“Sợi chỉ đỏ” trong khâu tổ chức từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014: Ngành Giáo dục giành phần khó về mình để tạo thuận lợi, dễ dàng cho học sinh – thêm một lần xuyên suốt trong kỳ thi THPT Quốc gia.
Các địa phương, các nhà trường từ phổ thông đến đại học đều lên tâm thế sẵn sàng, tích cực chuẩn bị những phần việc mình có thể chủ động góp sức cho kỳ thi.
Hiện các khâu về kỹ thuật của kỳ thi đang được tính đếm rất cẩn trọng, hướng tới sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành.
Trên bản vẽ tổng thể của phương án tổ chức thi, từng chi tiết nhỏ được quan tâm, cân nhắc, trí tuệ tập thể được huy động để hình dung rõ nét nhất cách thức triển khai, những khó khăn có thể gặp phải, giải pháp ứng phó… Từ đó sẽ có sự thống nhất trong lãnh đạo, triển khai đến cơ sở, nhà trường, cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên và toàn xã hội, thống nhất trong nhận định, đánh giá, tránh lo lắng không cần thiết, giành sự chủ động tối đa trong triển khai công việc.
Nhìn lại kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ những năm gần đây, dù là kỳ thi mang tính “truyền thống”, năm nào cũng tổ chức, cơ sở nào cũng dạn dày kinh nghiệm, vậy nhưng trước giờ G, những tình huống giả định, những thực tế phát sinh vẫn được nêu lên để tất cả cùng tháo gỡ, để có thêm những giải pháp, văn bản quy định cho kỳ thi thêm chặt chẽ, công bằng, minh bạch.
Chính vì suy nghĩ đau đáu đến việc chung, chính vì tâm huyết cho những đổi mới giáo dục, mong muốn góp sức để kỳ thi thành công nên cả xã hội cùng chân tình đưa ra những câu hỏi, thẳng thắn nói lên những suy nghĩ của mình để lần đầu tiên tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia: Từ những vấn đề “bếp núc” như: Lệ phí thu thế nào? Thành phần trông thi ra sao? Phân bổ định mức chấm bài?... đến kế hoạch thanh tra, kiểm tra, sự phối hợp giữa địa phương và các nhà trường, tổ chức cụm thi, điều khoản trách nhiệm chủ tịch hội đồng…
Trong những trăn trở về kỳ thi chung quốc gia, nổi lên câu chuyện cụm thi – tưởng chừng khô khan, cơ học – mà lại nhân văn đầy tình người.
Được biết, phương án dự thảo kỳ thi THPT Quốc gia khởi điểm không phân chia cụm thi tại địa phương và cụm thi tại trường ĐH. Nhưng chính những người trong cuộc – những người hàng năm “đắm mình” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH tại các địa phương, các gia đình, các thầy cô giáo… đã gửi góp ý, rằng trong thực tế, một bộ phận không nhỏ học sinh không có nhu cầu thi ĐH. Tính toán về số lượng, con số này là 20 – 30%.
Không thi ĐH phải chăng vì các cháu học kém? Xin thưa, thực tế tại các thành phố lớn, một số cháu không có nhu cầu thi ĐH trong nước mà dành thời gian và sức lực phỏng vấn du học; những cháu học trường năng khiếu thi tốt nghiệp xong là học thẳng hệ trung cấp, đại học ngành thanh nhạc, piano… Nhu cầu của học sinh đến đâu thì được đáp ứng thi cử đến đó. Có nhiều con đường tri thức, và học sinh chủ động lựa chọn hướng đi phù hợp với bản thân mình.
Học sinh ở thành phố căn bản không nghĩ nhiều đến việc cụm thi, bởi tổ chức thi ở đâu thì bố mẹ cũng đội mưa dầu nắng lửa đưa đón con đến tận cổng trường, cụm thi có xa mấy thì cũng chỉ đầu này - đầu kia thành phố.
Nhưng ở các tỉnh biên giới, đặc biệt là khu vực Tây Bắc, diện tích rộng, địa hình khó khăn, chia cắt bởi núi cao, sông suối, điều kiện gia đình học sinh rất khó khăn, nếu chỉ tổ chức cụm thi chung tại trường ĐH, các cháu không có nhu cầu học lên cao, giờ lại cơm đùm cơm nắm vượt đường xa để đến cụm thi.
Có khi đường sá xa xôi vất vả quá lại nản chí tặc lưỡi mà bỏ thi ở nhà, chưa kể bao nhiêu rình rập, cạm bẫy, nguy hiểm với các cháu và gia đình trên quãng đường trường thi tốt nghiệp.
Suy đi nghĩ lại, với những học sinh khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao…, nếu các cháu có nhu cầu và khả năng học ĐH, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách, chế độ cho các cháu: Học bổng, cử tuyển, gạo ăn, nhà ở… và sẽ còn tiếp tục có chính sách để khuyến khích nâng cao tri thức khu vực ưu tiên này.
Nếu phân biệt thứ hạng trong kỳ thi THPT Quốc gia thì chính những học sinh thi tại cụm thi địa phương là "thí sinh hạng 1" – những đối tượng được Đảng, Nhà nước quan tâm chăm sóc về mọi mặt, những học sinh được tạo mọi điều kiện để chủ động lựa chọn hướng đầu tư tri thức của mình.
“Sợi chỉ đỏ” trong khâu tổ chức từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014: Ngành Giáo dục giành phần khó về mình để tạo thuận lợi, dễ dàng cho học sinh – thêm một lần xuyên suốt trong kỳ thi THPT Quốc gia.
Trên thực tế, nếu chỉ tổ chức một cụm thi thì quá gọn việc, nhưng nghĩ đến sự chia sẻ trách nhiệm với lãnh đạo địa phương, đồng cảm với các cháu học sinh thì dù tổ chức thêm cụm thi khiến các thầy cô giáo, lãnh đạo trường, sở, địa phương vất vả, vai gánh thêm trách nhiệm, thậm chí xác định có thể bị “hiểu lầm”… nhưng vẫn quyết tâm vượt khó khăn để làm, tạo mọi thuận lợi cho học sinh.
Chủ trương của Ngành về kỳ thi THPT Quốc gia được Thủ tướng rất quan tâm và chỉ đạo sát sao. Đây vừa là trí tuệ của toàn ngành Giáo dục, toàn xã hội, vừa là quyết tâm của Đảng, của Chính phủ, của nhiều cơ quan ban ngành.
Làm tốt đổi mới thi cử sẽ tăng thêm lòng tin của nhân dân, lòng tin của Đảng với đội ngũ trong Ngành. Giáo dục – Đào tạo đã thực sự đổi mới, hãy đồng lòng nắm chặt tay nhau, tích cực triển khai và cùng chia sẻ kết quả thắng lợi.