Những tranh cãi sau 133 trang giấy

GD&TĐ - Ẩn trong 133 trang tài liệu được thống nhất tại các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc là một sự thỏa hiệp mà nhiều người coi là một sự xao lãng đáng sợ. Các quốc gia trên thế giới đều nhất trí hoan nghênh thực tế là có một báo cáo khoa học về tình trạng nóng lên toàn cầu đã được tạo ra. Nhưng dường như không ai thật sự chào đón những phát hiện của báo cáo này.

Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và mang lại những hậu quả tàn khốc
Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và mang lại những hậu quả tàn khốc

Thiếu đồng thuận trong ngoại giao khí hậu

Sự khác biệt dường như nhỏ bé đó là rất lớn trong thế giới siêu tinh tế, siêu lịch sự của ngoại giao khí hậu. Trên thực tế, những tranh luận về ngôn từ luôn là một thứ mây mù bao phủ các cuộc đàm phán này. Gần 200 quốc gia đã đồng ý với một “quy tắc” điều chỉnh Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, có nghĩa là giúp hạn chế sự nóng lên tới 1,5 độ C.

Tranh luận về việc có nên “hoan nghênh” những phát hiện hay chỉ đơn giản là “ghi nhận” sự tồn tại của các phát hiện này bùng lên một tuần trước. Mỹ, Ả-rập Xê-út, Kuwait và Nga - 4 nước trong số các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch hàng đầu, một trong những nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu - tuyên bố công khai rằng họ không muốn “hoan nghênh” những phát hiện của báo cáo mà người đứng đầu Liên Hợp Quốc đã gọi là “sự báo động xé tai” này.

Báo cáo từ Hội đồng Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết, ô nhiễm carbon phải được cắt giảm khoảng một nửa vào năm 2030 và đạt mức “zero” vào giữa thế kỷ để có thể tránh những gì có thể được mô tả là biến đổi khí hậu thảm khốc như siêu bão, lũ lụt và những thảm họa tương tự. Những sinh viên Ba Lan vừa ra trường và tham gia các cuộc đàm phán giơ cao biển hiệu nhấn mạnh sự cấp bách trong đánh giá mới nhất về khoa học này: “Chỉ còn 12 năm”.

Quy tắc Paris

Sự cấp bách có vẻ như mới được nêu ra, nhưng thực tế, các nhà khoa học đã nhiều lần gióng lên những hồi chuông báo động. Ba mươi năm trước, một nhà khoa học của NASA đã làm chứng trước Quốc hội Mỹ rằng thời đại nóng lên toàn cầu do con người gây ra đã bắt đầu. Năm 1992, các quốc gia đã đồng ý xây dựng Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, trong đó có nhiệm vụ giám sát các cuộc đàm phán về sự nóng lên toàn cầu được tổ chức vào cuối mỗi năm.

Thực tế là những bất hòa vẫn là về những điều cơ bản của khoa học - chứ không phải quá trình thực tiễn về cách cắt giảm ô nhiễm và cách quản lý quá trình đó - đã làm choáng váng một số đại biểu và quan sát viên tại các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, cũng có một cách nhẹ nhàng hơn để các quốc gia hoàn toàn có thể đồng thuận - và họ đã tạo ra một quy tắc mà nhiều người cho là tạo ra nền móng căn bản, chi tiết về cách tính lượng khí thải, cùng các cam kết mới trong việc giảm ô nhiễm. Quy tắc này sẽ được đệ trình vào năm 2020.

Quy tắc Paris được xây dựng để điều chỉnh lại việc thực thi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu - Thỏa thuận đã được quyết định tại một cuộc họp về vấn đề này của Liên Hợp Quốc ba năm trước. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ bỏ thỏa thuận đó, nhưng đại diện của Mỹ lại vẫn có mặt tại các cuộc đàm phán COP24 - đã kết thúc trong phiên họp ngoài giờ vào tối thứ Bảy vừa qua.

Lợi ích quốc gia hay lợi ích hành tinh?

Những việc cần làm tiếp theo liên quan đến Jeffrey Sachs, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tại Đại học Columbia ở New York. Theo ông, cuộc chiến về cách xử lý báo cáo IPCC, được coi là báo cáo khoa học hàng đầu về vấn đề này, là một điều gây xao lãng lớn. “Điều đáng buồn là ta đã lãng phí thời gian trong việc tranh cãi về ngôn từ, bởi vì những gì thực sự quan trọng là hành động của chính quyền ông Trump và một vài chính phủ khác cố tình đặt hành tinh này vào nguy cơ” - Sachs nói - “Đó không phải là vấn đề niềm tin hay sự phủ nhận. Đó là vấn đề đặt lợi ích của các công ty dầu và than và của đất nước họ, lên trên lợi ích của toàn nhân loại”.

Đã nhiều lần, ông Trump bác bỏ khoa học cơ bản về biến đổi khí hậu, trong đó tuyên bố rằng việc đốt than, dầu và khí tự nhiên tạo ra khí thải tạo thành những “bẫy nhiệt” trong khí quyển, làm nóng hành tinh. Thực tế, ngày càng rõ ràng hơn rằng tình trạng nóng lên đang diễn ra nhanh hơn so với những suy đoán trước, đồng thời gây ra những quả tồi tệ hơn. Đánh giá Khí hậu Quốc gia của Mỹ công bố năm nay cho biết hàng nghìn người Mỹ có thể chết và tổng sản phẩm quốc nội có thể bị ảnh hưởng 10% vào cuối thế kỷ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn ủng hộ việc tăng cường sử dụng than, một nguyên nhân chính gây ô nhiễm khí hậu. Tại Ba Lan, phái đoàn Mỹ đã tổ chức một sự kiện dành riêng cho công nghệ nhiên liệu than và hóa thạch. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sự kiện này nhằm thể hiện “sự tiến bộ đáng chú ý mà chúng tôi đã đạt được thông qua đổi mới cho các công nghệ sạch hơn”. “Những đổi mới tạo việc làm này đã góp phần giảm lượng khí thải của Mỹ, đồng thời phát triển nền kinh tế của chúng tôi và cung cấp khả năng tiếp cận năng lượng đáng tin cậy, giá cả phải chăng” - người phát ngôn nói trong một tuyên bố.

Nhiều người dân quan sát sự kiện đã bày tỏ sự bất bình. Vic Barrett, 19 tuổi, bình luận: “Thật là nực cười. Đó là một trò đùa. Chúng ta đang phải lắng nghe các giải pháp sai trái và những điều mà chúng ta biết là sẽ không thành hiện thực”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ