Nhiều trường, lớp được nâng cấp, đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu học tập của học sinh dân tộc |
(GD&TĐ) - Lào Cai là một tỉnh miền núi có xuất phát điểm thấp, nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 30%. Đặc biệt, toàn tỉnh có tới 25 dân tộc với trình độ dân trí không đồng đều. Ở các khu vực vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế. Để cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, Lào Cai đã và đang phát triển nguồn nhân lực bắt đầu từ giáo dục.
Còn nhiều khó khăn
Theo Sở GD&ĐT Lào Cai, tính đến nay toàn tỉnh hiện có 114.546 học sinh là người dân tộc thiểu số, trong đó bậc Mầm non có 24.323 HS; Tiểu học 48.881 HS, THCS có 31.074 HS, THPT có 8.212 và GDTX có 2.126 HS.
Phát triển giáo dục dân tộc tại Lào Cai đang có những điều kiện thuận lợi nhất định. Trước hết, Sở GD&ĐT luôn tích cực tham mưu cho UBND tỉnh có những chính sách đặc thù để phát triển giáo dục vùng dân tộc; tập trung chỉ đạo các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc;
Mặt khác, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, các chương trình, dự án đã cải thiện nâng cấp cơ sở vật chất, trường lớp học đáp ứng yêu cầu cơ bản, tối thiểu (đủ trường, phòng học) cho nhu cầu học tập của con em các dân tộc Lào Cai. Và điều đáng mừng khác chính là truyền thống hiếu học, của đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai.
Tuy nhiên, đến nay giáo dục dân tộc Lào Cai vẫn tồn tại và đối diện với nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển.
Tuy đã có sự phát triển nhanh trong những năm gần đây, song Lào Cai vẫn là một tỉnh nghèo, xuất phát điểm thấp. Có 6/9 huyện, thành phố thuộc diện nghèo, 98 xã đặc biệt khó khăn và gần 40% hộ gia đình thuộc diện nghèo và cận nghèo song lại chủ yếu tập trung ở các xã khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể nói, đây là điều kiện khó khăn nhất cho giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc.
Không những thế, nói tới Lào Cai phải nói tới sự khắc nghiệt của thời tiết và dân cư phân tán, địa hình chia cắt, đường sá đi lại khó khăn.
Điều này cũng gây ra những cản trở không nhỏ đến việc học tập của học sinh dân tộc. Bên cạnh đó, vì lạc hậu nên vẫn tồn tại một bộ phận người dân tộc chưa quan tâm đến việc học của con em. Cùng đó, còn nhiều hủ tục lạc hậu của đồng bào dân tộc cũng trở thành rào cản cho giáo dục dân tộc phát triển.
Một hạn chế khác cũng đang được ngành Giáo dục Lào Cai hết sức trăn trở và tìm cách tháo gỡ về cơ sở vật chất và trình độ đội ngũ. Cơ sở vật chất trường lớp hiện nay mới đáp ứng được yêu cầu tối thiểu nên cũng gây ra những khó khăn nhất định trong việc nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc.
Đội ngũ giáo viên ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đa số còn trẻ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế. Sự am hiểu về phong tục tập quán, tiếng địa phương của đội ngũ giáo viên chưa cao nên cũng trở thành rào cản trong việc nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc...
Học sinh dân tộc được quan tâm từ lớp mầm non |
Bằng mọi cách đưa học sinh dân tộc tới trường
Nhìn nhận rõ những khó khăn, hạn chế trong giáo dục dân tộc nên trong những năm qua và vài năm trở lại đây, tỉnh và ngành giáo dục Lào cai đang tích cực tháo gỡ bằng nhiều giải pháp. Và một trong những giải pháp hiệu quả mà Lào Cai đã tìm ra đó là khuyến khích học sinh dân tộc tới trường bằng những chính sách đãi ngộ.
Được biết, đến nay ngành GD&ĐT Lào Cai đã chủ động triển khai có hiệu quả các chính sách dành cho giáo dục dân tộc do Chính phủ ban hành. Việc thực hiện tốt các chính sách này đã có tác động mạnh đến việc huy động trẻ em, học sinh đến trường, tăng tỉ lệ chuyên cần, giảm số học sinh bỏ học; đồng thời hỗ trợ cho học sinh ở vùng cao, học sinh con hộ nghèo giảm bớt khó khăn có điều kiện để học tập tốt hơn.
Đến nay học sinh cơ bản đã có đủ sách vở, bút, đồ dùng học tập. Trong năm học vừa qua đã có tới 22.082 học sinh phổ thông được hưởng chế độ nội trú, bán trú, hỗ trợ, chiếm 17,41% tổng số học sinh; 11.732 trẻ mẫu giáo 5 tuổi được hỗ trợ ăn trưa chiếm 81,84% tổng số trẻ 5 tuổi.
Ngoài các chính sách của Chính phủ, tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định quy định chính sách hỗ trợ học sinh bán trú (tiểu học, THCS) thuộc các xã khu vực II, học sinh THPT xã khu vực II và III; hỗ trợ giáo viên quản lý học sinh bán trú; cấp dưỡng có học sinh THPT ở nội trú tại các trường PTDTNT huyện trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Đặc biệt, đến nay tỉnh Lào Cai đã thực hiện tốt chế độ ưu tiên trong xét tuyển học sinh là người DTTS chưa có hoặc ít người đi học đại học, cao đẳng như: Thu Lao, La Chí, Mường, Lào, Khơ Mú, Bố Y, Xa Phó, Pa Rí; ưu tiên những xã vùng cao, đặc biệt khó khăn chưa có hoặc ít học sinh đi học tại các trường đại học, cao đẳng.
Ưu tiên những học sinh dân tộc ít người học tại trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, THPT Dân tộc nội trú vùng cao Việt Bắc, THPT Dân tộc Nội trú trong trường ĐH Lâm nghiệp, Bổ túc Văn hóa Hữu nghị... Đáng mừng, phần lớn sinh viên, học sinh cử tuyển tốt nghiệp ra trường trở về địa phương đều được tỉnh bố trí công tác theo đúng nguyện vọng, chuyên ngành đào tạo.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Lào Cai, với những nỗ lực này mà từ năm 2007 đến 2012, toàn tỉnh đã có 188 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp theo chế độ cử tuyển trở về địa phương. Số sinh viên tốt nghiệp được bố trí công tác là 144 người (đạt tỉ lệ 76%).
Số học sinh, sinh viên hệ cử tuyển ra trường hàng năm đã góp phần tăng tỷ lệ cán bộ là cán bộ người dân tộc, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng cán bộ công chức là người dân tộc thiểu số trong các sở, ban, ngành của tỉnh.
Từ đó cũng khắc phục có hiệu quả tình trạng thiếu cán bộ tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Lào Cai đã triển khai thực hiện tốt nhiều chính sách để thúc đẩy giáo dục đối với học sinh dân tộc như: Chính sách dành cho học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú thuộc các xã có điều kiện KT – XH đặc biệt khó khăn; Chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em năm tuổi; Chính sách học sinh trường phổ thông DTNT theo Quyết định số 152/2007/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách hỗ trợ học sinh tại trường THPT nhưng ăn ở tại trường PTDTNT huyện... |
Anh Linh