Những tỉ phú hốt bạc trong đại dịch!

GD&TĐ - Việc những người giàu nhất kiếm được quá nhiều tiền trong đại dịch Covid-19 đã chứng minh cho luận điểm “hệ thống kinh tế toàn cầu hiện nay chỉ có lợi cho một thiểu số và hoàn toàn không phù hợp với số đông".

Elon Musk siêu giầu trong đại dịch.
Elon Musk siêu giầu trong đại dịch.

Giàu hơn khi thế giới nghèo đi

Ông Frank Clemente thuộc tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ (Americans for Tax Fairness) nhận định: “Lợi nhuận họ thu được trong đại dịch lớn đến nỗi các tỉ phú có thể dùng khoản giầu thêm này thanh toán gói cứu trợ Covid-19 cho toàn bộ người dân Mỹ mà không tốn một xu trong số tài sản tích luỹ trước đại dịch của họ. Họ có thể cho mỗi người dân 3.000 USD để kích thích tiêu dùng mà vẫn còn giàu hơn so với cách nay mấy tháng”. 

Trong số 10 người siêu giầu thêm nhờ đại dịch có Elon Musk, 49 tuổi, nhà sáng lập Công ty Sản xuất xe hơi điện Tesla và Công ty Không gian SpaceX; Bernard Arnault, tỉ phú Pháp sở hữu nhiều cổ phần nhất của thương hiệu thời trang LVMH; Mark Zuckerberg của mạng xã hội Facebook và Larry Page, Giám đốc Điều hành thương hiệu IT Google.

Mark Zuckerberg và vợ càng giàu thêm.
Mark Zuckerberg và vợ càng giàu thêm.

Cụ thể, Mark Zuckerberg của Facebook với sản nghiệp tăng 80% lên 100 tỉ USD; nhà đầu tư chứng khoán Warren Buffett, tăng 26% lên 85 tỉ USD; Larry Ellison, đồng sáng lập công ty Oracle, tăng 50% lên 88 tỉ USD; Larry Page của Google tăng hơn 50% lên 76 tỉ USD; Sergey Brin, đồng sáng lập Google  tăng 50% lên 74 tỉ USD và tỉ phú thời trang Tây Ban Nha Amancio Ortega, sáng lập công ty Inditex, tăng 47% lên 75 tỉ USD. Jeff Bezos, nhà sáng lập kiêm giám dốc điều hành Tập đoàn Amazon vừa chứng kiến sản nghiệp tăng từ 70 tỉ đến 185 tỉ USD (tăng 66%). 

Bezos bỏ túi thêm 70 tỉ USD từ tháng 3 nhờ hàng trăm triệu người trên thế giới phải ngồi nhà mua hàng qua mạng để duy trì cuộc sống và đáp ứng nhu cầu giải trí. Nhưng không chỉ có Bezos mà có đến 10 “siêu giầu” thế giới đã có thêm tổng cộng 450 tỉ USD, bất chấp sự nghèo đi của hàng triệu doanh nghiệp khác. Người nghèo không có tích luỹ và mất công ăn việc làm còn khốn đốn hơn. Hoạt động kinh doanh của 10 ông lớn này không chỉ tiếp tục phát triển mà còn mạnh hơn từ khi đại dịch Covid-19 tấn công thế giới, dẫn đến lockdown trên diện rộng, kinh tế suy sụp và khủng hoảng tài chính chưa thấy lối thoát. Lockdowm và bế tắc tài chính là “ác mộng” của nhiều người nhưng lại là “dịp may kinh doanh” đối với các tỉ phú. 

Theo số liệu mới nhất của tạp chí Forbes, khoản tiền 450 tỉ USD các tỉ phú gom thêm được trong 9 tháng qua đã vượt xa 284 tỉ USD chính phủ Anh dùng chi cho các hoạt động liên quan đến đại dịch và bù đắp cho các thiệt hại kinh tế ảnh hưởng xấu đến hơn 66 triệu dân. Trong một báo cáo về vấn đề này, tổ chức Americans for Tax Fairness vận động tăng thuế người giàu. Ứớc tính, nếu tính chung tất cả 651 tỉ phú Mỹ, tổng tài sản của họ đã tăng 1,1 ngàn tỉ USD trong đại dịch (tính đến tháng 12). Để cho một số ít người đã giàu còn giàu thêm và hàng trăm triệu người đã nghèo còn nghèo thêm là minh chứng cho sự lệch lạc của hệ thống kinh tế hiện nay. 

Chưa thấy điểm dừng

Tài sản của Bill Gates vẫn tiếp tục gia tăng.
Tài sản của Bill Gates vẫn tiếp tục gia tăng.

Tại Mỹ và các nước phương Tây, trong khi các doanh nghiệp nhỏ đua nhau phá sản trong cuộc khủng hoàng kinh tế tệ hại nhất kể từ cuộc Đại suy thoái (Great Depression) thập niên 1930 tại Mỹ thì cổ phiếu của Amazon lại tăng đến 90% từ tháng 3. Bezos thành lập Amazon trong garage nhà mình năm 1994 hiện vẫn sở hữu 11% cổ phần của Amazon, của công ty du lịch không gian Blue Origin và của tờ The Washington Post. Mới đây, người vợ cũ Mackenzie Scott của ông tiết lộ bà đã hiến 4 tỉ USD cho các hoạt động từ thiện trong 4 tháng qua, ngoài 2 tỉ USD của 2 tháng trước đó.

Tuy nhiên, khoản tiền được miễn thuế này có thể vẫn nằm ở những quĩ đầu tư nào đó và tiếp tục sinh lợi so với khoản tiền bé nhỏ đã trao cho cộng đồng. Scott có 50 tỉ USD sau khi ly hôn Bezov vào năm ngoái. Dù bà hứa sẽ cho phần lớn tài sản của mình nhưng thống kê cho thấy số tài sản của bà ngày càng tăng. Hãy nhớ câu nói “hoa mỹ” của Scott: “Covid-19 đẩy nhiều người Mỹ vào hoàn cảnh khó khăn phải chật vật để tồn tại, còn các tỉ phú lại giầu thêm!”. 

Tuy nhiên, dù Bezos phất mạnh trong đại dịch nhưng lại “chẳng là gì” so với tốc độ phất lên rất ấn tượng Elon Musk. Số tài sản của Musk đã tăng mạnh sau 9 tháng nhờ các nhà đầu tư vào cổ phiếu của Tesla tin tưởng chính phủ sẽ đẩy nhanh việc chuyển đổi xe hơi dùng động cơ đốt trong sang xe hơi điện và Tesla sẽ là đầu tầu của xu hướng tương lai này. Nhờ đại dịch, Musk, sở hữu 20% cổ phần của Tesla đã nhảy vọt lên vị trí người giàu thứ 2 thế giới, từ vị trí thứ 35 trong bảng xếp hạng tỉ phú thế giới lập vào tháng 1/2020 của tạp chí Forbes. Cổ phiếu của Tesla tăng giá trị đến 7 lần kể từ tháng 3. Khi công ty lọt vào danh sách  “blue-chip” của chỉ số chứng khoán S&P 500 Index, việc săn lùng cổ phiếu của công ty đã trở thành cơn sốt. 

Tỉ phú Bernard Arnault, ngươì giàu nhất châu Âu chứng kiến tài sản tăng gấp đôi từ khi đại dịch bắt đầu, dẫn đến nhu cầu đồ xa xỉ của thương hiệu LVMH (Moët Hennessy Louis Vuitton) tăng nhanh trở lại. Chỉ sau 9 tháng, tài sản của Arnault tăng từ 69 tỉ USD lên 148 tỉ USD, đủ để ông trở thành người giàu thứ 3 trên thế giới. Bill Gates, đồng sáng lập Microsoft và khá nổi tiếng về các hoạt động từ thiện mang tính toàn cầu (nhưng vẫn giàu thêm) đã tạm lui xuống vị trí thứ 4 giàu nhất thế giới với tài sản ước tính 120 tỉ USD, tăng thêm 20 tỉ USD từ tháng 3.

Trong thời đại dịch Gates cam kết đóng góp hàng tỉ USD vào việc phát triển vắc xin Coronavirus và các dự án chăm sóc y tế khác liên quan đến đại dịch. Nhưng nhiều nhà quan sát đánh giá, sản nghiệp của Gates sẽ tiếp tục phình ra nhờ khoản “đầu tư chiến lược” vào vắc-xin. Luke Hildyard, Giám đốc Điều hành trung tâm chính trị High Pay Centre (Mỹ) chuyên theo dõi thu nhập của giới siêu giầu nhận định: “Chúng ta đã thất bại trong viêc đánh giá đúng khả năng mở rộng thêm sự giàu có của các tỉ phú trong đại dịch. Nay cần có sự điều chỉnh kịp thời”. 

Theo The Guardian và Forbes 12/2020

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ