Nỗ lực triển khai Chương trình GDPT mới ở vùng biên Nậm Pồ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với nhiều nỗ lực trong triển khai Chương trình GDPT mới, giáo dục vùng cao Nậm Pồ (Điện Biên) đã từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng.

Tiết Tiếng Việt của cô trò Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ.
Tiết Tiếng Việt của cô trò Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ.

Vượt khó đổi mới

Nậm Pồ là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Điện Biên với dân số trên 59 nghìn người. Trong đó, tỷ lệ dân số là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 96%. Là huyện mới chia tách, thành lập nên đời sống kinh tế của đồng bào vùng cao Nậm Pồ vẫn còn nhiều khó khăn. Giao thông đi lại vất vả, tình trạng giáo viên có nhiều biến động, người dân ít quan tâm đến việc học tập của học sinh… chính là những trở đến việc phát triển giáo dục trên địa bàn.

Trước những khó khăn đó, ngành GD&ĐT huyện Nậm Pồ đã linh hoạt nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục và khắc phục những tồn tại để phù hợp với tình hình của địa phương. Việc đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục được địa phương chú trọng.

Năm học 2023 - 2024 là năm thứ tư ngành GD&ĐT huyện Nậm Pồ triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Năm học này, toàn ngành có 42 trường (166 điểm trường lẻ) với 738 lớp và gần 21 nghìn học sinh.

Để triển khai Chương trình GDPT mới một cách hệ thống, Phòng GD&ĐT Nậm Pồ đã chủ động, tích cực tham mưu ban hành Kế hoạch, chỉ đạo triển khai thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa GDPT trên địa bàn huyện đảm bảo đầy đủ, kịp thời, bám sát thực tiễn của địa phương. Từ đó, chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, cơ sở vật chất các trường lớp ngày một khang trang.

Hiện, toàn huyện Nậm Pồ có 477 phòng học. Trong đó, có 244 phòng kiên cố và 233 phòng bán kiên cố, đảm bảo phục vụ cho việc dạy và học theo chương trình GDPT 2018.

Cô trò Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ.

Cô trò Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ.

Phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo các trường tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình của từng môn học, hoạt động giáo dục bảo đảm thời lượng quy định trong chương trình và bố trí dạy học trong mỗi học kì một cách hợp lí, khoa học. Đối với các môn học, bố trí thời gian dạy học linh hoạt phù hợp với điều kiện giáo viên và cơ sở vật chất nhà trường.

Đối với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo Chương trình GDPT mới, giáo viên được phân công đảm nhận nội dung hoạt động phải có năng lực chuyên môn phù hợp. Phòng GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh theo quy định của Chương trình GDPT 2018.

Đồng thời, tăng cường hoạt động dự giờ nhằm rút kinh nghiệm để hoàn thiện các chuyên đề, tiến trình dạy học và phương pháp tổ chức hoạt động dạy theo hướng tăng cường năng lực và phẩm chất học sinh.

Ông Ngô Xuân Chiến - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ cho biết: “Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tiếp tục thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học, coi trọng vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn. Đa dạng hóa các hình thức, phương pháp dạy học, tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học. Tiếp tục đổi mới thi kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh. Các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục được tăng cường, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở các nhà trường được đẩy mạnh”.

Từng bước khẳng định chất lượng

Phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ đã tăng cường kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chương trình GDPT mới. Qua kiểm tra, 100% cán bộ giáo viên được tập huấn về chương trình đổi mới sách giáo khoa và có ý thức trong việc vận dụng đổi mới phương pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.

“Đội ngũ giáo viên đã chủ động, sáng tạo hơn trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục. Đa số giáo viên đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, linh hoạt sử dụng sách giáo khoa để đáp ứng mục tiêu của Chương trình. Nhờ đó, chất lượng giáo dục học sinh so với năm học trước dần được nâng lên, nhất là chất lượng đọc, viết ở môn Tiếng Việt và khả năng làm toán trong môn Toán” – ông Ngô Xuân Chiến chia sẻ.

Năm học này, Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ có 623 học sinh. Trong đó, có 247 em thuộc diện bán trú. Để triển khai tốt Chương trình GDPT mới, cùng với việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất như phòng học, phòng chức năng, thiết bị dạy học, nhà trường đặc biệt quan tâm đến công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên dạy các khối lớp và ưu tiên cho khối lớp 1, 2, 3, 4.

Công nghệ thông tin được ứng dụng trong dạy học thu hút sự hứng khởi của học sinh.

Công nghệ thông tin được ứng dụng trong dạy học thu hút sự hứng khởi của học sinh.

“Chúng tôi chỉ đạo xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên môn tổ, khối, trường, cụm trường 2 buổi/tháng, mỗi buổi 3 tiết, mỗi tiết 45 phút theo hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn thực hiện Chương trình GDPT 2018. Nội dung tập trung vào nghiên cứu chương trình GDPT tổng thể, chương trình môn học, chú trọng đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt chuyên môn thông qua hoạt động dự giờ quan sát lớp học, nghiên cứu bài học và khai thác các chuyên đề dạy học” - cô Bùi Minh Dần, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên rà soát chất lượng học sinh của lớp chủ nhiệm, căn cứ vào yêu cầu cần đạt của từng khối lớp trong Chương trình GDPT 2018, xây dựng lộ trình đạt chuẩn môn Tiếng Việt. Thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá học sinh để giúp học sinh đạt được yêu cầu cần đạt của môn học. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ ngày càng được nâng cao.

Ông Ngô Xuân Chiến cho biết: “Từ những thành quả đạt được ở những năm học trước, ngành GD&ĐT huyện Nậm Pồ tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bám sát mục tiêu GD&ĐT, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Thực hiện đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông. Nâng cao chất lượng giáo dục và tăng cường an ninh, an toàn trường học”.

Tiết học STEM của cô trò Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ.

Tiết học STEM của cô trò Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, quản lý giáo dục, đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong GDPT. Tiếp tục đổi mới công tác quản trị, tăng quyền tự chủ của các cơ sở GDPT. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về đổi mới căn bản, giáo dục và đào tạo, chương trình, sách giáo khoa theo chương trình GDPT 2018 tới nhân dân, đội ngũ viên chức, người lao động và học sinh.

Phòng GD&ĐT cũng tăng cường tập huấn về việc đổi mới hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực. Xây dựng kế hoạch bài học theo hướng phát triển năng lực, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học các chủ đề thành các hoạt động học để thực hiện cả ở trên lớp và ngoài lớp học. Chú trọng rèn luyện phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học.

“Chúng tôi tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cụm trường để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Cùng với đó, sẵn sàng các điều kiện để triển khai Chương trình với lớp 5 và 9 trong năm học tiếp theo”, ông Ngô Xuân Chiến thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Đu đủ là vừa!

GD&TĐ - Trước khi trời đổ mưa rào giao mùa Xuân sang Hạ, chị liền hối đứa nhỏ bắc ghế hái những quả đu đu đã lớn hết cỡ, vỏ ngả ương ương.
Đau đầu hay nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ nhóm tuổi nào. Ảnh minh họa: INT

Đi tìm nguyên nhân gây bệnh đau đầu

GD&TĐ - Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát, trong đó, đau đầu nguyên phát chiếm 90% và là cơn đau do bệnh lý cụ thể gây ra.