Nỗ lực của từng người chính là xây dựng lòng tin

GD&TĐ - Đây là ý nói của GS Ngô Bảo Châu trong phiên bế mạc Hội thảo cải cách giáo dục đại học Việt Nam do nhóm Đối thoại giáo dục phối hợp với Lãnh sự quán Hoa Kỳ tổ chức ngày 31/7 – 1/8. Tại sao GS Ngô Bảo Châu nói vậy?

GS Ngô Bảo Châu phát biểu tại Hội thảo
GS Ngô Bảo Châu phát biểu tại Hội thảo

1. Vị GS đoạt giải Fields về Toán học – người tâm huyết dồn trí để giáo dục Việt Nam ngày thêm phát triển – khúc chiết nói: “Đất nước Việt Nam chúng ta - đã có rất nhiều người nói mà tôi cũng rất tâm đắc - cái thiếu nhất chính là lòng tin.

Cuộc đối thoại xuất phát từ thiện chí, hướng đến chủ đề chuyên môn cụ thể, nhưng sản phẩm của cuộc đối thoại không chỉ hướng đến những kết luận, đề xuất mà còn có một sản phẩm phụ, chính là lòng tin mà chúng ta cần phải cùng nhau xây dựng và duy trì.

Khi nghĩ đến việc đó, quả thật tôi rất thất vọng khi đọc được những bài báo đăng ngày hôm qua (31/7). Tôi và những người tổ chức cuộc hội thảo này không có chức năng để kiểm soát báo chí. Nhưng tôi cho rằng thiên chức của nhà báo là phản ánh trung thực, đúng sự thật, chứ không phải cố gắng viết như thế nào để bán được nhiều báo nhất.

Khi đọc title của những bài báo ra ngày hôm nay (1/8), nếu tôi không phải là người tham gia hội thảo, thì tôi suy nghĩ rằng đây không phải đối thoại giáo dục mà là đấu tố giáo dục!”.

2. GS Ngô Bảo Châu phải dành thời gian để nói một chuyện bên lề về báo chí trong một hội thảo về Giáo dục, bởi những gì ông phát biểu, những phân tích, ý tưởng mong mỏi có một nền GDĐH Việt Nam sánh ngang GD ĐH các nước tiên tiến trên thế giới trong ngày khai mạc Hội thảo trước đó đã bị giật title “nóng” với chỉ một màu xám, một sự xuống dốc thê thảm của cả hệ thống GDĐH nước nhà.

Khuất lấp trong tầng tầng lớp lớp của hiện thực phê phán đó, le lói đôi chút những hướng đi, những đề xuất của vị GS yêu nước, thấu hiểu những khó khăn mà GD ĐH Việt Nam đang phải đối mặt cùng bao con người tâm huyết tham gia Hội thảo.

Không chỉ với giáo dục, với vấn đề nào cũng vậy, nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém, dũng cảm nêu lên những thiếu sót… là việc làm đúng đắn, cần thiết, nhưng mục đích cuối cùng không phải để cầm dao khoét thịt cho cơ thể thêm quằn quại, đau đớn, mà chính là bắt mạch tìm bệnh, kê toa chữa trị cho hiệu quả. 

Một Hội thảo quý báu quy tụ bao nhiêu chất xám, trí tuệ của con người Việt Nam trên toàn thế giới sẽ có sức lan tỏa sâu rộng, như một lực đẩy, như một bàn tròn đối thoại chân thành, cởi mở, cầu thị… với các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục, đội ngũ trên 1.2 triệu giáo viên, giảng viên, hơn 21 triệu học sinh, sinh viên - nếu những trái tim hướng đến Hội thảo cùng chung nhịp đập của tinh thần trách nhiệm, của niềm tin.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga trân trọng cám ơn GS Ngô Bảo Châu và nhóm đối thoại đã tổ chức hội thảo rất có ý nghĩa này. Vị lãnh đạo ngành Giáo dục nhận định: Tuy mỗi người nhìn nhận GD ĐH dưới những góc cạnh khác nhau dẫn đến những đánh giá nhận xét khác nhau nhưng tất cả đều thể hiện tinh thần trách nhiệm và thiện chí, mong muốn góp phần mình vào sự nghiệp đổi mới.

Có thể có những ý kiến chưa được mọi người đồng tình, những phát biểu chưa phù hợp với thực tế do diễn giả chưa được cập thông tin về cơ chế, chính sách mới mà Bộ GD&ĐT ban hành, nhưng đây là hội thảo, mọi người nêu quan điểm cá nhân của mình để trao đổi, thảo luận không phải chỉ hôm nay mà tiếp tục trong tương lai để thống nhất đánh giá những khó khăn vướng mắc để cùng nhau tìm kiếm giải pháp tháo gỡ hiệu quả.

Ví dụ vấn đề tự chủ của các nhà trường chậm được thực hiện là do cơ chế chính sách hay do chính các nhà trường? Nhiều diễn giả ở hội thảo này phê phán cơ chế nhưng có một diễn giả đã nói lên đúng thực trạng, đó là do chính lãnh đạo các nhà trường còn dè dặt, chưa dám chịu trách nhiệm nên chưa muốn thực thi quyền tự chủ mà pháp luật đã cho phép.

Trong y tế khi bắt đúng bệnh, ta mới có thuốc chữa hiệu quả được. Trong công cuộc đổi mới GDĐH ta cần xác định đúng nguyên nhân để tìm ra giải pháp – Thứ trưởng Bùi Văn Ga tâm huyết chia sẻ.

3. "Đấu tố" giáo dục, cái lợi trước mắt là bán báo, câu view, cái hại lại hằn sâu vỏ não. Chính những người trong cuộc: Giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên, rồi cả nhà quản lý, phụ huynh… sẽ mất đi niềm tin vào chính mình. Mất niềm tin thì mất tất cả.

“Mọi người cần nhận thức rằng rõ ràng sự nỗ lực của từng người chính là xây dựng đất nước, xây dựng lòng tin để cùng nhau làm việc, từ những việc, những chính sách về giáo dục cho đến công nghệ và phát triển. Cái khó nhất và vướng nhất vẫn là xây dựng lòng tin” – Giáo sư Ngô Bảo Châu chân thành trao đổi.

Với sự cố gắng của toàn ngành, sự quyết liệt chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, kể từ khi Luật Giáo dục ĐH ra đời, GD ĐH Việt Nam đã có những đổi mới tích cực, dù kết quả còn chưa nhiều, nhưng cũng rất đáng khích lệ. 

Có lẽ, thông điệp về xây dựng lòng tin mang ý nghĩa xuyên suốt Hội thảo đối thoại giáo dục lần này sẽ còn được tiếp tục, đồng hành trên con đường đổi mới rộng dài phía trước của giáo dục ĐH nói riêng, GD - ĐT Việt Nam nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ