Sau một thời gian nỗ lực tìm kiếm và truyền dạy, Việt Nam có thể tự hào về vốn di sản quý báu này. Với những gì thế hệ cha ông đã cống hiến cùng sự tiếp thu những tinh hoa dân tộc của thế hệ trẻ, nghệ thuật ca trù hướng đến một tương lai rộng mở hơn.
Bộ môn nghệ thuật cần được quan tâm
Xuất hiện từ thế kỷ XIV - XV, sau một thời gian dài gần như bị thất truyền, nhờ những nghệ nhân và những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tâm huyết mà nghệ thuật ca trù đã được thế giới biết đến. Năm 2009, ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Cũng nhờ dấu ấn này mà nghệ thuật ca trù dần được đông đảo người dân quan tâm hơn. Nhiều hoạt động, liên hoan được tổ chức đã mang nghệ thuật ca trù đến gần hơn với công chúng. Và cũng từ những cuộc thi, nhiều ca nương trẻ được phát hiện, bồi dưỡng và vinh danh.
Hà Nội chính là một trong những địa phương luôn đi đầu trong công tác bảo tồn và trao truyền bộ môn nghệ thuật này tới các thế hệ trẻ. Hiện tại Hà Nội có 14 CLB và nhóm ca trù đang chính thức hoạt động khá sôi nổi.
Những cái tên như CLB Ca trù Tranh Thôn, Phú Thị, Đồng Chữ, Lỗ Khê, Ngãi Cầu, Phượng Mỗ, Thái Hà, Thăng Long… là những địa chỉ thân thuộc để những người yêu thích môn nghệ thuật này tìm đến.
Thuộc loại hình văn hóa phi vật thể rất có giá trị, tuy nhiên, bộ môn ca trù lại mang tính bác học và kén người học, kén người nghe. Chính vì vậy mà ca trù càng đòi hỏi sự quan tâm, truyền dạy, thực hành từ cơ sở và tiến hành các biện pháp bảo tồn thì mới có thể lưu truyền được.
Năm 2016 là năm thứ ba Sở VHTT Hà Nội tổ chức Liên hoan ca trù trên toàn địa bàn, cuộc thi đã phát hiện được những gương mặt ca nương mới triển vọng của loại hình nghệ thuật này.
Khép lại Liên hoan nghệ thuật ca trù mới đây, chúng ta đã gặt hái được những thành quả đáng tự hào. 71 tiết mục tham gia của 10 CLB đều là những tiết mục được đầu tư và chuẩn bị khá công phu.
Bên cạnh 62 thí sinh dự thi ở các tiết mục tập thể thì có 35 thí sinh dự thi đào nương và kép đàn tài năng, 10 thí sinh đăng ký dự thi đào nương và kép đàn xuất sắc nhất.
Đặc biệt độ tuổi các đào nương kép hát đã được trẻ hóa với độ tuổi từ 7 đến 29 tuổi. Cuộc thi đã có sự lan tỏa rộng và cho thấy hoạt động có chất lượng từ các CLB ca trù trên địa bàn.
Hy vọng vào tương lai gần
Chỉ trong một thời gian ngắn, trong ba ngày diễn ra Liên hoan, các ca nương tham gia đã thể hiện được tài năng cũng như sự say mê sân khấu của mình.
Theo GS.TSKH Tô Ngọc Thanh - Trưởng ban Giám khảo, Liên hoan chương trình năm nay đã có sự chuyển biến rõ nét về chất lượng nghệ thuật. Đối tượng tham gia Liên hoan đông và được trẻ hóa.
Đặc biệt sự xuất hiện của các ca nương nhí là nỗi vui mừng lớn của những người luôn đau đáu bảo tồn nghề. Nhiều em nhỏ từ chỗ đến với ca trù khi không biết ca trù là gì tới chỗ đã biết nảy giọng theo điệu đàn câu hát.
Phần đông các thí sinh đã trình bày nhuần nhuyễn và tự tin. Các em hát có thể chưa hay nhưng đã đúng. Dù còn non nớt nhưng đây là thành tựu mà chỉ mấy năm chúng ta đã làm được. Liên hoan là chứng cớ khẳng định, ca trù đã sống dậy và đang được giới trẻ đón chờ với tinh thần đầy trách nhiệm và đam mê.
Một tín hiệu lạc quan khác qua Liên hoan, được giới chuyên môn đánh giá cao, đó là cuộc thi đã khôi phục thành công một số điệu múa, một bộ phận hữu cơ của ca trù mà lâu nay chúng ta ít biết.
Từ múa bài bông, múa bỏ bộ - hai loại múa cổ điển của ca trù, cho đến một số điệu múa khác, đến nay là khoảng 5 - 6 điệu. Ngay trong buổi diễn kết thúc Liên hoan, tốp múa gồm khoảng chục em còn rất nhỏ tuổi đã múa thành thạo một đoạn trích của điệu múa bài bông có nguồn gốc từ thời nhà Hồ, được lưu giữ trong kho tư liệu của dòng họ Nguyễn ở ấpThái Hà.
Tất nhiên, bên cạnh những tín hiệu mừng của ca trù, vẫn còn những nỗi lo. Xã hội hiện đại với muôn vàn loại hình giải trí cũng tạo sự cạnh tranh lớn cho nghệ thuật ca trù trong việc tìm kiếm tài năng cũng như truyền dạy thể loại âm nhạc này cho thế hệ trẻ.