Là những tình tiết nổi bật sau những ngày đầu diễn ra phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và đồng phạm.
Nguyễn Xuân Sơn khai đưa cho Ninh Văn Quỳnh hàng trăm tỷ, mua nhà cho con Quỳnh
Ông Ninh Văn Quỳnh (trái) và ông Nguyễn Xuân Sơn. |
Tại tòa phiên tòa xét xử ngày 21/3, các luật sư tiến hành xét hỏi các bị cáo nhằm làm rõ hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của Ninh Văn Quỳnh – nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN.
Theo cơ quan tố tụng, khi PVN góp tiền, giữ 20% vốn điều lệ vào OeanBank, Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Phó TGĐ PVN được cử sang OeanBank giữ vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện phần vốn của PVN. Ông Sơn đề nghị và được Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch OeanBank đồng ý chi tiền chăm sóc khách hàng ngoài lãi suất tiền gửi trong hợp đồng cho các đơn vị gửi tiền vào OeanBank.
Bị cáo Sơn khai nhận, từ 2009 – 2010, đã chi 30 – 40 tỷ đồng cho Ninh Văn Quỳnh để nhờ cảm ơn lãnh đạo PVN đã chỉ đạo các thành viên của tập đoàn gửi tiền vào OeanBank. Giai đoạn 2010 – 2014, cứ 45 ngày ông Sơn đưa cho ông Quỳnh 5 tỷ đồng, tổng cộng hơn 200 tỷ đồng.
Trong khi đó, bị cáo Ninh Văn Quỳnh lại phủ nhận, nói mình chỉ nhận 20 tỷ đồng từ năm 2009 – 2014. Ninh Văn Quỳnh khai rằng, trong khoảng thời gian từ tháng 3/2009 đến tháng 12/2013, Quỳnh được Nguyễn Xuân Sơn trực tiếp hoặc thông qua Nguyễn Xuân Thắng đưa cho nhiều lần tiền mặt với tổng số tiền là 20 tỷ đồng.
Bị cáo Quỳnh khai khi nhận tiền, bị cáo hiểu là của Sơn cho bị cáo, không phải là tiền chăm sóc khách hàng của OceanBank, bản thân bị cáo không có trách nhiệm phải đưa cho ai đó trong PVN. “Sơn đưa bao nhiêu thì bị cáo nhận bấy nhiêu, không có sự tính toán nào, cũng không đòi hỏi, hoàn toàn trên cơ sở không có sự bàn bạc, tính toán. Mỗi lần đưa, anh Sơn đều nói là quà biếu, không nói là bao nhiêu tiền”., Quỳnh nói.
Bị cáo Quỳnh khẳng định không có căn hộ và cũng không mua căn hộ nào ở Star City.
Đối chất tại tòa, Sơn khai về căn hộ Star City được mua làm “quà biếu” cho Ninh Văn Quỳnh. Bị cáo Sơn nói, biết Quỳnh đang có nhu cầu mua căn hộ ở tầng 16 chung cư Starcity nên đã bàn bạc với Thắm tính toán lượng tiền chuyển cho khách hàng PVN nên mỗi lần chuyển tiền, Sơn trừ lại 1 tỷ để nộp tiền mua nhà cho Quỳnh.
Bị cáo Sơn cho biết, Thắm đã đưa cho tôi hợp đồng nhà, đứng tên con trai anh Quỳnh. Bị cáo đã chuyển hợp đồng này cho anh Quỳnh. Chung cư Starcity khi đó còn đang xây nên sau này ông Quỳnh đã nhận nhà hay chưa thì bị cáo Sơn không rõ, chỉ biết hợp đồng mua bán nhà đã chuyển cho ông Quỳnh.
Ông Thăng khẳng định chưa được báo cáo về nghị quyết 4266, nhận trách nhiệm người đứng đầu
Theo cáo buộc, ông Đinh La Thăng chịu trách nhiệm trong việc HĐTV ban hành Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN, nâng tổng số vốn góp của PVN tại Oceanbank lên 800 tỷ đồng duy trì tỷ lệ nắm giữ 20% vốn tại Oceanbank.
Tại thời điểm này, luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”. Dẫn tới, phần vốn của PVN tại Oceanbank đã vượt quá 5% so với quy định.
Khi đó, ông Đinh La Thăng (Chủ tịch HĐTV) đi công tác và người ký nghị quyết số 4266/NQ-DKVN chấp thuận điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ của Oceanbank là ông Nguyễn Xuân Thắng (thành viên HĐTV PVN).
Tại cơ quan điều tra, ông Thắng khai: Sau khi ông Thăng đi công tác về, Thắng đã báo cáo ông Thăng về việc ký nghị quyết 4266, để PVN góp vốn bổ sung 100 tỷ đồng vào Oceanbank, nhưng ông Thăng không có chỉ đạo gì, mà đồng ý để thực hiện.
Cáo trạng kết luận, ông Đinh La Thăng biết rõ HĐTV PVN đã ban hành nghị quyết số 4266, bổ sung góp vốn 100 tỷ đồng vào Oceanbank và đồng ý với việc này của HĐTV.
Ngoài ra, cùng ngày ký ủy quyền cho ông Nguyễn Xuân Thắng, ông Đinh La Thăng còn ký quyết định số 1329/QĐ-DKVN, phân công bà Vũ Thị Thanh Hương làm người đại diện 20% vốn góp của PVN tại Oceanbank.
Về việc này, khai tại tòa, ông Đinh La Thăng cho rằng, thời điểm đó ông đi công tác và có ủy quyền cho ông Thắng điều hành công việc ở nhà. Ông Thăng khẳng định, không liên quan vì khi đó ông đang đi công tác, ông cũng không biểu quyết, không ủy quyền cho ông Thắng trong việc ký nghị quyết 4266, ông Thăng chỉ nhận trách nhiệm người đứng đầu và người ủy quyền."
Theo quy chế làm việc, người được ủy quyền không có nghĩa vụ trách nhiệm báo cáo với người ủy quyền. Do đó, sau khi đi công tác về, bị cáo Thăng không yêu cầu ông Thắng và những người được ủy quyền báo cáo lại những nội dung công việc đã ủy quyền trong thời gian đi công tác bởi ủy quyền là điều hành chung công việc của cả Tập đoàn. Ông Thăng cho biết, cũng không nhận được báo cáo của ông Thắng về việc này.
" Xin lỗi các anh em, tôi không cố ý đổ trách nhiệm. Nhưng tháng 2, bị cáo đã họp và chỉ đạo phải thoái vốn của PVN ở Oceanbank để phù hợp với tỷ lệ sở hữu. Tháng 2 đã chỉ đạo như vậy mà đến tháng 5 sau khi nghe anh Thắng báo cáo thì bị cáo đồng ý là vô cùng vô lý. Bị cáo không thể mất trí như thế được", ông Thăng nói.
Ông Hà Văn Thắm khẳng định bán ngân hàng 0 đồng thừa trả nợ cho PVN
Tại phiên xét xử ngày 21/3, ông Hà Văn Thắm đã nói rằng việc mua với giá 0 đồng đối với Oceanbank khi đó nếu được thực hiện phương án lấy lại ngân hàng 0 đồng đem bán, khắc phục thiệt hại cho PVN và cổ đông.
Ông Thắng cho rằng việc mua với giá 0 đồng đối với Oceanbank khi đó là sai, nếu được thực hiện phương án lấy lại ngân hàng 0 đồng đem bán, khắc phục thiệt hại cho PVN và cổ đông. Theo ông biết, có hai báo cáo kiểm toán của cơ quan kiểm toán gồm một báo cáo theo yêu cầu của NHNN và chỉ có giá trị đối với NHNN. Và một báo cáo khác phát cho các cổ đông theo yêu cầu của Oceanbank.
Cựu Chủ tịch Oceanbank cho rằng, các báo cáo kiểm toán kết luận OceanBank có 14.000 tỉ đồng nợ xấu, được đánh giá bằng 0 là không đúng với thực tế của ngân hàng. Ông Thắm khẳng định: “Cứ cho việc mua Oceanbank giá 0 đồng là đúng, tôi xin mạnh dạn đề xuất với HĐXX cho phép các cổ đông, trong đó có PVN, được nhận lại những phần NHNN và kiểm toán đánh giá bằng 0 đó để chúng tôi đem bán để bù cho phần thiệt hại”.
Cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm xin HĐXX tạo điều kiện cho vài ngày trình với HĐXX những tài sản đánh giá bằng 0 đó, sẽ đem đi bán và bảo đảm không chỉ trả 800 tỷ cho PVN và 3.200 tỷ cho các cổ đông còn lại mà tôi nghĩ trả 1.600 tỷ cho PVN cũng đủ.
Việc mua một DN, theo ông Thắm, ngoài chuyện âm vốn điều lệ thì phải định giá giá trị thương hiệu, định giá lại những tài sản thế chấp của các khoản nợ xấu đó. Sau khi có kết luận của Thanh tra NHNN Hà Nội về “tình trạng yếu kém” của Oceanbank nói trên, có hai công ty đề nghị mua cổ phần của PVN, Oceanbank đều công khai với các cổ đông này về tình trạng của OceanBank cũng như công khai về những nhận xét nói trên.
Sau khi đánh giá về tài sản và thực trạng thu được nợ đó, họ vẫn đồng ý mua lại cổ phần của PVN tại Oceanbank với giá 800 tỷ là giá nguyên gốc.
Ông Đinh La Thăng sợ không đủ thời gian thi hành hết 2 bản án tù
Từng bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 13 năm tù trong phiên toà trước về tội “cố ý làm trái”, sáng 22/3, ở phiên tòa xét xử vụ PVN mất 800 tỷ đồng, ông Đinh La Thăng lại tiếp tục bị VKS đề nghị mức án 18-19 năm tù.
Ở tuổi gần 60, ông Thăng lo sợ mình không còn đủ thời gian để thi hành hết các bản án: “Dù kết quả cuối cùng có thế nào đi chăng nữa, bị cáo vẫn hết sức rất biết ơn các luật sư vì đã dành thời gian, dành tâm huyết để đưa ra HĐXX những sự thật khách quan, phản ánh đúng bản chất sự việc”.
Ông Đinh La Thăng nói: “Và dù bản án tòa tuyên thế nào đi chăng nữa thì bị cáo cũng cảm thấy ấm lòng. Nhưng với thời gian mức án cáo trạng nêu, bị cáo nghĩ mình sẽ không đủ thời gian thực hiện, chấp hành hết các bản án của tòa...”.