Những tiết học vùng biên ý nghĩa cho học trò dân tộc

GD&TĐ - Những tiết học trải nghiệm do chiến sĩ biên phòng triển khai đã góp phần nâng cao nhận thức, hun đúc tình yêu đất nước cho học sinh dân tộc.

Học tại cột mốc.
Học tại cột mốc.

Tiết học không phấn trắng, bảng đen

Tiết học trải nghiệm diễn ra ngay tại đường biên, cột mốc, phòng truyền thống, chức năng của các tại đơn vị… đã mang tới cho học trò nhiều kiến thức về biên giới, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của bà con dân tộc vùng biên.

Các em cũng được hướng dẫn các kỹ năng nhận biết vùng cấm; đường biên, cột mốc biên giới, tìm hiểu những quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, hoạt động trong khu vực biên giới.

Những tiết học trải nghiệm thường được nhà trường kết hợp cùng Đồn biên phòng triển khai vào các dịp: Biên phòng toàn dân; Ngày Quân đội nhân dân Việt Nam; Ngày Thương binh liệt sĩ; Giỗ trận Vị Xuyên…

Trải nghiệm tại Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận, giáo viên và học sinh được cán bộ, chiến sĩ đơn vị giới thiệu về truyền thống lịch sử đồn, tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Cùng đó tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt, công tác của người chiến sĩ Biên phòng và các quy định về biên giới trên đất liền, hướng đi của đường biên giới tại khu vực mốc, thăm quan cửa khẩu…

Có thể thấy, hiện nay có nhiều hình thức để giáo dục truyền thống, lịch sử, hình ảnh người lính Biên phòng đến với bà con dân tộc nơi vùng cao biên giới. Cũng như các trường học có nhiều phương pháp để trang bị kiến thức lịch sử, truyền thống cho học sinh không cần tới sách vở, ngồi học tại lớp.

Do vậy nhiều nhà trường vùng cao đã chọn giáo dục trải nghiệm, giáo viên với kiến thức, phương pháp truyền đạt linh hoạt để truyền tải tới học sinh kiến thức lịch sử, xã hội. Trong đó, các trường vùng cao cũng kết hợp với các Đồn biên phòng để trang bị kiến thức, khái niệm về biên giới, lãnh thổ, chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia cho học trò ngay tại đường biên, cột mốc.

Phương pháp này không chỉ hiệu quả với học sinh mà với cả giáo viên cũng hiểu và nắm chắc hơn những kiến thức về lĩnh vực biên giới, từ đó có thể lồng ghép vào các bài giảng trên lớp một cách sinh động.

Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang) trao đổi: Với học sinh dân tộc, hình ảnh chiến sĩ Biên phòng phần lớn trong sách vở và những bài giảng của thầy cô giáo. Do vậy được trải nghiệm thực tế tại đồn Biên phòng là cơ hội tốt để các em tận mắt chứng kiến công việc, cuộc sống những người lính. Mặt khác qua đó củng cố thêm kiến thức, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão cho các em khi rời ghế nhà trường.

Tiết học vùng biên được các Đồn Biên phòng triển khai hiệu quả.

Tiết học vùng biên được các Đồn Biên phòng triển khai hiệu quả.

Hiểu và thêm yêu đất nước

Đúng như ý nghĩa, hiệu quả, kỳ vọng của những tiết học biên giới đó là giúp học sinh nâng cao nhận thức, hiểu biết về đường biên, mốc quốc giới; xác định được trách nhiệm của bản thân và cộng đồng trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới...

Sau tiết học biên giới do chiến sĩ đồn Biên phòng Nghĩa Thuận giới thiệu, tuyên truyền về truyền thống lịch sử anh hùng của đơn vị, em Giàng Thị Lan lớp 8A, Trường PTDTBT THCS xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang) chia sẻ: Em thấy vinh dự, tự hào vì được sinh ra và lớn lên ngay trên quê hương Hà Giang. Em sẽ cố gắng học thật tốt để sau này góp sức vào xây dựng quê hương giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước để bảo vệ từng tấc đất quê hương.

Cũng đồng quan điểm của bạn, em Giàng Seo Hùng lớp 8A Trường PTDTBT THCS xã Nghĩa Thuận cho biết khi được tận mắt xem công việc hàng ngày của các chú bộ đội em sẽ về trường làm theo cách các chú gấp chăn màn, lao động tăng gia… Và không chỉ vậy, em sẽ cố gắng thực hiện ước mơ trở thành người lính Biên phòng, bảo vệ từng tấc đất, biên cương tổ quốc.

Cô giáo Trương Thị Kim Anh, Trường PTDTBT THCS xã Nghĩa Thuận cho rằng học tập tại đường biên, quốc giới vô cùng phong phú, hiệu quả. Đây là cơ hội để cả thầy và trò được củng cố thêm kiến thức mà trong sách giáo khoa chưa có. Mặt khác giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật của mỗi học sinh, hun đúc trong các em tình yêu với truyền thống, quê hương.

Hiện nay, trong điều kiện còn khó khăn, kinh phí hạn hẹp của các đơn vị nhà trường vùng cao thì Đồn Biên phòng là một điểm phù hợp lí tưởng để các nhà trường kết hợp tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Thực hiện tốt mục tiêu “ Học đi đôi với hành”. Từ đó noi gương, học tập nền nếp, kĩ năng chuẩn mực của các chiến sĩ trong cuộc sống (gấp chăn màn, chăm sóc rau xanh…) để vận dụng vào thực tế sinh hoạt ở trường học bán trú hoặc khi phụ giúp gia đình.

Được biết thời gian qua tại nhiều đồn Biên phòng của BĐBP tỉnh Hà Giang đã thực hiện mô hình trải nghiệm thực tiễn, “tiết học nơi biên giới” như đồn Thàng Tín, Thanh Thủy, Nghĩa Thuận, Tiểu đoàn 19 huấn luyện...

Đây là hoạt động, những tiết học vô cùng cần thiết, ý nghĩa để giúp khơi dậy trong học sinh nói chung, học sinh vùng dân tộc nói riêng tình yêu quê hương, đất nước và nhận thức sâu sắc hơn về chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, từ đó hình thành nên ý thức trách nhiệm của mình với Tổ quốc.

Những thầy giáo quân hàm xanh đã và đang làm công việc ý nghĩa, phù hợp với bà con, học sinh dân tộc với những tiết học biên giới. Qua đó truyền đạt kiến thức thực tiễn, “nuôi” khát vọng, lý tưởng của học sinh trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.