Thưa PGS.TS Phan Thanh Bình, vừa qua nhiều báo đưa tin, bài về Hội thảo về Đối thoại giáo dục 2014 diễn ra tại TPHCM với những tít, tựa rất "kêu" và không mấy sáng sủa cho nền GD nước nhà, như: ""Giáo dục Đại học VN đang đi giật lùi", "GDĐH VN đang tụt hậu"…, là người cùng tham gia tại hội thảo PGS thấy thế nào?
- Theo tôi, Hội thảo về Đối thoại giáo dục 2014 do GS Ngô Bảo Châu chủ trì là một Hội thảo tích cực, khách quan và thẳng thắn. Tuy nhiên, một số báo phản ánh chưa thật sự đúng tinh thần của Hội thảo và chưa phản ánh được hết các ý tưởng của các diễn giả cũng như đại biểu.
Tất cả chúng ta đều kỳ vọng rất nhiều đối với nền giáo dục đại học trong nước, tuy nhiên nếu đánh giá nền GD nước nhà đang đi giật lùi, đang tụt hậu thì tôi nghĩ chưa đúng thực tế, chưa phản ánh chất lượng GD đại học và cũng như tinh thần của các đại biểu trong hội thảo.
Trong Hội thảo tôi đã có nói rằng những khó khăn, những điểm yếu của ta theo tôi là tất yếu của quá trình phát triển, khẳng định của nền GD nước nhà.
Và những điều chúng ta đang đặt ra là cái chúng ta cần giải quyết trong quá trình đi lên của nền GD nước nhà. Nhận thức ngày càng phát triển.
Tính từ lúc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đến nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, chúng không thể phủ nhận sự phát triển, cũng như những đóng góp của GD nói chung và GDĐH nói riêng. Theo PGS thì nền GD của chúng ta đang ở trong bối cảnh như thế nào với các nước trong khu vực Đông Nam Á?
- Tất cả chúng ta đều đánh giá những thành quả rất to lớn của GD nói chung và GDĐH nói riêng từ ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay.
Những thành tựu này góp phần trực tiếp vào quá trình giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như quá trình đổi mới của đất nước ta ngày nay.
Sự nghiệp giáo dục đã đào tạo nên hàng loạt cán bộ lãnh đạo xuất sắc cho đất nước, các nhà khoa học có tầm cỡ thế giới đã góp phần làm rạng danh cho nền giáo dục nước nhà.
Tất cả những gì chúng ta có ngày hôm nay không thể tách rời với sự nghiệp GD nước nhà.
Tuy nhiên trong quá trình phát triển hiện nay của đất nước, đứng trước giai đoạn toàn cầu hóa và cạnh tranh quyết liệt trong hội nhập quốc tế, thì rõ ràng chúng ta còn nhiều điểu cần phải phấn đấu, đó là những thách thức của quá trình đi lên, phát triển và hội nhập. Và đó cũng là những khó khăn, thách thức với tất cả các nước, với tất cả các nền giáo dục trên thế giới.
Đối với các nước trong khu vực, hiện nay đang chuẩn bị để hình thành cộng đồng các nước Đông Nam Á, đặc biệt là cộng đồng kinh tế (AEC) vào cuối năm 2015 thì những thách thức càng lớn hơn.
Một trong những quan tâm của các nước trong khu vực là rút ngắn khoảng cách trong giáo dục ĐH của các nước ASEAN và có đủ sức cạnh tranh, hội nhập với các nển giáo dục của các nước phát triển trên thế giới. Từ đó, Việt Nam cũng như các nước bạn đang có những chiến lược và đầu tư lớn để đổi mới giáo dục ĐH nước nhà.
Ở nước ta Đảng đã có Nghị quyết 29 về Đổi mới căn, toàn diện giáo dục và đào tạo phục vụ quá trình hiện đại hóa và hội nhập thế giới.
Từ đó, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chương trình hành động cụ thể. Đây là những tiền đề rất quan trọng để phát triển GD nước nhà một cách mạnh mẽ.
Trong bối cảnh đó, có thể nói Việt Nam cùng các nước trong khu vực đang có những cố gắng và những phát triển thực tế trong GD nói chung và GDĐH nói riêng.
Và từ đó, ta nhìn thấy, Việt Nam đang có những bức phá vươn lên xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, tham gia một cách bình đẳng với các nền giáo dục các nước trong khu vực.
Là người công tác nhiều năm trong Ngành và giữ cương vị quan trọng là Giám đốc ĐHQG TPHCM, ông thu hoạch được gì từ Hội thảo về Đối thoại giáo dục 2014 diễn tại TPHCM vừa qua?
- Giáo dục là sản phẩm của xã hội, không thể tách rời với thực trạng kinh tế, xã hội. Giáo dục cũng là một quá trình, quá trình nhận thức và quá trình xây dựng.
Để làm tốt quá trình phát triển giáo dục, cần phải lắng nghe và tạo dựng lòng tin với nhau. Theo tôi ở tất cả các đối tượng: quản lý nhà nước, người làm giáo dục và người dân, người đi học đều cần có lòng tin. Đó là lòng tin của xã hội.
Hội thảo là dịp để lắng nghe các ý kiến, trao đổi thẳng thắn những suy nghĩ về nền giáo dục ĐH của chúng ta, từ một góc nhìn khác, từ những suy nghĩ khác nhau, từ đó sẽ hiểu nhau hơn và mong rằng sẽ rút ra những cái cần cho công việc xây dựng và phát triển giáo dục nước nhà trong giai đoạn mới. Giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế với bao nhiêu thách thức, khó khăn.
Lắng nghe quý biết bao. Nhưng cần chia sẻ và thấu hiểu lẫn nhau.
Giáo dục cần tấm lòng. Cần lòng tin.
Xin cám ơn PGS!