Nở rộ xe cà phê lưu động: Xu hướng khởi nghiệp của giới trẻ

GD&TĐ - Dọc các tuyến phố ở Hà Nội, không khó để bắt gặp những chiếc xe đẩy, xe đạp, xe hơi bán cà phê với quy mô nhỏ.

Hình ảnh xe cà phê di động trên đường phố Hà Nội - trào lưu kinh doanh mới xuất hiện thời gian gần đây.
Hình ảnh xe cà phê di động trên đường phố Hà Nội - trào lưu kinh doanh mới xuất hiện thời gian gần đây.

Dọc các tuyến phố ở Hà Nội, không khó để bắt gặp những chiếc xe đẩy, xe đạp, xe hơi bán cà phê với quy mô nhỏ. Cà phê đựng trong cốc nhựa hoặc cốc giấy cho khách mang đi với quy trình mua bán nhanh gọn, tiện lợi chỉ mất vài phút là kết thúc một giao dịch.

Cà phê lưu động - mua nhanh, bán gọn

Xã hội đang trên đà phát triển nhanh chóng, con người cũng dần bắt nhịp với cuộc sống bận rộn và vội vã, dành ít thời gian hơn cho việc ngồi quán xá nhâm nhi ly cà phê.

Với thị trường cà phê ở Việt Nam hiện nay, mô hình kinh doanh xe bán cà phê lưu động cho khách mang đi hay còn gọi là cà phê Take away (cà phê mang đi) đang được rất nhiều người ưa chuộng bởi đáp ứng được thị hiếu cũng như nhịp sống đô thị.

Mô hình này có nguồn gốc từ Ý, bắt đầu len lỏi vào thị trường Việt Nam từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên, vào khoảng thời gian đó, hình thức kinh doanh này chưa được đánh giá cao và cũng ít phổ biến.

Khoảng vài năm trở lại đây, sau đại dịch Covid-19, cùng các quy định chống dịch của Nhà nước xuyên suốt trong thời gian dài, có thể thấy thói quen tiêu dùng và nhu cầu của người dân đã có nhiều thay đổi.

Thay vì ngồi vài giờ đồng hồ nhâm nhi 1 ly cà phê trong quán, hiện nay, nhiều người dân chọn cách “mua nhanh bán gọn” trên đường đi học, đi làm để không mất thời gian mà vẫn giải quyết được nhu cầu giải khát.

14 giờ ngày 10/12, xe đẩy cà phê nhỏ của chị Miên, nằm dưới chân toà nhà Hapulico trên đường Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thi thoảng lại có khách đi đường dừng lại mua một ly cà phê mang đi. “Quầy hàng” của chị Miên không biển hiệu, không loa đài giới thiệu hay bàn ghế để ngồi, nhưng người mua cà phê vẫn đứng cả hàng dài.

Chỉ vỏn vẹn 1 chiếc xe với diện tích khiêm tốn, chị Miên vẫn trang bị được đầy đủ các dụng cụ, thiết bị và nguyên liệu cần thiết để bán hàng. Ngoài các loại cà phê như: Bạc sỉu, cà phê muối, nâu, đen, chị Miên còn bán trà và sinh tố khá đa dạng với mức giá từ 15 - 35 nghìn đồng/ly.

Khách hàng của bà chủ xe cà phê di động này chủ yếu là học sinh, sinh viên và nhân viên văn phòng. Chị Miên chia sẻ: “Quan trọng là chọn được địa điểm hợp lý, có chỗ để khách dừng xe mua nước, ở đây vừa gần trường học, vừa dưới chân toà nhà có nhiều công ty, nên lượng khách cũng khá đông. Tôi cũng mất thời gian đầu đẩy xe đi loanh quanh tìm chỗ bán, xe khá nhỏ gọn nên việc di chuyển để buôn bán cũng linh hoạt”.

Theo chị Miên, hiện giờ dọc con đường Vũ Trọng Phụng có 3 xe bán cà phê lưu động giống chị, tuy nhiên, do đã có lượng khách quen nên việc làm ăn không ảnh hưởng nhiều, trung bình 1 ngày chị bán được 50 cốc cà phê và các loại sinh tố, trà. Đỉnh điểm có ngày chị Miên bán được hơn 100 cốc.

Chị Đinh Ngọc Diệp (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhân viên văn phòng chia sẻ, việc mua cà phê mang đi khiến chị tiết kiệm được khá nhiều thời gian, chi phí. Hiện nay hầu như tuyến đường nào cũng có vài xe đẩy cà phê nên chị Diệp có nhiều sự lựa chọn. Sau vài lần thưởng thức, thấy cà phê ở đâu hợp vị, tiện đường cũng như giao thông thuận lợi thì chị sẽ quay lại chỗ đó mua.

Một xe bán cà phê lưu động trên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội. Ảnh 2:

Một xe bán cà phê lưu động trên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội. Ảnh 2:

Ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ

Chia sẻ với phóng viên, anh Lương Văn Trường (20 tuổi, Bắc Giang) chủ xe bán cà phê lưu động ở phố Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, có đam mê kinh doanh, nhưng còn là sinh viên nên số vốn không nhiều.

Vì vậy, sau nhiều lần đắn đo suy tính, anh Trường quyết định bỏ ra khoản chi phí 25 triệu đồng cho việc đóng xe đẩy và mua dụng cụ, với tấm biển thiết kế khá bắt mắt cùng dòng chữ “Cafe take away” để bắt đầu công việc kinh doanh cà phê lưu động của mình.

Vừa pha cà phê, anh Trường vừa hào hứng chia sẻ: “Nếu đam mê kinh doanh, các bạn trẻ cũng có thể thử sức với mô hình này vì chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro, làm đơn giản lại dễ quản lý, nhanh chóng thu hồi vốn so với kinh doanh quán cà phê thông thường. Tuy hiện tại thị trường cà phê lưu động đã khá tấp nập, nhưng nếu đồ uống, dịch vụ của mình có sự độc đáo, đặc biệt “bắt trend” nhanh các loại đồ uống “hot” thì khách hàng cũ vẫn sẽ quay lại, đồng thời có cơ hội tiếp cận nhiều khách hàng mới”.

Anh Trường cho biết, bán cà phê xe đẩy được 5 tháng nay, nhưng chỉ bán vào cuối tuần. Anh Trường chọn địa điểm là phố Đinh Tiên Hoàng vì cuối tuần ở đây có phố đi bộ, lượng khách lên phố chơi rất đông. Không mất chi phí thuê mặt bằng nên giá bán 1 ly cà phê của anh Trường cũng chỉ 20 nghìn đồng. Mức giá khá dễ tiếp cận này khiến xe đẩy của anh Trường lúc nào cũng đắt hàng, có ngày đông khách, anh thu về vài triệu đồng.

Bên cạnh niềm vui khởi nghiệp, anh Trường cũng chia sẻ về những khó khăn gặp phải khi kinh doanh mô hình này như: Thời tiết xấu, khách hàng e ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, rủi ro bị phạt do lấn chiếm lề đường, không cố định thời gian và địa điểm nên nhiều khi mất lượng khách cũ,… Chia sẻ về dự định tương lai, anh Trường mong muốn mở rộng thêm vài xe đẩy cà phê để tăng độ nhận diện thương hiệu.

Bên cạnh việc tự mở quầy bán cà phê mang đi, hiện nay cũng có rất nhiều các đơn vị nhượng quyền kinh doanh xe cà phê với các mức giá khác nhau, trung bình từ khoảng 20 triệu đồng/xe.

Cụ thể, các thương hiệu sẽ cung cấp cho chủ sở hữu các trang thiết bị cần thiết cho việc kinh doanh, công thức pha chế, menu các món đồ uống, sử dụng thương hiệu có sẵn để giảm chi phí quảng bá… Ưu điểm của loại hình này là danh tiếng thương hiệu đã được xây dựng một cách bài bản, đã có danh tiếng cũng như độ nhận diện cao.

Có thể thấy kinh doanh xe cà phê lưu động không chỉ là kế sinh nhai của nhiều người mà còn là một trong những sự lựa chọn “đầu tư” kinh doanh khá thú vị, mang lại lợi ích cho các bạn trẻ muốn thử sức khởi nghiệp và những người đam mê kinh doanh với số vốn nhỏ.

Mô hình “1 vốn 4 lời” này hứa hẹn “ăn nên làm ra” nếu như người kinh doanh tìm được vị trí đắc địa, sản phẩm chất lượng, đồng thời cập nhật nhanh chóng các xu hướng đồ uống mới phù hợp thị hiếu khách hàng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.