6 tháng tuổi là cột mốc thời gian vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của bé. Ngoài sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính, bé sẽ cần được bổ sung thêm sắt, kẽm, vitamin A, và D cùng các chất dinh dưỡng khác từ các thực phẩm ăn dặm. Vì vậy việc xây dựng thực đơn ăn dặm đầy đủ dưỡng chất và ngon miệng là rất cần thiết.
Bắt đầu từ 6 tháng tuổi mẹ có thể cho bé ăn dặm. (Ảnh minh họa).
Các chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa Meave Graham của Tổ chức dinh dưỡng trẻ em Singapore (Child Nutrition Singapore) và Charlotte Lin đến từ Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore (National University Hospital) khuyên mẹ nên chú ý các điều sau khi cho bé ăn dặm:
- Không nên cho bé ăn thực phẩm chế biến sẵn như thịt, đường, muối và chất béo.
- Không cho bé ăn các loại thực phẩm có nguy cơ gây hại cho sức khỏe ví dụ như gan vì hàm lượng vitamin A trong gan quá cao, các sản phẩm chưa được khử trùng như phô mai.
- Nên cho bé ăn thực phẩm tươi và đã được nấu chín.
- Bên cạnh bột gạo thì mẹ cũng có thể cho bé ăn kèm thêm các loại thực phẩm khác để đa dạng thực đơn.
- Khi cho bé ăn món ăn mới cần có thời gian để bé làm quen từ từ.
- Thực đơn ăn dặm của bé nên đa dạng, phong phú để bé có thể làm quen với nhiều hương vị khác nhau. Điều này sẽ giúp bé không kén ăn khi lớn lên.
- Mẹ không cho bé dưới 1 tuổi ăn muối, đường, mật ong, chất tạo ngọt nhân tạo, các loại hạt nguyên, cá có thủy ngân, trà và cà phê.
- Tuyệt đối tránh những thực phẩm có nguy cơ dị ứng, ngộ độc như thức ăn sống, tái, trứng lòng đào, pate gan và phô mai…
Thực đơn ăn dặm của bé cần đa dạng, phong phú. (Ảnh minh họa).
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng thời gian thích hợp để ăn dặm là khi bé được 6 tháng tuổi. Giai đoạn này, lượng protein và kháng thể trong sữa mẹ ít hơn so với 6 tháng đầu sau khi sinh vì vậy bé cần được bổ sung thêm các chất dinh dưỡng bên ngoài để tăng cường sức đề kháng.
Thời điểm này bé cũng hoạt động nhiều hơn, tiêu hao nhiều năng lượng nên sữa mẹ sẽ không còn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng của bé một ngày.
Để giúp bé phát triển đầy đủ về cả thể chất và trí tuệ, mẹ có thể tham khảo danh sách các món ăn dặm bổ dưỡng và ngon miệng do các chuyên gia dinh dưỡng Singapore khuyên dùng sau đây:
- Rau củ nấu chín: Rau bina, đậu xanh, khoai tây, bông cải, cà rốt, súp lơ.
- Trái cây nghiền nhuyễn: Đu đủ, chuối, dưa hấu, táo, quả bơ, lê hấp.
- Cá và trứng nấu chín.
- Protein mềm, xay nhuyễn như đậu phụ, đậu lăng
Súp lơ rất tốt cho sức khỏe của bé. (Ảnh minh họa)
Tất cả những sản phẩm trên đây đều chứa các chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết cho sự phát triển của bé canxi, sắt, vitamin A và C, vitamin nhóm B... Tuy nhiên, nếu bé từ chối không muốn ăn thì mẹ cũng không cần quá lo lắng.
Chuyên gia Graham cho biết: "Lúc đầu, khi mới tiếp xúc với thức ăn rắn, bé có thể bịt miệng hoặc đẩy thức ăn ra. Điều này không phải vì bé không thích món ăn đó mà vì bé đang học cách làm quen với việc ăn bằng thìa, cũng như tập cử động khuôn miệng để ăn, tiếp xúc với mùi vị mới và kết cấu thức ăn đặc, rắn thay vì chất lỏng như sữa mẹ trước đây”.
Vì vậy mẹ hãy cho bé thời gian để bé quen với phương pháp ăn mới cũng như thực đơn mới này. Ví dụ, nếu bé thích thú với món khoai tây nghiền nhưng không thích món lê hấp thì mẹ có thể cho bé ăn khoai tây nghiền và đợi vài ngày sau hoặc lâu hơn thì quay lại tập cho bé ăn món lê hấp.
Mẹ cũng có thể kết hợp các món với nhau để giúp bé ăn ngon miệng hơn, ví dụ như trộn bơ với khoai tây, bơ với chuối, bột gạo với bông cải xanh, hoặc bột gạo với trứng…
Ngoài ra, khi bé đủ 9 tháng tuổi, mẹ có thể bổ sung tinh bột cho bé theo danh sách thực phẩm dưới đây:
- Ngũ cốc ăn sáng
- Mỳ ống
- Cơm
- Yến mạch
- Bánh mì
- Khoai tây
Những loại thực phẩm giàu protein bao gồm:
- Trứng
- Sản phẩm từ sữa
- Thịt nạc đỏ
- Thịt gia cầm
- Đậu lăng.