(GD&TĐ)-Năm 2000, Quốc hội ra nghị quyết về việc thực hiện phổ cập THCS trong cả nước. Với những tỉnh khó khăn, đây thực sự là bài toán lớn vì mặt bằng dân trí còn rất thấp và điều kiện dành cho việc học, kể cả trong nhận thức, vẫn còn rất hạn chế.
Tuy nhiên, hành trình gian nan này đã cán đích đúng hạn khi phổ cập giáo dục THCS đã hoàn thành ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước tính đến tháng 6/2010. Hàng năm, hầu hết học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đều tiếp tục vào học trung học cơ sở, tỷ lệ thanh, thiếu niên trong độ tuổi 15-18 có bằng tốt nghiệp THCS đạt 87,2%. Thành quả đạt được về phổ cập giáo dục THCS đã góp phần nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhớ lại, mục tiêu phổ cập giáo dục THCS giai đoạn 2001-2010 được nêu rõ tại Nghị quyết số 41/2000/NQ-QH10 ngày 12/9/2000 của Quốc hội khoá X. Theo đó, phải bảo đảm cho hầu hết thanh niên, thiếu niên sau khi tốt nghiệp tiểu học tiếp tục học tập để đạt trình độ THCS trước khi hết tuổi 18, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc phổ cập giáo dục THCS cũng phải đạt được các chỉ tiêu: Đối với xã, phường, thị trấn: Bảo đảm duy trì, củng cố kết quả và hoàn thiện mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học; huy động số học sinh tốt nghiệp tiểu học hàng năm vào học trung học cơ sở đạt tỷ lệ từ 95% trở lên; ở những xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn từ 80% trở lên; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở trung học cơ sở; giảm tỷ lệ lưu ban, bỏ học; bảo đảm tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hàng năm từ 90% trở lên; ở những xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn từ 75% trở lên; bảo đảm tỷ lệ thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 đạt trình độ THCS từ 80% trở lên; ở những xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn từ 70% trở lên.
Đối với quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phải bảo đảm 90% số xã, phường, thị trấn đạt các mục tiêu phổ cập giáo dục THCS. Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,cần bảo đảm 100% số quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt các mục tiêu phổ cập giáo dục THCS.
Năm 2005, cả nước có 27 tỉnh thành hoàn thành phổ cập THCS; con số này đến năm năm 2006 là 30/64 tỉnh, thành phố; năm 2008 là cả nước có 42/64 tỉnh, thành; tháng 12/2009 là 56/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS (đạt gần 90%). Càng chặng cuối, con đường đến đích càng khó khăn, vì những tỉnh chưa đạt chuẩn phổ cập THCS đều là những tỉnh điều kiện kinh tế, địa lý khó khăn…
Sáng 11/9/2009, Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, các tỉnh cuối cùng của cả nước là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước, Lai Châu, Quảng Nam chưa đạt chuẩn quốc gia về phổ cập THCS đã cùng họp tìm giải pháp. Khó khăn lớn nhất đối với các địa phương này là địa bàn miền núi, biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có nhiều xã đặc biệt khó khăn, có số học sinh lưu ban bỏ học cao, cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn nghèo nàn.
Trong năm học 2009-2010, công tác phổ cập giáo dục THCS được triển khai quyết liệt ở 7 tỉnh cuối cùng. Ngoài việc tổ chức giao ban công tác phổ cập giáo dục THCS với 7 tỉnh ngay từ đầu năm học, Bộ GD&ĐT còn cử các tổ công tác đến các tỉnh hỗ trợ kỹ thuật, nghiệp vụ. Các địa phương đã thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp, có chính sách hỗ trợ đặc biệt, ưu tiên kinh phí, tập trung nguồn lực cho các địa bàn khó khăn ở biên giới, hải đảo và đặc biệt quan tâm đến những tỉnh, huyện, xã mới chia tách nhằm đạt chuẩn phổ cập giáo dục. Nhờ nỗ lực này, năm học 2009-2010, cả nước có thêm 4 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu và Bạc Liêu). Nâng số tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi lên 52/63 tỉnh, thành (đạt tỷ lệ 82,5%).
Và, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập THCS với 687 huyện và 10.338/10.344 xã đạt chuẩn; tỷ lệ người trong độ tuổi 15-18 có bằng tốt nghiệp THCS hệ phổ thông và hệ bổ túc THCS là 87,2%.
Bước vào giai đoạn hội nhập, mà đỉnh cao là việc nước ta chính thức gia nhập WTO, vấn đề nâng cao mặt bằng dân trí nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao được đặt ra một cách bức xúc hơn bao giờ hết. Vì vậy, việc thực hiện phổ cập giáo dục bậc THCS, tiến tới phổ cập giáo dục bậc trung học, có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng. Đạt được phổ cập THCS phải trải qua vô vàn khó khăn và tốn kém tiền bạc, công sức, tâm huyết. Nhưng, đạt chuẩn PCGD chỉ là bước khởi đầu. Với các địa phương, so với việc được công nhận đạt chuẩn, việc duy trì sự ổn định, không ngừng nâng cao chất lượng của công tác phổ cập giáo dục còn khó khăn hơn nhiều; nó đòi hỏi sự kiên trì, cố gắng một cách đồng bộ, không riêng gì ngành giáo dục, mà là của mọi ngành, mọi cấp, mọi tổ chức, đoàn thể v.v... trong xã hội.
Hiếu Nguyễn