Quang cảnh Hội nghị |
Vùng đồng bằng Bắc bộ (ĐBBB) tiếp tục có các chỉ số giáo dục phát triển cao
Đây là vùng có chất lượng GD cao trong cả nước, là vùng luôn đi đầu trong việc triển khai các cuộc vận động lớn và triển khai các nhiệm vụ của ngành - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá.
Đến nay, 100% trường học vùng ĐBBB đã tổ chức triển khai, thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” một cách hiệu quả; đã có 9.103 công trình vệ sinh, nước sạch phục vụ HS.
Ngành GD vùng ĐBBB tiếp tục kiện toàn, tăng cường đội ngũ cán bộ quản lý GD các cấp và đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý GD; tích cực xây dựng, tham mưu với HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chyển đổi các trường dân lập sang công lập, tư thục; Đề án chuyển đổi trường MN bán công theo Luật GD. Đề án tăng cường cơ sở vật chất trường học giai đoạn 2010- 2015 và Đề án phát triển trường chuyên…
Cơ sở GD tại các địa phương đã triển khai thực hiện 3 công khai (công khai chất lượng đào tạo; công khai các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ GV, công khai thu, chi tài chính) theo hướng dẫn của Bộ.
Công tác thanh tra trong vùng được tăng cường. Thanh tra các sở đã tổ chức các cuộc thanh tra toàn diện, thanh tra hoạt động sư phạm, tập trung chủ yếu vào việc dạy- học trên lớp và tổ chức các hoạt động GD của GV, thanh tra chuyên đề góp phần nâng cao kỷ cương, trách nhiệm tại cơ sở. Ngoài ra, tổ chức thanh tra việc quản lý và sử dụng thiết bị dạy học, thanh tra dạy thêm, học thêm, hoạt động liên kết đào tạo, thu- chi tài chính và thanh tra, giám sát các kỳ thi HS giỏi. Các sở GD&ĐT trong vùng đếu đạt yêu cầu và đạt 100% chỉ tiêu học kỳ I đối với hoạt động thanh tra.
Trong học kỳ I vừa qua, GD các tỉnh ĐBBB thực hiện đồng thời GD phổ cập và GD chất lượng cao, tiếp tục ổn định, phát triển và hội nhập. Đáng chú ý là trong HK I vừa qua, các tỉnh vùng ĐBBB không có HS tiểu học bỏ học; tỉ lệ HS THCS, THPT bỏ học thấp (HS THCS bỏ học 0,17%; HS THPT bỏ học 0,5%). Cả 8 tỉnh trong vùng đều có tỉ lệ HS bỏ học thấp.
Quy mô, mạng lưới trường lớp các địa phương trong vùng ổn định. Tỉ lệ HS ra lớp cao, kết quả phổ cập GD tiếp tục được củng cố, nhu cầu học tập có chất lượng của con em nhân dân được đáp ứng. Việc xây dựng trường lớp kiên cố được các tỉnh trong vùng triển khai tích cực, đúng mục tiêu.
Hầu hết GV các tỉnh trong vùng đều đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó tỉ lệ trên chuẩn ở mầm non là 32,36%; tiểu học là 71,32%; THCS là 35,86%; THPT (có cả GDTX) là 12,87%. Bắc Ninh có tỉ lệ GV mầm non trên chuẩn cao nhất vùng 71,8%; Ninh Bình có 91,2% GV tiểu học đạt trình độ đào tạo trên chuẩn; GV THCS và THPT của Vĩnh Phúc có tỉ lệ trên chuẩn cao THCS đạt 55,7% và THPT đạt 23,75%.
Tháo gỡ khó khăn thực hiện nhiệm vụ năm học
Tại Hội nghị giao ban, một số lãnh đạo sở GD&ĐT trong vùng 2 đã nêu ý kiến về những vấn đề như: Tổ chức cán bộ, thi tốt nghiệp THPT, về kiểm định chất lượng GD, về phát triển đội ngũ, thi HS giỏi, chế độ khuyến khích HS giỏi quốc gia...
Trao đổi ý kiến, đại diện Sở GD&ĐT Hải Dương có đề xuất liên quan tới Thông tư 35. Theo Sở này, hiện nay hiệu trưởng trường tiểu học, THCS cũng được quyền tuyển viên chức cho đơn vị, nhưng GĐ Sở GD&ĐT không được phân cấp tuyển dụng công chức cho cơ quan sở, điều đó rất bất cập. Cơ quan Sở là cơ quan quản lý chỉ đạo, việc tuyển công chức không thể lấy từ nguồn sinh viên mới ra trường mà phải lấy từ nguồn cán bộ quản lý, GV trong ngành có thành tích xuất sắc, có kinh nghiệm quản lý chỉ đạo để đáp ứng ngay yêu cầu vị trí việc làm. Tuy nhiên, đại đa số cán bộ quản lý, GV giỏi không muốn về công tác tại Sở vì quyền lợi giảm đi rất nhiều (quyền hạn, phụ cấp đứng lớp…). Trong khi đó, cơ chế tuyển rất khó khăn, Sở GD&ĐT Hải Dương đề nghị Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 115 cần có nội dung cụ thể về quản lý, tuyển dụng công chức của cơ quan sở.
Sở GD&ĐT Ninh Bình cho rằng: Nên có những linh hoạt trong kiểm tra trường đạt chuẩn quốc gia, tùy tình hình thực tế để kiểm tra lần lượt từng mức độ (kiểm tra mức độ 1 rồi kiểm tra mức độ 2) hay chỉ kiểm tra luôn ở mức độ 2. Vì thực tế, có nhiều trường đã đạt đến mức độ 2 rồi thì không cần phải kiểm tra xong mức độ 1 rồi mới kiểm tra đến mức độ 2 (dành thời gian, nhân lực để tập trung vào các vấn đề quan trọng khác nhằm nâng cao chất lượng GD).
Trong xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, lãnh đạo Sở GD&ĐT Ninh Bình nêu thực tế dạy kỹ năng sống cho HS ở địa phương đang gặp lúng túng về tài liệu, về kiến thức lựa chọn để dạy kỹ năng sống. Đề nghị Bộ soạn thảo bộ tài liệu thống nhất để GV thuận lợi hơn trong triển khai dạy kỹ năng sống trong nhà trường.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Thái Bình thì cho biết trong triển khai thực hiện Đề án học phí mới, đối với trường công lập thì không gặp khó khăn, nhưng các trường tư thục lại rất khó khăn trong giải quyết miễn giảm học phí cho đối tượng HS có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách.
Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đề nghị Bộ sớm có hướng dẫn về chuẩn nghề nghiệp GV GDTX. Về thi tốt nghiệp THPT, lãnh đạo Sở này cho rằng nếu làm tốt khâu coi thì thì không gặp khó khăn trong chấm thi...
Lãnh đạo, đại diện các cục, vụ, và đơn vị chức năng thuộc Bộ đã có những trả lời trực tiếp một số ý kiến, kiến nghị từ lãnh đạo các sở GD&ĐT trong vùng 2.
Về ý kiến đề nghị Bộ nghiên cứu việc tuyển thẳng HS giỏi quốc gia vào ĐH, lãnh đạo đơn vị chức năng của Bộ cho biết không chỉ ở vùng 2, ở vùng khác cũng có ý kiến về việc này, đơn vị chức năng sẽ tiếp nhận các ý kiến này và nghiên cứu để có những đề xuất với lãnh đạo Bộ. Tuy nhiên, trên thực tế, HS giỏi quốc gia thường được các trường ĐH có các hình thức thu hút tuyển vào học.
Riêng về hình thức chấm chéo bài thi tự luận giữa các địa phương trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD nhấn mạnh: Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ là cố gắng ổn định Quy chế thi tốt nghiệp THPT trong một thời gian (ít nhất là không thay đổi Quy chế trong năm nay và có thể trong cả năm tới), nhằm giúp ổn định công tác tổ chức thi.
Về thanh tra thi tốt nghiệp THPT, thanh tra Bộ cho biết: Đã soạn thảo hướng dẫn thanh tra thi tốt nghiệp THPT, dự kiến có thể công bố trong tháng 4 này. Đề nghị năm nay tăng cường trách nhiệm của thanh tra sở. Đoàn thanh tra Bộ đến các tỉnh sẽ không đi lưu động như những năm trước, năm nay thành viên của đoàn thanh tra của Bộ sẽ “cắm chốt” ít nhất 1 ngày trong 3 hội đồng thi, một đoàn thanh tra như vậy có thể “cắm chốt” được khoảng 30 hội đổng thi. Như vậy hiệu quả thanh tra sẽ cao hơn.
Trước ý kiến, băn khoăn của lãnh đạo một số sở, lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý GD thông tin rằng: Sắp tới Cục sẽ tham mưu với Bộ để hoàn thiện chuẩn đối với cán bộ quản lý GD. Cục cũng sẽ có hướng dẫn GDTX vận dụng chuẩn nghề nghiệp GV theo chuẩn đã ban hành của bậc học tương ứng (chuẩn nghề nghiệp GV THPT).
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ghi nhận và đánh giá cao sự tích cực, sáng tạo, chủ động, của các sở GD&ĐT vùng 2 trong thực hiện nhiệm vụ năm học. Trong vùng, các tỉnh đều chú trọng xây dựng đội ngũ, chú trọng đổi mới quản lý GD, tăng cường thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh kiên cố trường lớp học và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (đây là vùng có tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao nhất cả nước và trường, lớp học được kiên cố hóa thuộc loại cao)... Tuy nhiên, việc chuyển đổi loại hình trường, thực hiện Đề án ngoại ngữ vẫn còn gặp những khó khăn...
Thứ trưởng cho biết sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến, kiến nghị của các sở GD&ĐT, có những vấn đề các vụ, cục, đơn vị chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo Bộ để tiếp tục tháo gỡ.
Thứ trưởng chỉ đạo: Trong thời gian tới, GD các địa phương trong vùng ĐBBB tiếp tục tham mưu để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, cụ thể hóa bằng các chương trình, đề án phù hợp ở địa phương, gắn với các chương trình, đề án của Bộ (như: Đề án ngoại ngữ, chương trình xây dựng trường chuyên, Đề án phổ cập GD mầm non 5 tuổi...). Tiếp tục thực hiện các giải pháp để đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng GD; chú trọng GD đạo đức; đảm bảo an ninh trật tự trong các trường học; thực hiện phổ cập GD tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS và phổ cập GD mầm non 5 tuổi.
Thứ trưởng lưu ý các sở cần chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc, đúng Quy chế; tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, thực hiện theo chuẩn nghề nghiệp GV, chuẩn hiệu trưởng...
Thứ trưởng đề nghị các sở chuẩn bị cho tổng kết kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006- 2010; chuẩn bị rà soát để xây dựng chương trình kiên cố hóa giai đoạn 2012- 2015. Tiếp tục xây dựng trường chuẩn quốc gia để có đều kiện nâng cao chất lượng GD. Triển khai thực hiện định mức học phí mới...
“Trong những tháng sắp tới, ngành GD các địa phương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đã đề ra trong điều kiện thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ, tiết kiệm 10% chi ngân sách”- Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh.
La Giang, Lan Hương