Những phi vụ "ném tiền qua cửa sổ" của nguyên Tổng giám đốc SAGRI Lê Tấn Hùng

Cơ quan CSĐT – Bộ Công an vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH Một thành viên (SAGRI) và một thuộc cấp về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Trước đó, Thành ủy và UBND TP HCM đã nhiều lần thay đổi hình thức kỷ luật đối với ông Hùng vì nhiều sai phạm.

Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn.
Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn.

Sai phạm kéo dài

Ngày 6/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (SAGRI), quy định tại Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015. Cơ quan CSĐT cũng ra quyết định khởi tố bị can, bắt bị tạm giam và khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với hai bị can: Lê Tấn Hùng (SN 1963, nguyên Tổng giám đốc) và Nguyễn Thành Mỹ (SN 1959, nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư) cùng về tội danh trên.

Được biết, SAGRI là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước với quy mô lớn, thuộc UBND TPHCM. Hàng loạt sai phạm trong quản lý tài chính, đất đai, dự án... tại đơn vị này đã xảy ra suốt một thời gian dài. Thanh tra TPHCM từng có nhiều kết luận về những sai phạm tại SAGRI.

Cũng theo các cơ quan thanh tra, các sai phạm tại SAGRI xảy ra từ năm 2004, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, liên quan đến gần 20 lãnh đạo chủ chốt của SAGRI trong HĐTV, Ban tổng giám đốc, kế toán trưởng, kiểm soát viên… Riêng cá nhân ông Lê Tấn Hùng, ngoài “khoản ký khống hợp đồng hơn 13 tỷ đồng”, còn bị xác định có trách nhiệm trong các vi phạm về quản lý tài chính, đất đai, dự án... thời kỳ liên quan.

Sau khi có kết luận thanh tra toàn diện vào tháng 10/2017, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục chỉ ra các vấn đề vi phạm của SAGRI. Đến tháng 3/2018, UBND TPHCM quyết định kỷ luật khiển trách ông Lê Tấn Hùng. Tuy nhiên, đến tháng 10/2018, UBND TPHCM đã bàn và thấy mức xử lý kỷ luật khiển trách ông Lê Tấn Hùng là “chưa tương xứng với mức độ sai phạm”.

Đến tháng 1/2019, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM kỷ luật cảnh cáo ông Lê Tấn Hùng về mặt Đảng. Về mặt chính quyền, ông Hùng cũng bị Chủ tịch UBND TPHCM kỷ luật cảnh cáo.

Giữa tháng 6/2019, ông Lê Tấn Hùng bị đình chỉ công tác và bị cách chức Tổng giám đốc SAGRI vì “đã thể hiện vi phạm pháp luật kéo dài, thiếu trách nhiệm khắc phục hậu quả, không đủ phẩm chất để tiếp tục lãnh đạo, điều hành tổng công ty”.

Ngoài cá nhân ông Lê Tấn Hùng, đến nay cũng mới chỉ có bà Nguyễn Thị Thúy, nguyên Kế toán trưởng SAGRI có liên đới trách nhiệm về “khoản ký khống hợp đồng hơn 13 tỷ đồng”, bị kỷ luật cảnh cáo.

Những phi vụ “ném tiền qua cửa sổ”

Cuối tháng 12/2017, Hội đồng thành viên (HĐTV) SAGRI thống nhất phê duyệt chuyển nhượng toàn bộ dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B (quận 9) có tổng diện tích 3,75 ha cho Tổng Công ty cổ phần P.P với giá chuyển nhượng hơn 168 tỷ đồng, tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2.

Nghịch lý là mức giá SAGRI chuyển nhượng thấp hơn giá Tổng công ty P.P đã huy động vốn từ khách hàng tại thời điểm năm 2013 (gần 14 triệu đồng/m2) và chỉ bằng 1/3 so với giá chuyển nhượng của dự án liền kề (khoảng 29 triệu đồng/m2).

Theo Thanh tra TPHCM, SAGRI chuyển nhượng vốn góp (quyền sử dụng đất) tại dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho Tổng Công ty P.P nhưng không qua đấu giá để xác định giá trị thị trường là chưa đúng quy định.

Những phi vụ

Bị can Lê Tấn Hùng - Tổng giám đốc SAGRI. Ảnh: Cơ quan công an cung cấp

Ngoài ra, công ty cổ phần Lâm Nghiệp Sài Gòn – FORIMEX (SAGRI góp 26,21% vốn) còn bán hơn 3,6 ha đất trồng cây lâu năm ở Phú Quốc với giá 280.000 đồng/m2, trong khi giá thị trường của khu đất là khoảng 3 triệu đồng/m2.

Theo kết luận thanh tra, việc bán đất giá bèo nói trên là trái quy định, đặc biệt là vi phạm hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Kiên Giang.

Tháng 7/2016, SAGRI ký hợp đồng hợp tác thành lập pháp nhân mới thực hiện dự án Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi) với diện tích 470 ha trên khu đất thuộc quyền quản lý của Công ty Bò Sữa.

SAGRI đã bàn giao 470 ha đất và một số tài sản trên đất cho pháp nhân mới, trong đó 452 ha bàn giao trước khi pháp nhân mới được thành lập. Đầu tháng 8/2016, SAGRI và Tập đoàn T.T ký hợp đồng hợp tác đầu tư thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp T.T SAGRI thực hiện dự án Khu sản xuất nông nghiệp có quy mô 670 ha tại xã Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi) trên khu đất công ty Bò Sữa quản lý. SAGRI bàn giao hơn 140 ha đất cho pháp nhân mới để thực hiện dự án. Biên bản bàn giao được lập trước khi pháp nhân mới ra đời.

Cả hai “phi vụ” trên, SAGRI đã giao đất và tài sản trên đất cho các pháp nhân mới khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND TPHCM và chưa có quyết định thu hồi, giao đất của cơ quan có thẩm quyền, vi phạm quy định “không được cho thuê, chuyển nhượng, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất dưới bất kỳ hình thức nào” trong Quyết định công nhận quyền sử dụng đất năm 2013 của UBND TPHCM và trái với Quyết định số 09/2007 ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Tháng 12/2015, Tập đoàn T.T và Công ty Agrimexco (công ty 100% vốn của SAGRI) ký hợp đồng hợp tác đầu tư thành lập Công ty TNHH T.T Agri để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản trên 5 khu đất phải di dời do không phù hợp với quy hoạch.

Tại thời điểm thành lập, UBND TPHCM chưa ban hành quyết định phê duyệt danh mục các cơ sở phải di dời. Ngoài ra, từ năm 2015 đến 2017, SAGRI đã ký 7 hợp đồng hợp tác thành lập pháp nhân mới với công ty bên ngoài để kinh doanh trên các khu đất có diện tích 794 ha.

Trong số đó, 6 hợp đồng là hợp tác góp vốn thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án đầu tư trên 16 khu đất của SAGRI với tổng diện tích 26,4 ha, bất chấp theo quy định, bất động sản thuộc ngành kinh doanh phải thoái vốn, không được phép đầu tư.

Lập chứng từ khống

Từ ngày 3/10/2016 đến ngày 1/11/2016, Tổng Giám đốc SAGRI Lê Tấn Hùng đã ký 10 hợp đồng tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số nước Châu Âu như Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Nga… với tổng giá trị hợp đồng là 13,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua kiểm tra, 10 người đang công tác tại Công ty Bò Sữa và 12 người đang công tác tại Công ty Cây trồng có tên trong danh sách đi nước ngoài không có ai tham gia chuyến đi. Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an TPHCM) cũng xác nhận 40/70 người có tên trong danh sách đi nước ngoài không tham gia các chuyến đi nước ngoài do SAGRI tổ chức và 30/70 người có tên trong danh sách không có thông tin trên hệ thống của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh.

Vay ngoại tệ về... gửi tiết kiệm

Năm 2016 và 2017, SAGRI đã ký 3 hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Shinhan Bank Viet Nam để vay ngoại tệ với số tiền là 11,3 triệu Euro (gần 275 tỷ đồng). Mục đích vay là “bổ sung vốn lưu động” nhưng sau khi vay được tiền, SAGRI đem đi gửi có kỳ hạn tại ngân hàng khác. Hậu quả là đến lúc đáo hạn, vốn gốc phải trả nếu quy đổi sang tiền Việt Nam là hơn 299 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm 2016, SAGRI ký 2 hợp đồng vay 131 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong – Chi nhánh Bến Thành. Mục đích vay là góp vốn thành lập pháp nhân mới nhưng sau khi vay được tiền, SAGRI đã đem đi gửi ngân hàng và sử dụng vốn sai mục đích. Điều đáng nói tại các thời điểm vay tiền, SAGRI vẫn còn số tiền rất lớn gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng.

Theo Tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.