Nỗ lực giải tỏa áp lực cho học sinh khối 9

GD&TĐ - Cuộc đua giành suất vào lớp 10 các trường THPT công lập tại TPHCM chưa bao giờ bớt nóng.

Trường THCS Lương Định Của tổ chức lễ trưởng thành Đội, kết nạp Đoàn cho học sinh tại TP Đà Lạt. Ảnh: Minh Anh
Trường THCS Lương Định Của tổ chức lễ trưởng thành Đội, kết nạp Đoàn cho học sinh tại TP Đà Lạt. Ảnh: Minh Anh

Năm nay, tình hình càng căng thẳng hơn khi “cánh cửa” vào lớp 10 thêm phần chật hẹp, bởi số thí sinh tốt nghiệp THCS tăng.

Nỗ lực giảm áp lực

Hiện, TPHCM có 116 nghìn học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS, tăng hơn 5 nghìn so với năm ngoái. Năm học 2024 - 2025, địa phương này tiếp tục thực hiện phân luồng sau THCS với 70% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lớp 10 THPT công lập thông qua kỳ thi tuyển sinh, 30% còn lại (khoảng 34.800 học sinh) sẽ lựa chọn theo các hướng học khác. Do đó, bước vào học kỳ II, cùng với hoạt động giảng dạy, nhiều trường THCS còn tổ chức các hoạt động giúp học sinh bớt áp lực, học tập hiệu quả.

Tại Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức), năm học 2023 - 2024, có 11 lớp 9, với 440 học sinh. Để giảm áp lực cho học sinh cuối cấp từ đầu năm học nhà trường đã có kế hoạch vừa dạy học vừa ôn tập, dạy tới đâu ôn tới đó, đồng thời củng cố kiến thức liên tục, giúp các em chuẩn bị hành trang tốt cho kì thi chuyển cấp.

Cô Vũ Thị Minh Hiếu - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để giúp học sinh khối 9 bớt căng thẳng trước khi bước vào đợt kiểm tra học kỳ và ôn tập cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10, cuối tháng 3 vừa qua, nhà trường đã tổ chức lễ trưởng thành Đội, kết nạp Đoàn cho học sinh tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cùng nhiều hoạt động trải nghiệm. Chuyến đi thành công, các bậc phụ huynh đồng tình ủng hộ”.

Tại Trường THCS Nguyễn Hiền (Quận 12), bên cạnh việc tăng cường ôn tập kiến thức, nhà trường đã tổ chức thêm nhiều hoạt động bổ ích giúp học sinh giảm căng thẳng, giải tỏa áp lực và nâng cao tinh thần học tập.

Theo Hiệu trưởng Đinh Văn Trịnh, ngoài việc học tập, nhà trường khuyến khích học sinh tham gia các môn thể thao yêu thích như bóng đá, bóng rổ, cầu lông... Cùng đó, trường tổ chức các câu lạc bộ: Âm nhạc, Mĩ thuật, STEM để học sinh tham gia sau giờ học, giúp các em giải trí, thư giãn và phát triển năng khiếu.

“Đặc biệt, nhà trường tổ chức các buổi tư vấn tâm lý giúp học sinh giải quyết lo lắng, băn khoăn về kỳ thi và cuộc sống. Chúng tôi mời cựu học sinh chia sẻ kinh nghiệm học tập và vượt qua kỳ thi để truyền cảm hứng cho các em lớp 9 năm nay”, thầy Trịnh cho hay.

Tại Trường THCS Gò Vấp (quận Gò Vấp), cùng với giảng dạy theo chương trình, bước vào học kỳ II, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, câu lạc bộ, đội nhóm… để học sinh toàn trường tham gia trải nghiệm. Các hoạt động đã góp phần giúp học sinh có những trải nghiệm thú vị, học sinh khối 9 giảm bớt căng thẳng trước khi bước vào giai đoạn nước rút ôn tập cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Thầy Lê Minh Kim Long - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ đầu năm học, Trường THCS Gò Vấp đã phối hợp với các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng nghề cung cấp thông tin về ngành nghề đào tạo đến phụ huynh để giúp học sinh có kênh thông tin trong việc chọn điểm đến sau khi tốt nghiệp THCS. Đó cũng là cách để giảm bớt áp lực đầu vào tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025.

Học sinh các trường THCS tại Quận 1 và 3 tham quan, trải nghiệm tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3). Ảnh: Minh Anh

Học sinh các trường THCS tại Quận 1 và 3 tham quan, trải nghiệm tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3). Ảnh: Minh Anh

Cân bằng học tập và giải trí

TS Tâm lý Bùi Hồng Quân (Trường Đại học Sư phạm TPHCM) nhận định, tại TPHCM, giai đoạn học sinh tốt nghiệp THCS rất quan trọng đối với học sinh và các bậc cha mẹ. Tốt nghiệp lớp 9, các em có nhiều hướng đi khác nhau nhưng đa phần hướng đến các trường công lập, chính vì vậy áp lực, căng thẳng trong giai đoạn này là điều khó tránh.

Theo TS Bùi Hồng Quân, để học sinh có tâm thế và tinh thần tốt, ôn thi hiệu quả, trước tiên các bậc phụ huynh cần quan tâm đến sức khỏe, thể chất của con, tổ chức sinh hoạt cho con phù hợp. Ngoài ra, cha mẹ có thể đồng hành cùng với con trong việc trao đổi, chia sẻ về các mục tiêu, định hướng sau giai đoạn lớp 9.

“Học sinh có nhiều hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS và chắc chắn thi đậu vào một ngôi trường công lập tốp đầu là điều rất đáng để các em nỗ lực. Vì vậy, cha mẹ cần thấu hiểu và chia sẻ với con để có thể xoa dịu bớt những áp lực, căng thẳng. Thay vì đặt áp lực thì cha mẹ hãy động viên để con có tinh thần thoải mái, từ đó cố gắng tốt nhất trong khả năng bản thân”, TS Bùi Hồng Quân nhấn mạnh.

Cũng theo TS Bùi Hồng Quân, học sinh khối 9 cần chuẩn bị cho mình một kế hoạch học tập thật tốt, chủ động sắp xếp thời gian học tập, nghỉ ngơi hợp lý. Sự kết nối với gia đình, bạn bè hay các hoạt động giải trí cũng tạo nên sự cân bằng ở giai đoạn này.

Các em cần chuẩn bị những phương án, kế hoạch và mục tiêu cụ thể. Nếu mục tiêu 1 không đạt được thì chúng ta chuẩn bị trước tâm thế ở hướng đi khác. Mỗi học sinh cần hiểu rõ năng lực cũng như động lực của mình để lựa chọn một phương án và mục tiêu phù hợp. Nếu mục tiêu quá cao so với thời điểm hiện tại thì các em khó có thể đạt được, nếu quá thấp thì đó là sự lãng phí nguồn lực.

“Sau khi hiểu và đánh giá rõ năng lực, học sinh phải đặt ra mục tiêu phù hợp trên cơ sở tham khảo ý kiến của thầy, cô giáo, các thông tin liên quan đến trường THPT dự kiến thi vào để đưa ra quyết định cuối cùng. Chắc chắn giai đoạn này sẽ có những căng thẳng khó tránh.

Tuy nhiên, nếu có sự hài hòa giữa các hoạt động, nhận được sự đồng hành của cha mẹ, thầy cô và hiểu rõ bản thân, thì những áp lực căng thẳng nếu có sẽ trở thành động lực để các em đạt được mục tiêu”, TS Bùi Hồng Quân cho hay.

“Thực tế công tác tuyển sinh bao giờ cũng gây áp lực cho học sinh. Do đó, nhà trường và gia đình đã chung tay hỗ trợ, tạo điều kiện cho các em giảm bớt căng thẳng. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ thông tin, các em cần chủ động tìm hiểu thông tin, nắm được mục đích trường dự tuyển để có kế hoạch học tập hiệu quả, tránh đi theo tâm lý đám đông”, thầy Lê Minh Kim Long cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ