Khi con tàu Mỹ cuối cùng rút khỏi căn cứ hải quân Subic ở Philippines cách đây hơn hai thập kỷ, nó kéo đi mất niềm hy vọng của một phụ nữ trẻ đang tuyệt vọng tìm cha.
Beirut Calaguas, nay 44 tuổi, là một trong số hàng chục nghìn người Philippines lai Mỹ, có cha là lính Mỹ từng phục vụ ở nước này. Philippines là nơi có những căn cứ Mỹ ở nước ngoài lớn nhất cho tới khi chúng bị đóng cửa năm 1992.
Cũng như nhiều người khác, Calaguas phải sống cuộc sống nghèo khổ với đầy rẫy sự phân biệt đối xử, vừa phải chiến đấu với sự tổn thương tinh thần khi bị bỏ rơi, không biết cha mẹ đẻ mình là ai.
"Khi người Mỹ bỏ đi, trái tim tôi tan nát, tôi phó mặc cho số phận, tin rằng sẽ không bao giờ tìm được cha nữa", người phụ nữ có nước da sáng màu và đôi mắt nâu nói trong căn nhà xiêu vẹo ở ngoại ô, gần các căn cứ cũ của Mỹ. "Tôi từng khóc mỗi đêm. Thật khó khăn và cô đơn trên cõi đời này, khi tìm kiếm người cha bạn chưa từng gặp mặt".
Dù một báo cáo ước tính có tới 250.000 người Á lai Mỹ và con cái họ ở Philippines, họ vẫn là một cộng đồng cúng như bị quên lãng.
Tuy nhiên, hoàn cảnh khó khăn của họ đang thu hút sự chú ý trở lại, khi Mỹ chuẩn bị triển khai hàng nghìn quân quay lại Philippines, trong kế hoạch "xoay trục" sang châu Á.
Căn cứ không quân Clark ở thành phố Angeles và căn cứ hải quân Subic ở thành phố Olongapo gần đó, từng là địa bàn hoạt động quan trọng của quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương trong gần một thế kỷ.
Nằm cách Manila về phía bắc khoảng hai giờ lái xe, cả hai là những trung tâm sửa chữa và hậu cần quan trọng của lực lượng Mỹ trong chiến tranh Việt Nam những năm 1960 và 1970. Clark cũng là nơi xuất phát những cuộc ném bom.
Khu đèn đỏ hút lính Mỹ
Hàng trăm nghìn lính Mỹ và nhà thầu tư nhân làm việc và nghỉ dưỡng luân phiên tại các căn cứ, khiến số khu đèn đỏ khét tiếng gia tăng.
Những quán bar thoát y, cơ sở massage là nơi gặp gỡ điển hình của lính Mỹ và những người phụ nữ mà sau này sẽ sinh ra những đứa con vô thừa nhận, vô danh. Những đứa trẻ lai Mỹ này cũng thường bị chính mẹ đẻ bỏ rơi.
Ở đất nước Thiên chúa giáo bảo thủ này, nơi ly hôn là bất hợp pháp, một số bà mẹ bỏ con để tránh định kiến xã hội khi làm bà mẹ đơn thân, và để giữ hy vọng được kết hôn. Một số người mẹ khác đơn giản là không thể chăm sóc chúng.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ lai Philippines ở thành phố Angeles, có ít nhất 50.000 trẻ em có cha là người Mỹ khi các căn cứ đóng cửa.
Những đứa trẻ được người thân của các bà mẹ nuôi nấng, những người hàng xóm nhận làm con nuôi không chính thức, các tổ chức từ thiện chăm sóc, hoặc bị bỏ rơi hoàn toàn và buộc phải ăn xin. Nhiều người vào đời bằng nghề mại dâm.
Bị Chính phủ Mỹ bỏ rơi
Calaguas nói về cuộc sống của cô, một người Philippines lai Mỹ, bên cạnh các con cô. Ảnh: AFP |
Năm 1982, chính phủ Mỹ thông qua Đạo luật Nhập cư dành cho người Á lai Mỹ. Luật này tạo điều kiện ưu tiên nhập cư cho những đứa trẻ là con của lính Mỹ ở Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Hàn Quốc.
Tuy nhiên luật tập trung vào những nước liên quan trực tiếp vào cuộc chiến ở Việt Nam và chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953. Nó loại trừ những đứa trẻ sinh ra ở Philippines và Nhật Bản, nơi cũng có những căn cứ khổng lồ của Mỹ.
Nhiều nhóm hoạt động cố gắng đưa những người Philippines lai Mỹ vào diện ưu tiên của luật này, nhưng đều thất bại. Và điều đó tạo nên tình trạng phẫn nộ và bối rối.
Ông Peter Kutschera, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Mỹ lai Philippines, cho biết chính phủ Mỹ không bao giờ giải thích lý do những người này bị loại trừ. Ông cho rằng đây là hành động "đạo đức giả" khi cho Thái Lan vào danh sách, dù nước này không có xung đột trực tiếp, nhưng lại loại trừ Philippines.
Đại sứ quán Mỹ tại Manila từ chối trả lời câu hỏi về chính sách của chính phủ đối với những người Philippines lai Mỹ. Đại sứ quán cũng không nói liệu họ có giúp những người này tìm cha hay không.
Vấn đề của những người lai Mỹ tiếp tục trở nên trầm trọng hơn theo thời gian, theo nghiên cứu năm 2012 do nhóm của Kutschera thực hiện. Cộng đồng này đã lên tới 250.000 người, bao gồm cả con và cháu của họ. Những người Philippines lai Mỹ vẫn nằm ở những nấc thấp nhất trong xã hội, tại đất nước vốn dĩ đã nghèo.
"Nhiều thành viên trong cộng đồng người Á lai Mỹ đang sống trong tình trạng nghèo cùng cực đến mức không thể hình dung được ở Mỹ", Kutschera nói. Ông Kutschera mô tả những người Philippines lai Mỹ là nhóm dân cư "thiệt thòi, chịu nhiều rủi ro, áp lực cao", và nói thêm rằng họ đặc biệt dễ bị tổn thương trước nạn mại dâm và ma túy.
Vòng tròn tuyệt vọng
Mark Gilbore, thuộc tổ chức người Philippines lai Mỹ Thống nhất (UPA), con trai một người Mỹ gốc Phi, trả lời phỏng vấn ở Angeles. Ảnh: AFP |
Calaguas trông kiệt quệ thấy rõ, dù từng có thời tuổi trẻ đầy sinh lực. Cuộc sống trở nên quá tàn bạo với cô cũng như nhiều người Philippines lai Mỹ khác.
Vì phải vật lộn để trả tiền thuê nhà, mẹ của Calaguas giao cô cho những người chủ nhà vô sinh, với hy vọng sẽ quay trở lại vào một ngày nào đó. Nhưng bà đã không quay lại.
Calaguas bỏ học ở tuổi 17. Không thể tìm được việc ở địa phương, cô tìm cách kiếm giấy tờ du lịch giả để trở thành người mua vui tại các hộp đêm ở Nhật, nơi phục vụ cả các lính Mỹ.
"Tôi yêu một người lính, có thai, và bây giờ, tôi cũng có một đứa con trai lai Mỹ", cô nói. Sau khi người đàn ông này bỏ Calaguas, cô trở về Philippines cùng con trai.
Chính phủ Philippines dự kiến đạt thỏa thuận vào cuối năm nay, đón chào các lính Mỹ trở lại Subic cùng các căn cứ khác. Giới lãnh đạo Philippines ca ngợi hiệp ước quốc phòng này là bệ đỡ quan trọng trong nỗ lực phòng vệ trước một Trung Quốc đang ngày càng quyết liệt. Bắc Kinh đang cố mở rộng sự hiện diện tại những vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, gần Philippines.
Nhưng bên rìa những căn cứ tại Philippines là những nỗi lo sợ lính Mỹ sẽ gây ra một giai đoạn bùng nổ trẻ sơ sinh, tạo ra thêm nhiều thế hệ đau khổ khác.
"Lại sẽ có nhiều người Á lai Mỹ, những đứa con bị ruồng bỏ của các binh lính và nhà thầu", Kutschera dự báo.