Nigeria: Mô hình đào tạo mới trong các trường đại học ứng phó Covid-19

GD&TĐ - Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn tới các cơ sở giáo dục đại học tại Nigeria, nhưng theo đánh giá của chuyên gia, các trường đã phát triển hệ thống học từ xa sẽ đứng vững trong tương lai.

Trường Đại học Obafemi Awolowo, Nigeria.
Trường Đại học Obafemi Awolowo, Nigeria.

Trường Đại học Obafemi Awolowo (OAU), nằm tại thành phố Ife, đã thành lập Trung tâm Đào tạo từ xa từ năm 2002 để đáp ứng việc học tập trong những giai đoạn khủng hoảng của đất nước.

Tiến sĩ Akinsomisoye Stephen, khoa Khoa học Sinh lý cho biết các bài giảng được tải lên trực tuyến. Giảng viên, sinh viên làm việc qua Internet và sinh viên làm bài kiểm tra online. Trước Covid-19, sinh viên sử dụng hệ thống trực tuyến để trao đổi với giảng viên khi không ở trong trường, thường từ một đến hai tuần.

Tuy nhiên, sau khi Covid-19 xuất hiện, OAU đã chuyển hoàn toàn sang hình thức học trực tuyến, lấy trọng tâm là đào tạo từ xa. Việc đưa chương trình học truyền thống lên Internet là thách thức nhưng Trung tâm Đào tạo từ xa tại OAU đã giúp việc chuyển tiếp hiệu quả và mở rộng.

“Điều kiện học online rất dễ dàng, chỉ cần sinh viên có điện thoại đầy pin, kết nối Internet, giảng viên sẽ hướng dẫn các em vào tải video bài giảng, ngồi học ở nhà. Nếu có vấn đề, các em có thể truy cập vào hệ thống trực tuyến để đặt câu hỏi. Giảng viên online sẽ trả lời câu hỏi và giao bài tập cho từng sinh viên”, Tiến sĩ Stephen cho biết.

Trong các kỳ thi trực tuyến, sinh viên trả lời những câu hỏi có sẵn trong khoảng thời gian nhất định. Trường không khuyến khích sinh viên gian lận vì khi hết thời gian làm bài, các em không thể tiếp tục truy cập. Những sinh viên sống tại khu vực đường truyền Internet yếu được khuyến khích chuyển đến khu vực có mạng lưới phủ sóng tốt hơn.

Trong trường hợp máy tính bị treo khi sinh viên làm bài thi, nhà trường có thể nhận thấy từ việc câu trả lời bị cắt ngắn hoặc biến mất. Khi đó, giảng viên sẽ liên lạc với sinh viên để xác minh sự việc và sắp xếp bài kiểm tra khác cho các em. Lần thứ hai, sinh viên được yêu cầu chuyển đến khu vực có đường truyền tốt hơn. Trung tâm đào tạo từ xa cũng cung cấp cho sinh viên máy tính bảng, trong đó có nhiều bài giảng được cài sẵn nên sinh viên chỉ cần cập nhật những bài mới.

Giờ đây, các trường đại học khác tại Nigeria cũng xây dựng hệ thống đào tạo online không chỉ để đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai mà còn mở rộng khả năng tiếp cận tài liệu giảng dạy, liên lạc với giảng viên. Trước Covid-19, một số giảng viên tại Trường Đại học Bang Lagos (LASU) đã liên lạc với sinh viên qua Internet nên đến đại dịch, họ cố gắng tận dụng điều này.

Kết quả năm 2020, các chương trình đào tạo về truyền thông của LASU được triển khai theo lịch trình. Các khóa học Vật lý của LASU đã bắt đầu lạ từ tháng 9, khi trường học tái mở cửa. Trường đang tìm cách mở rộng đào tạo kỹ thuật số trong tương lai.

Nhiều trường đại học tư thục ở Nigeria không có trung tâm đào tạo từ xa nhưng họ có hệ thống ra quyết định nhanh, cho phép chuyển đổi và phát triển học trực tuyến khi đại dịch xảy ra. Giáo sư Solomon Adebola, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Adeleke, học viện tư nhân nằm ở thành phố Ede, bang Osun, cho biết: “Khi đại dịch bắt đầu vào tháng 3, chúng tôi bắt tay ngay vào giáo dục trực tuyến. Sau khi giảng dạy trực tuyến, các kỳ thi cũng tiến hành trực tuyến”.

Nếu sinh viên gặp vấn đề trong kỳ thi trực tuyến, khoa Công nghệ Thông tin của trường sẽ đánh giá bài thi và bố trí cho sinh viên làm bài kiểm tra khác. Adeleke cũng là trường đại học đầu tiên ở Nigeria tổ chức lễ tốt nghiệp trực tuyến cho sinh viên năm cuối vào tháng 7/2020. Các diễn giả đã phát biểu khai mạc chương trình từ nhiều nơi trên thế giới. Tên và hồ sơ của sinh viên được xướng lên trong buổi lễ tốt nghiệp.

Giáo sư Adebola cho biết: “Sau Covid-19, Trường Đại học Adeleke sẽ chuyển sang mô hình trực tuyến nhiều hơn. Trong vài năm tới, một số sinh viên có thể không cần đến trường”.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.