Sau đợt kiểm tra, Sở GD&ĐT đã đánh giá những kết quả đạt được và yêu cầu các đơn vị tiếp tục tổ chức, thực hiện các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn.
Những nội dung này được nêu cụ thể trong văn bản số 1155/SGDĐT-GDTrH của Sở GD&ĐT do ông Đinh Trung Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT ký ban hành ngày 22/11/2016.
Trong đó, Sở GD&ĐT Lai Châu nhấn mạnh việc thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp nâng cao chất lượng vùng đặc biệt khó khăn, trong đó ưu tiên tập trung thực hiện các nội dung cần khắc phục ngay trong năm học.
Mầm non: Tiếp tục thực hiện khắc phục lỗi phát âm tiếng Việt
Đối với các trường mầm non, Sở GD&ĐT yêu cầu bổ sung, hoàn thiện kế hoạch năm học và kế hoạch chuyên môn. Gắn thi đua khen thưởng với yêu cầu giáo viên phát âm đúng và tiếp tục thực hiện chuyên đề “Khắc phục lỗi phát âm tiếng Việt”.
Tiếp tục đổi mới nội dung sinh hoạt chuyên môn (trao đổi thảo luận nội dung, kiến thức, phương pháp dạy trẻ theo đối tượng và tổ chức các tiết dạy chuyên đề cho giáo viên tham khảo, bồi dưỡng năng lực xây dựng thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với trẻ).
Duy trì biện pháp ôn tập cho giáo viên chưa đạt yêu cầu. Tiếp tục phối hợp tốt giữa gia đình với nhà trường chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng và thực hiện chuyên đề giáo dục phát triển vận động. Chú trọng tổ chức các hoạt động vui chơi, trải nghiệm, khám phá và hoạt động tập thể để rèn tính tích cực, mạnh dạn, tự tin cho trẻ.
Tiểu học: Tập trung nâng cao chất lượng HS chưa hoàn thành chương trình lớp học
Với các trường tiểu học, Sở GD&ĐT yêu cầu nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học, trong đó thể hiện rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, tập trung nâng cao chất lượng học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học. Tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương thực hiện việc huy động học sinh ra lớp.
Sắp xếp lớp học phù hợp theo năng lực học tập của học sinh và đặc điểm của nhà trường, giao chỉ tiêu chất lượng cần đạt cụ thể từng tháng cho mỗi lớp học, tăng cường rèn luyện các kỹ năng: trả lời, âm lượng khi phát âm... và ý thức tự giác học tập, giữ gìn đồ dùng học tập. Tổ chức các hoạt động giao lưu cho học sinh để nâng cao các phong trào thi đua.
Tăng cường công tác kiểm tra, giúp đỡ giáo viên đảm bảo hiệu quả, phê duyệt nội dung bài học và thực hành giảng dạy trên lớp của giáo viên.
THCS: Xây dựng phân phối chương trình ưu tiên tăng thời lượng thực hành
Trường THCS, Sở GD&ĐT yêu cầu nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học, trong đó tập trung nâng cao chất lượng lớp 6 và 9, chú trọng nâng cao chất lượng các môn Toán, Văn, Sử, Tiếng Anh đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ.
Kế hoạch tuần, tháng phải đảm bảo cụ thể, phân công, phân nhiệm “rõ người, rõ việc, rõ thời gian thực hiện”. Biên chế lại thời gian năm học đối với lớp 9, ưu tiên việc đảm bảo thời gian cần thiết cho ôn tập, thi học kì I, học kì II và cuối năm. Nghiên cứu chuyển đổi hình thức dạy học từ 1 buổi/ngày sang 2 buổi/ngày.
Xây dựng lại các quy định - quy chế: Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; thi đua khen thưởng kỉ luật; tổ chức các hoạt động trong nhà trường; các quy định về tổ chức các hoạt động bán trú theo hướng thiết thực, hiệu quả, đảm bảo.
Tăng cường tổ chức các hoạt động sinh hoạt bán trú phù hợp và khoa học đồng thời tăng cường rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh.
Tham mưu kiện toàn Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục cấp xã, kèm theo phân công nhiệm vụ các thành viên, trong đó thể hiện rõ nhiệm vụ, trách nhiệm phụ trách bản về huy động học sinh ra lớp và nâng cao tỉ lệ chuyên cần gắn với việc đánh giá xếp loại cán bộ, công chức, viên chức cuối năm.
Xây dựng lại phân phối chương trình, khung nội dung ôn tập theo định hướng dạy học theo chủ đề, ưu tiên tăng thời lượng thực hành giúp học sinh rèn kĩ năng làm bài, trình bày ý tưởng, thể hiện quan điểm, nhận thức của bản thân hướng tới phát triển năng lực người học một cách hiệu quả nhất.
Chú trọng quy trình thiết kế một bài giảng trước khi lên lớp và thực hành giảng dạy trên lớp của giáo viên. Trong quá trình thiết kế bài giảng cần vận dụng một cách linh hoạt, hiệu quả không nhất thiết phải đúng trình tự tiếp cận như sách giáo khoa đã nêu.
Tăng cường thảo luận tổ nhóm chuyên môn theo hướng “nghiên cứu bài học”: tập trung xây dựng kế hoạch dạy học, thiết kế bài giảng, tổ chức các hoạt động dạy học và kiểm tra đánh giá...
Nhân rộng mô hình trường dạy học 2 buổi/ngày
Đối với các phòng GD&ĐT các huyện, Sở GD&ĐT yêu cầu thành lập tổ tư vấn (chuyên gia) về xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học; xây dựng các quy định - quy chế trong nhà trường; tổ chức dạy học theo đối tượng vùng miền đáp ứng mục tiêu giáo dục; tổ chức các hoạt động bán trú; huy động học sinh ra lớp và nâng cao tỷ lệ chuyên cần. Nhân rộng mô hình trường dạy học 2 buổi/ngày.
Tổ chức các đoàn kiểm tra, tư vấn, giúp đỡ các đơn vị trường vùng đặc biệt khó khăn. Quan tâm điều động bổ sung giáo viên có kinh nghiệm, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đồ dùng học tập cho học sinh nâng cao chất lượng dạy và học. Tổ chức, thực hiện những việc cần làm ngay ở các cấp học để nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn...