Những tình huống pháp lý vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương khiến 33 người chết

GD&TĐ - Theo luật sư, xét về mặt pháp lý thì chủ sở hữu của quán karaoke phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

Bên trong quán karaoke vẫn còn bốc khói âm ỉ vào sáng 7/9. Ảnh: Trường Nguyên.
Bên trong quán karaoke vẫn còn bốc khói âm ỉ vào sáng 7/9. Ảnh: Trường Nguyên.

Hậu quả kinh hoàng

Tối 06/9/2022, xảy ra vụ cháy cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke tại số 166C, khu phố 1A, phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Có tất cả 33 người đã bị thiệt mạng trong vụ cháy. Trong đó có 32 người chết phía trong quán karaoke. 1 người còn lại bị thiệt mạng do nhảy từ lầu cao xuống đất.

Đến thời điểm hiện tại, theo lực lượng chức năng, nguyên nhân ban đầu của vụ vụ cháy quán karaoke An Phú có thể là do chập điện.

Theo đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khẩn trương khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật. Đồng thời, làm việc với những người liên quan như chủ quán, nhân viên. Từ đó, mới có kết luận xử lý trách nhiệm của từng cá nhân.

Đại tá Trịnh Ngọc Quyên thông tin, việc chấp hành quy định PCCC không tốt. Theo đánh giá, thời điểm xảy ra hỏa hoạn, nhiều người chạy lên chạy xuống, rối loạn; xử lý ban đầu của cơ sở chậm. Hiện đã bàn giao 17 thi thể cho người nhà, nhiều nạn nhân bị cháy biến dạng cần phải xét nghiệm ADN và các quy trình khác để xác định danh tính.

Đại tá Trịnh Ngọc Quyên cho biết thêm, thiệt hại của vụ này rất lớn. Nguyên nhân gây thiệt hại còn có trách nhiệm một phần của người trong quán. Khi nhân viên quán báo cháy, người trong phòng hát uống bia nên không tỉnh táo, có người còn kéo người báo cháy vào trong hát tiếp. Tức là những người này không tuân thủ việc phòng cháy, không chấp hành, cố tình ở trong phòng hát. Khi lửa cháy lớn, khói nhiều, họ phải chạy vào trong phòng vệ sinh, sau 5-7 phút thì ngộp thở tử vong trong phòng vệ sinh.

Theo dõi vụ việc, luật sư Lê Bá Thường, Giám đốc Công Ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành, thuộc Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, phải đợi cơ quan chức năng xác định nguyên nhân vụ việc nhưng nhiều vụ cháy quán karaoke trước đây thường có thể do chập điện.

Cho biết về trách nhiệm hình sự và dân sự về cái chết của mấy mươi người trong vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương nếu do nguyên nhân chập điện, tự cháy nổ, luật sư Thường cho hay, xét về mặt pháp lý thì chủ sở hữu của quán karaoke phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

Không loại trừ nguyên nhân có người phóng hỏa

Luật sư Thường cho biết, nếu kết luận của cơ quan điều tra phát hiện cơ sở kinh doanh karaoke này hoạt động không tuân thủ các quy định về an toàn PCCC dẫn đến vụ việc cháy xảy ra làm chết 33 người như báo chí đưa tin thì chủ quán karaoke có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy".

"Chủ quán có thể đối diện với mức án phạt tù từ 7-12 năm. Bên cạnh đó, chủ quán còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Điều 313 BLHS 2015)" - luật sư Thường thông tin.

Luật sư Thường cũng đề cập, ngoài ra, chủ quán karaoke này còn phải có trách nhiệm bồi thường về mặt dân sự cho các nạn nhân tuỳ theo mức độ hậu quả xảy ra với từng nạn nhân (Điều 584, 590 và 591 Bộ luật Dân sự 2015).

Tuy nhiên, luật sư Thường cũng đưa ra nhận định, nếu trường hợp kết luận của cơ quan điều tra về nguyên nhân bị phát hỏa cháy nổ là do cá nhân của người nào đó cố tình phóng hỏa để gây ra cháy nổ làm chết người nhằm mục đích tư thù thì hành vi phóng hỏa với mục đích tước đi mạng sống của những người trong quán karaoke sẽ cấu thành tội phạm “Giết người”.

Với hậu quả làm chết đến 33 người thì hành vi này có thể bị xử tù đến chung thân hoặc tử hình (Điều 123 BLHS 2015).

Luật sư Thường cho hay, cùng với đó, khi để xảy ra hỏa hoạn gây ra hậu quả rất nghiêm trọng về tính mạng của nhiều người như thế nếu trong kết luận điều tra mà quán karaoke không thực hiện đúng các biện pháp an toàn PCCC thì cũng có một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước của địa phương. Đó là, cơ quan chức năng hữu quan buông lỏng quản lý, tuyên truyền, thanh tra kiểm tra thường xuyên để phát hiện kịp thời những sai sót, không đảm an toàn PCCC của quán karaoke để xử phạt kịp thời thì đã không xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ