(GD&TĐ)-Xa gia đình, người thân, những tân sinh viên bước chân vào giảng đường ĐH, bắt đầu một cuộc sống mới đầy lạ lẫm, bỡ ngỡ, có niềm vui nhưng cũng không ít lo toan.
Hồ Thị Xoàn (trái) và bạn học bỡ ngỡ bước vào cuộc sống mới. Ảnh: gdtd.vn |
“Con ráng học để không khổ như ba mẹ”
Nét mặt ưu tư, cô tân sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội quê Nam Đàn, Nghệ An Hồ Thị Xoàn bùi ngùi nhớ về ngày đầu tiên xa gia đình lên trường nhập học. Chạy vạy được 5 triệu đồng đưa cho con gái, vừa là tiền học phí, tiền ăn, ở, các khoản chi tiêu, ba mẹ Xoàn dặn đi dặn lại con: “Bố mẹ đã khổ cả đời, con ráng học để sau này sướng hơn ba mẹ nghe con”. Nhà có mấy xào ruộng, bố mẹ chắt chiu nuôi 3 chị em Xoàn học ĐH. Chị thứ 2 vừa mới tốt nghiệp trường ĐH Thương Mại về quê làm việc. Xoàn cho biết, em thương ba mẹ lắm, khi còn ở nhà em đã chứng kiến cảnh ba mẹ tháng nào cũng phải chạy vạy lo tiền gửi lên cho hai chị, giờ lại đến em. “Dù đã lên đây được mấy ngày, lại may mắn tìm được chỗ ở tươm tất, các bạn cùng phòng cũng vui vẻ, hòa đồng, nhưng em vẫn thấy hồi hộp và lo lắng. Tuy nhiên, em sẽ cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu này để học tập, bù đắp những vất vả của ba mẹ” – Xoàn tâm sự.
Hoàn cảnh cũng khó khăn như Xoàn, Lưu Thị Liên tân sinh viên ngành Điện tử - nhiệt lạnh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đến từ vùng quê Hưng Yên kể ngay về mẹ: “Mẹ em là cô giáo mầm non chị à, lương chỉ được hơn 1 triệu một tháng thôi. Vì bố làm ruộng nhưng tai nạn gẫy chân hơn một năm chưa khỏi nên mọi việc trong nhà mẹ em đều cáng đáng. Anh em học hết lớp 12 ở nhà làm ruộng nên kinh tế không giúp được mẹ nhiều. Ngày em lên nhập học, mẹ phải trông cậy vào khoản vay ưu đãi dành cho HSSV nghèo nhưng cũng vẫn phải vay thêm ngân hàng nữa”. Sau phút xúc động ban đầu, Liên bày tỏ rõ niềm vui sướng khi được vào học ngôi trường mình mơ ước bấy lâu. Liên cho biết, em mơ được trở thành sinh viên của trường ĐH Bách khoa từ khi vào cấp 3. Dù mọi người nói con gái không nên học trường này em vẫn quyết tâm thi vào. Cả lớp cấp 3 chỉ mình em thi vào Bách khoa, giờ lớp ĐH cũng chỉ mình em là con gái. “Ngày đầu tiên lên đây cái gì em cũng thấy sao mà to lớn thế, rộng thế, cả ngôi trường này cũng vậy, đặc biệt là thư viện của trường. Cái gì với em cũng mới, lạ, cũng ấn tượng nên em không còn biết mình ấn tượng với cái gì nhất nữa”.
Lần đầu bước vào cuộc sống tự lập, các nam sinh viên tỏ ra tự tin hơn. Ảnh: SV Dương Nguyễn Quốc Sơn sắp xếp chỗ ở mới tại KTX ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: gdtd.vn |
Không giống như hai bạn gái, cậu sinh viên đến từ Hà Tĩnh có cái tên khá ấn tượng Dương Nguyễn Quốc Sơn thì tỏ ra tự tin hơn nhiều. Tay thoăn thoắt chuẩn bị đồ đạc, giường chiếu, thu xếp “vương quốc” mới của mình, Sơn tươi cười: Các bạn cùng phòng em dù mới quen nhau nhưng thân thiện và hòa đồng lắm, nhờ đó em thấy bớt đi cảm giác nhớ nhà. Sơn cũng tỏ ra dầy dạn và đầy kinh nghiệm khi chuẩn bị sẵn tư thế đối chọi với những cám dỗ của cuộc sống mới: “Ở KTX thuận tiện, nhưng cũng có nhiều vấn đề, nhiều sinh viên nghiện game rồi cũng có một số xa vào tệ nạn như cờ bạc, rượu chè. Mình phải tự chuẩn bị trước tình thần chị ạ!” – Cậu sinh viên chia sẻ.
Nỗi niềm cha mẹ
Ngày các bạn sinh viên lên nhập trường luôn có cha mẹ là bạn đồng hành. Tay xách nách mang đủ các thứ đồ dùng cá nhân, bác Hoàng Thị Thắm – quê Hưng Yên không nén nổi xúc động: Cả nhà chỉ có em nó học hành đến nơi đến chốn, thôi thì cô chú cố gắng dồn hết của nhà rồi vay mượn thêm anh em để đưa em lên đây nhập học. Hai mẹ con mang đi gần 4 triệu mà giờ đã tiêu hết quá nửa rồi. Nó là con trai, vụng về nên nhà có gì mang được thì mang, thiếu gì cô lại phải tự tay sắm sửa hết cho em nó rồi mới yên tâm về quê. May mà em được ưu tiên ở KTX, vừa an toàn, vừa rẻ tiền, cô cũng đỡ lo lắng phần nào”.
Khuôn mặt xạm nắng gió, bác Vũ Văn Hoàng quê Ninh Bình tâm sự: Để có tiền nhập học cho con, cô chú phải bán đi cả đàn gà, còn lại là vay vốn ưu đãi. Nếu không có khoản vay này thì không biết xoay xở ra sao. Thôi thì cứ tạm lo cho em nó yên ổn vài tháng đầu, còn đâu tính tiếp. Còn cô Tươi quê Thanh Hóa đưa con gái lên nhập trường áy náy khi trước khi về chỉ đưa cho con được 1 triệu tiền tiêu cả tháng: “Đúng là các khoản tiêu vượt xa dự tính của cả nhà ban đầu. Nhưng được cái cháu nó cũng ngoan, bảo bố mẹ không phải lo, lên trên này ổn định nó sẽ đi làm thêm kiềm tiền phụ giúp cha mẹ”. Nói về con, gương mặt khắc khổ của người mẹ nông dân như sáng bừng lên, đầy niềm tin yêu, hy vọng.
Hiếu Nguyễn