Trong khi đó, béo phì là tình trạng tích lũy mỡ thái quá và không bình thường một cách cục bộ, hay toàn thể, tới mức ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Hệ lụy của béo phì
ThS.BS Ngô Thị Oanh, Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết: “Chế độ ăn giàu dinh dưỡng cùng thời gian cho các hoạt động thể chất ít đi khiến tình trạng béo phì ở trẻ nhỏ ngày càng trở nên phổ biến ở nước ta, cũng như nhiều nước trên thế giới. Trẻ béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, xương và nội tiết”.
Chuyên gia này chia sẻ, có nhiều nguyên nhân gây béo phì ở trẻ, bao gồm: Yếu tố di truyền; Thiếu hoạt động thể chất; Thói quen ăn uống không lành mạnh. Ngoài ra, một số trẻ bị béo phì vì các lý do trên kết hợp với nhau. Rất hiếm các trường hợp gây ra bởi tình trạng bệnh lý như vấn đề nội tiết.
Để biết có béo phì do mắc bệnh lý hay không, trẻ sẽ được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm. Trong khi đó, yếu tố di truyền đóng vai trò nhất định đối với tình trạng béo phì ở trẻ. Tuy nhiên, điều này có thể liên quan đến lối ăn uống và hoạt động của gia đình. Do đó, bên cạnh di truyền, tổng lượng thức ăn và năng lượng tiêu thụ cũng đóng một vai trò không kém.
ThS Oanh cảnh báo, trẻ béo phì có nguy cơ mắc một số bệnh lý, như: Cholesterol cao; Huyết áp cao; Bệnh tim mạch; Bệnh tiểu đường; Vấn đề về xương. Trẻ béo phì cũng có thể mắc các bệnh lý về da như phát ban nhiệt, nhiễm nấm và mụn trứng cá; Hoặc các bệnh lý về tim mạch và nội tiết.
Theo ThS Oanh, đây là bệnh lý “nan giải”, đặc biệt khi trẻ còn quá nhỏ. Ngoài ra, bệnh lý về xương còn làm giảm khả năng phát triển thể chất của trẻ. Do đó, béo phì được coi là nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời.
“Béo phì ở trẻ gây ra những hệ lụy không mong muốn, làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý không tốt cho sức khỏe. Vì thế, các cha mẹ cần nắm được dấu hiệu cũng như có cách để kiểm soát cân nặng phù hợp cho trẻ”, chuyên gia khuyến cáo.
Ngộ nhận khi điều trị
Trong khi đó, ThS.BS Dương Công Minh - Bệnh viện nhi đồng Thành phố (TPHCM), cảnh báo, nhiều phụ huynh thường ngộ nhận khi điều trị béo phì ở trẻ. Quan điểm sai lầm đầu tiên là nhịn ăn sáng chống béo.
Thực tế, khi quá đói, trẻ sẽ ăn bù nhiều năng lượng hơn. Nhịn uống nước để giảm cân cũng là quan điểm không chính xác. Theo ThS Minh, khi khát, nên uống nước. Nếu nhịn uống, cơ thể sẽ bị thiếu nước, dẫn đến rối loạn nước và điện giải.
Trong khi đó, nếu nhịn ăn, cân nặng có thể giảm nhanh. Song, việc nhịn ăn có thể dẫn đến nhiều rối loạn chuyển hóa nguy hiểm, giảm sức lao động, khả năng làm việc, khối cơ giảm, hoạt động thể lực giảm theo.
“Không uống sữa thực sự là một ngộ nhận tai hại. Trước hết, cần lưu ý là theo quan điểm của dinh dưỡng hiện đại, không có thực phẩm tốt hay xấu mà chỉ có cách ăn uống hợp lý hay không.
Sữa và các chế phẩm từ sữa thường được coi là một nhóm thực phẩm thiết yếu, cần thiết hàng ngày. Trước hết, bởi thành phần đạm sữa có đầy đủ các axit amin thiết yếu, đặc biệt giàu lysin.
Đây là một axit amin thiết yếu có rất ít trong gạo - thực phẩm chính của chúng ta. Trong khi đó, lysin rất cần cho sự tăng trưởng”, chuyên gia lý giải. Bên cạnh đó, sữa giàu canxi và có tỷ lệ canxi/phospho hợp lý cộng với sự hiện diện của đường sữa - đường lactose. Do đó, canxi dễ được hấp thu.
Ngoài ra, chất béo của sữa còn chứa vitamin A và D. Đây là các vitamin cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển. Sữa là thực phẩm cung cấp canxi hiệu quả nhất và có khả năng ngừa loãng xương ở người lớn, người cao tuổi.
ThS Minh nhấn mạnh, ngay cả người béo phì vẫn cần sữa. Bởi, sữa chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu. Đặc biệt, trẻ béo phì cần đảm bảo sự tăng trưởng chiều cao để tự điều chỉnh hình thể. Nếu uống từ 2 ly sữa trở lên hằng ngày, trẻ nên đổi sữa béo qua sữa gầy, hay còn gọi là sữa tách béo.
Theo chuyên gia này, nhiều người quan niệm rằng, khi vào cơ thể, các chất đạm, chất béo, chất tinh bột … đều có thể chuyển thành chất béo dự trữ. Vì vậy, một số cha mẹ không cho con ăn nhiều thịt, nhiều mỡ. Tuy nhiên, thực tế, ăn thừa chất bột, đường, đồ ngọt cũng có thể gây béo.
Một trong những yếu tố quan trọng là thái độ đối với trẻ béo. Nếu cha mẹ quá lo sợ, bắt trẻ kiêng ăn quá mức, giễu cợt, “chọc quê” để trẻ bớt ăn,… hành động đó có thể gây phản tác dụng.
Do vậy, người chăm sóc trẻ béo phì được khuyến cáo cần có thái độ quan tâm đúng mức, trên cơ sở hiểu biết. Lưu ý, không có thái độ khác biệt giữa trẻ béo và những trẻ khác. Thực tế, giúp trẻ có thói quen ăn uống tốt và vận động sẽ hiệu quả hơn là nhấn mạnh đến hình thể và giảm cân.
Ngoài ra, một quan niệm sai lầm khác nhiều người mắc là đánh giá béo phì dựa vào biểu đồ tăng trưởng. ThS Minh cho biết, biểu đồ tăng trưởng là dụng cụ hiệu quả để theo dõi thường xuyên sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, đây là chỉ số cân nặng so với tuổi.
Trong khi đó, trẻ có thể quá nặng so với tuổi, nhưng cân nặng đó phù hợp với chiều cao của bé. Do vậy, trẻ sẽ được coi là cao to cân đối, thay vì béo phì. “Vì thế, phải đánh giá cân nặng so với chiều cao của trẻ để nhận định trẻ có dư cân hay không”, chuyên gia nhấn mạnh.