Những tấm lòng lặng lẽ

GD&TĐ - Chúng tôi lặng người cố kìm nén nỗi xúc động khi chứng kiến tận mắt những nhân viên Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi TP Long Xuyên, tỉnh An Giang với nụ cười nhân hậu đang ân cần đút từng muỗng cơm cho các cụ già không còn khả năng hoạt động chân tay. Có nhiều cụ không còn trí nhớ chỉ ăn uống theo bản năng sống đều được các điều dưỡng chăm sóc ân cần.  

Trung tâm Nuôi dưỡng người già  và trẻ mồ côi TP Long Xuyên
Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi TP Long Xuyên

Ông Nguyễn Văn Măng, phó giám đốc trung tâm nói với giọng thật buồn: “có nhiều trường hợp rất xót xa vì đối tượng không có người thân, có trẻ vào đây do bị bệnh tâm thần; trẻ bị mù, câm cũng có rồi bị gia đình vứt bỏ trước trung tâm. Khổ nhất là nhiều cụ qua đời tại đây trong cô đơn, chúng tôi đã tổ chức đám tang và chôn cất chu đáo như người thân của mình. Nghĩa tử là nghĩa tận mà”.

Trung tâm này hiện có 17 cán bộ, nhân viên hiện đang nuôi dưỡng trên 30 cụ già neo đơn và 12 trẻ em bị bỏ rơi. Điều rất đáng trân trọng là hầu hết nhân viên tại đây đều không hưởng bất kỳ một chế độ nào của nhà nước (trừ giám đốc trung tâm) mà họ công tác tại đây bằng tấm lòng thiện nguyện ngày đêm. Vậy mà chưa từng có một người nào rời bỏ thiên chức cao đẹp đầy tình người từ khi trung tâm thành lập (năm 1989) đến nay.

Phó giám đốc Nguyễn Văn Măng kể thêm: tại đây mỗi cụ được nhà nước hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/ngày, toàn bộ các chi phí sinh hoạt còn lại, trung tâm phải tự thân vận động từ các tấm lòng vàng gần xa và từ nguồn lao động sản xuất 90 công ruộng để có kinh phí hoạt động.

Chị Lê Thị Kim Đan, 43 tuổi nhân viên phục vụ tại 2 phòng chăm sóc đặc biệt kể: “năm 1995, tình cờ  trong một lần đến đây thăm người thân, thấy các cụ, các em quá thương tâm nên tôi đã tình nguyện vào đây công tác. Mới đó đã 23 năm. Muốn ở đây lâu dài thì mình phải thực sự có tâm, xem họ như người thân của mình”.

Mỗi ngày chị Đan phải có mặt tại đây từ 5 giờ sáng để phụ nhà bếp nấu ăn, sau đó chị làm vệ sinh cho các cụ bệnh nặng, các em bị tâm thần và khuyết tật không tự vận động được. Buổi trưa chị lại đút cơm cho họ với thái độ rất chân tình. Ban đêm chị lại có mặt từ 19 giờ để trực đêm phòng khi có chuyện bất trắc xảy ra cho các đối tượng.

Thấy chúng tôi có vẻ thắc mắc về các em mồ côi đều mang họ Dưỡng, chị Đan giải thích: “Trẻ mồ côi vào đây, trung tâm đều làm khai sinh và lấy họ Dưỡng, Dưỡng có nghĩa là trung tâm nuôi dưỡng đó”.

Nhìn các cụ được chăm sóc đủ đầy, tươm tất trong những căn phòng rất ấm cúng, khang trang, sạch đẹp, chúng tôi xúc động và trân trọng quá những tấm lòng lặng lẽ đã và đang làm vơi đi nỗi bất hạnh cho các cụ, các em có số phận không may. đây chị Kim Đan đã hiến trọn tuổi xuân để vào đây đã 23 năm. Đây anh Nguyễn Văn Măng 65 tuổi, nguyên chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ huyện Châu Thành (An Giang) sau khi nghỉ hưu đến đây để góp phần xoa dịu nỗi đau cho người khốn khó. Đó anh Nguyễn Minh Dũng tình nguyện đến đây đã gần 30 năm với cái tâm thánh thiện sống có ích cho đời... tất cả những tấm lòng cao đẹp ấy đã làm ấm lên lòng thương yêu đầy tính nhân văn giữa con người với con người thật đáng trân trọng.

Xin mượn lời của cụ Nguyễn Thị Dừa, 94 tuổi đã ở trung tâm gần 20 năm để kết thúc bài viết này: “nếu không có các cô chú ở đây, chúng tôi đã “xanh cỏ” từ lâu, họ quá tử tế với chúng tôi còn hơn con cháu ruột thịt, ơn nghĩa này tới chết cũng đem theo”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ