy lo làm kiếm sống. Hẳn người phụ nữ ấy cũng đã từng yêu, từng mơ ước có một nơi chốn để về, có người đàn ông vì yêu mà không cần nghĩ đến hoàn cảnh sang-nghèo...

Vậy nhưng, điều bà thấy được đó là người ta có thể đi qua rất nhiều mối tình nhưng lại chẳng được mấy ai dám vì một người phụ nữ gia thế bậc thấp như bà mà kiệt quệ yêu, kiệt quệ nhớ thương.

Họ có thể nói rất yêu..., rất yêu nhưng lại không dám đánh cược niềm tin vào tình yêu ấy để vượt qua khó khăn, thử thách của cuộc đời. Bà Huế đành lựa chọn tự tìm hạnh phúc cho riêng mình.

Năm 36 tuổi, bà Huế “tự túc” sinh ra  Đặng Quang Huy. Bà chọn đặt tên con trai như thế là mong muốn lớn lên con có một tương lai tươi sáng, huy hoàng.

Sức mạnh của tình mẫu tử khiến bờ vai, đôi tay của bà rắn chắc hơn, thậm chí nghị lực sống của bà cũng vì thế tràn đầy. Cuộc sống có vất vả bao nhiêu bà không quá bận tâm, chỉ cần nhìn con trai lớn lên từng ngày, chỉ cần nhìn thấy nụ cười của con thì mọi mệt mỏi trong bà đều tan biến. Bà tự thấy mình là người phụ nữ hạnh phúc vô cùng.

Huy càng ngày càng lớn, đồng nghĩa với sự khó khăn trong cuộc sống của hai mẹ con ngày càng nhiều. Bà Huế cũng vẫn yêu con với một tình yêu bao la như trời bể như thế.

Nhưng cuộc đời thực chưa bao giờ có chút công bằng với người đàn bà ấy. Bà càng hy sinh, càng vất vả vì con bao nhiêu thì càng lớn Huy lại càng khó dạy bảo bấy nhiêu. Không ít người lên tiếng vì sự “yêu” con quá mức của bà, cũng không ít người quay sang trách bà nhưng bà nghe xong vẫn vậy.

Ai bảo số phận đã đặt tình yêu quá lớn đó vào bà, vào hoàn cảnh của một người phụ nữ đáng thương để khiến nó trở thành éo le cũng là biến nó thành bi kịch sau này... Bà bấm bụng “...ùm thì mình thương con, vì con còn có thể chết đi cơ mà!”, để lại gói gọn buồn lo cho riêng mình.

Những vất vả của tuổi trẻ đã vắt kiệt sức lực của bà cho nên ở cái tuổi ngoài 50, bà Huế yếu đi trông thấy. Con trai đã lớn, bà Huế bảo con xin vào làm công nhân ở một khu công nghiệp gần nhà. Bà mong muốn con trai sau này sẽ có cuộc sống ổn định, ngay cả khi không còn bà bên cạnh.

Tuy nhiên, cũng kể từ ngày Huy đi làm có tiền thì bắt đầu nhiễm thói hư tật xấu. Nhiều lần ra sức khuyên can con tu chí làm ăn nhưng không được khiến mẹ con mâu thuẫn, căng thẳng. Bà không nghĩ đứa con bà đứt ruột đẻ ra lại vì ham chơi, thích hưởng thụ mà trả treo bà. Lòng bà vì thế đau lắm, cay đắng lắm!

Đỉnh điểm, sau chuỗi ngày đi sớm về khuya để chơi bời, Huy dọa mẹ nếu không mua cho xe tay ga trị giá 50 triệu đồng thì sẽ đi bán thận.

Lo sợ con trai sẽ làm liều, bà Huế đành phải đi vay nặng lãi để mua xe. Ngày 11/4/2018, Huy bảo bà đi vay hộ 2,5 triệu đồng để chuộc lại chiếc điện thoại đã cầm cố nhưng bà Huế từ chối.

Thấy con trai chuẩn bị đi chơi, bà khuyên ở nhà ngủ để hôm sau đi làm nhưng không được. Mệt mỏi, người đàn bà bất hạnh bất lực nằm thiếp đi trên tấm phản gỗ giữa nhà.

Đến khoảng 5h sáng hôm sau, Huy về nhà nằm ra phản gỗ ngủ gần mẹ. Bà Huế tỉnh dậy, nhìn đứa con trai đang ngủ bà nhớ lại quãng thời gian dài cơ cực nuôi con, chưa nhận được đền đáp thì đứa con ngày càng hư hỏng khiến bà nảy sinh hành động tiêu cực.

Bị cáo Huế ân hận không cầm được nước mắt, khóc suốt thới gian diễn ra phiên tòa.

Bà lấy đoạn tuýp sắt ở gầm cầu thang xông đến đập liên tiếp vào đầu đứa con trai đang ngủ, cướp đi mạng sống của nó. Bà Huế bị tuyên án 14 năm tù về tội “Giết người”.

Mặn đắng nỗi đau...

Cái chết- có nhiều người sẽ xem nó là một điều tồi tệ nhất nhưng lúc này đối với bà Huế cái chết của một người mẹ tàn nhẫn tước đi mạng sống của con trai lại trở nên vô nghĩa.

Bà không thể chết, bà không thể tìm cánh giải thoát bản thân đầy đớn hèn như thế, nói đúng hơn bà phải sống, phải đối diện với nỗi đau để trả giá cho những sai lầm của mình.

Bà còn nhớ, vì đứa con trai bà yêu hơn cả bản thân bà đã không cho phép bản thân mình gục ngã. Có những lúc bản thân bà tưởng như sẽ chết đi nhưng bà buộc bản thân phải ổn.

Tổn thương, khổ đau, cùng cực... chỉ khiến bà mãnh mẽ, kiên cường thêm. Bà đã từng không cho mình buồn quá lâu, đau quá nhiều... cũng chỉ vì con, vậy thì cớ sao cuộc đời bà lại có một kết cục đắng chát như thế. Đối với bà mà nói, hạnh phúc quả chẳng tày gang...

Sau khi nhận mức án 14 năm tù, bà đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Không phải là bà thấy mức án này cao so với hậu quả bà gây ra mà bà muốn có nhiều thời gian để hương khói cho con.

Cho dù âm dương cách biệt thì bà vẫn muốn gần con hơn về mặt địa lý... Mặc nhiên, đối với bà bản án có là 14 năm hay cao hơn nữa cũng không bằng bản án lương tâm mà bà mang bên mình. Đó là sự thật bà không hề chối cãi. Thử hỏi ở đời có nỗi đau nào bằng nỗi đau mẹ giết con?!

Cùng với đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bà, Viện KSND TP Hà Nội có đơn kháng nghị tăng hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, phía đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội đã rút kháng nghị tăng hình phạt, đề nghị HĐXX giữ nguyên hình phạt 14 năm tù với người mẹ giết con.

HĐXX phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm 14 năm tù với bị cáo Nguyễn Thị Huế về tội “Giết người”.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Huế già đi trông thấy. Từng giọt, từng giọt nước mắt rơi xuống khuôn mặt hốc hác như hàng trăm mảnh vỡ trong trái tim bà, bà không kịp và cũng không thể ngăn bản thân mình bật khóc.

Chỉ cần nghĩ đến đứa con trai vĩnh viễn không còn, mà cái chết lại do chính tay bà gây nên thì lòng bà lại quặn đau. Sự đau đớn tột cùng là vậy, nó khiến cho bà không thể thở được. Những ngày Huy vĩnh viễn xa bà, bà thực sự u ám sống không bằng chết. Có lẽ, đối với bà cuộc sống tàn nhẫn nhất là đã khiến bà tưởng rằng mình có được tất cả nhưng cuối cùng phát hiện ra chẳng có được gì ngoài khổ đau.

20 năm trướ c- bà hạnh phúc khi có một sự sống cựa mình, 20 năm sau - bà đau đớn vì chính mình kết thúc sự sống của nó. Đến giờ này bà vẫn không ân hận khi đã sinh ra Huy, yêu Huy nhưng cái bà ân hận đó là cách mà bà đã trao cho con trai thứ tình yêu đó.

Giá như bà biết cách cho đi những yêu thương thì sẽ không có một cái kết đau lòng như thế.

Bà Huế nhìn trời mưa chậm rãi nhắm mắt lại, giọt nước mắt rớt xuống đôi tay xanh gầy. Với bà, ngay lúc này cho dù trời có nổi bão đi chăng nữa cũng chẳng bằng sóng gió đau thương đang dày xéo trong lòng!

Theo Conglyxahoi.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...