Nợ công chưa gây sức ép cho ngân sách nhà nước

Nợ công chưa gây sức ép cho ngân sách nhà nước

(GD&TD)-Đó là khẳng định của lãnh đạo Bộ Tài chính tại  Hội thảo quốc tế về quản lý nợ công và nợ nước ngoài quốc gia được Bộ Tài chính đã phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) và Diễn đàn Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) tổ chức ngày 17/10, tại Hà Nội.

Theo
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) khẳng định: Nhà nước không bao cấp, không trả nợ thay cho DNNN, vì thế các khoản nợ tự vay tự trả của DNNN không tính vào nợ công

Mục tiêu của hội thảo là nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và bài học về quản lý nợ tiên tiến từ các tổ chức tài chính quốc tế và các cơ quan quản lý nợ nước ngoài, đồng thời cũng đưa ra những góp ý nhận xét về tình hình nợ công và việc thực hiện công tác quản lý nợ của Việt Nam, những kết quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại, thách thức và giải pháp quản lý nợ bền vững của Việt Nam.

Hiện, cơ cấu nợ công của Việt Nam như sau: nợ chính phủ chiếm 80%, nợ chính phủ bảo lãnh doanh nghiệp chiếm 19%, và nợ của chính quyền địa phương chiếm 1% còn lại.

So với tổng sản phẩm nội địa (GDP), nợ công tương đương với 57,3%, nợ chính phủ tương đương 45%, nợ chính phủ bảo lãnh 13%, và nợ của chính quyền địa phương 3% tính đến cuối năm 2010.

Theo ông Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), hiện nay, Việt Nam định hướng quản lý nợ bằng điều hành kinh tế vĩ mô hiệu quả, tăng thu ngân sách, xuất khẩu và dự trữ ngoại hối, tiếp tục tăng cường giám sát hiệu quả sử dụng vốn vay và công tác quản lý rủi ro.

Các giải pháp cụ thể được đặt ra là tiếp tục hoàn thiện các công cụ quản lý nợ, xây dựng danh mục dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, vay lại vốn vay nước ngoài và bảo lãnh, đảm bảo an toàn bền vững nợ thông qua việc xây dựng ngưỡng an toàn và hạn mức vay phù hợp…

Đối với Việt Nam, Luật Quản lý nợ công năm 2009 quy định nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương.

Mục tiêu quản lý nợ công của Việt Nam tương đối rõ ràng, nếu một số nước trên thế giới vay cho chi tiêu thường xuyên, vay cho bộ máy hành chính thì ở Việt Nam vay nợ là để đầu tư phát triển.

Theo Bộ Tài chính đánh giá, các chỉ số nợ này đều đang ở mức an toàn và nợ công đang được quản lý chặt chẽ theo quy định của Luật Quản lý nợ công, các khoản nợ trong nước và nước ngoài đều được thanh toán đầy đủ, không có nợ xấu. Đồng thời các khoản vay phần lớn đều là vay dài hạn, với lãi suất ưu đãi, hiện tại nợ công chưa gây sức ép cho ngân sách nhà nước về nghĩa vụ trả nợ đến hạn.

Để đánh giá tính bền vững của nợ công, tiêu chí tỷ lệ nợ công/GDP được coi là chỉ số đánh giá phổ biến nhất cho cái nhìn tổng quát về tình hình nợ công của một quốc gia, đánh giá mức an toàn của nợ công.

Theo các chuyên gia kinh tế thì để xác định, đánh giá đúng đắn mức độ an toàn của nợ công, không thể chỉ quan tâm đến tỷ lệ nợ trên GDP mà cần phải xem xét nợ công một cách toàn diện trong mối liên hệ với hệ thống các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nền kinh tế quốc dân.

Bên cạnh đó, những tiêu chí như cơ cấu nợ công, tỷ trọng các loại nợ, cơ cấu lãi suất, thời gian trả nợ… cũng cần được phân tích kỹ lưỡng khi đánh giá tính bền vững nợ công.

Tại hội thảo, đại diện WB và một số tổ chức quốc tế khác cho rằng, nợ của DNNN cần được tính vào nợ công, như thông lệ quốc tế. Nhưng, ông Đô lý giải rằng DNNN hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và do vậy doanh nghiệp này cũng phải bình đẳng và phải tự chịu trách nhiệm vốn vay.

Theo ông Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), ở Việt Nam, hiện nay chưa có một quy định nào về tỷ lệ nợ công so với GDP là chỉ số an toàn bởi vì khái niệm nợ công ở Việt Nam mới được sử dụng sau khi có Luật Quản lý nợ công năm 2009.

Việt Nam mới chỉ có giới hạn về nợ nước ngoài/GDP, nợ chính phủ/GDP và cả 2 giới hạn này được Chính phủ giới hạn 50%/GDP, hiện cả hai chỉ số này vẫn ở mức an toàn.

Ông Nguyễn Thành Đô: Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đã trao đổi với báo chí xung quanh những vấn đề nêu trong Hội thảo:

Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại Nguyễn Thành Đô - Ảnh: Anh Quân
Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại Nguyễn Thành Đô - Ảnh: Anh Quân

Ở tầm vĩ mô chúng tôi cho rằng theo hệ số chỉ số giám sát nợ mà chúng tôi tính toán và theo đánh giá cả các tổ chức quốc tế như WB, IMF… đều cho rằng hiện nay nợ Việt Nam vẫn ở ngưỡng an toàn và thực tế thì hiện chúng ta chưa gặp khó khăn nhiều trong vấn đề thực hiện các nghĩa vụ trả nợ.

Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ chỉ có 3,4% so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong khi đó tại một số nước phải trên 20% thì mới gặp khó khăn. Tổng thể đứng ở tầm vĩ mô thì trả nợ của Việt Nam trong thời gian tới chưa có gì đáng phải lo lắng. Thời gian qua chúng ta chủ yếu là vay ODA, với thời gian dài và lãi suất thấp trung bình dưới 2%.

Tuy nhiên, thời gian tới sẽ có khó khăn hơn, khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình và chúng ta phải đi vay với mức kém ưu đãi hơn nhiều sẽ phải chịu chi phí nhiều hơn, đấy là áp lực đặc biệt khi chúng ta đang thực hiện nhiều dự án lớn như Metro ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, hệ thống đường cao tốc … Điều này sẽ là áp lực trong vòng 10 năm tới.

Hải Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.