Thừa cân béo phì đang là một trong những vấn nạn của cả nhân loại hiện nay chứ không riêng gì quốc gia nào. Cũng như với những người nghiện thuốc lá, hầu hết người “quá khổ” đều có ít nhất một lần cố thử tìm cách giảm trọng lượng cơ thể, nhưng số đạt được thành công không nhiều, chủ yếu do thiếu nghị lực hoặc thực hiện sai các phương pháp cần thiết.
Đổ mồ hôi sôi nước mắt vẫn công dã tràng
Chị P.T.Vân (Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội) tự nhận mình là người “quá khổ” bẩm sinh. Nghĩa là, từ khi biết lưu giữ trí nhớ trong đầu, đã thấy mình “tròn tròn” hơn chúng bạn. Đến khi mang bầu và sinh cháu bé đầu lòng thì mức cân nặng tăng phi mã. Con vừa cai sữa, chị cũng quyết định thực hiện chương trình giảm cân mà mình đã dày công tìm hiểu lâu nay.
Lấy tấm gương cô bạn đồng nghiệp nhờ thực hiện theo chế độ ăn kiêng mà chỉ hơn 2 tháng đã giảm được cả chục kg, chị Vân mang công thức về áp dụng cho mình. Tham khảo các thông tin qua bạn bè và trên mạng Internet, thấy nhiều lời khuyên bên cạnh chế độ ăn uống cần kết hợp cả tập luyện, chị đăng ký tham gia câu lạc bộ gym và yoga gần nhà. Để tự khích lệ và cũng là gây áp lực với chính mình, mọi diễn biến của quá trình “hành xác” này đều được chị cập nhật hàng ngày lên trang Facebook cá nhân.
“Hành xác” là từ của chị Vân dùng, bởi lẽ theo lý giải của bà mẹ một con này: “Đến khổ, riêng chuyện bóp mồm bóp miệng đã là cực hình. Lâu nay không để ý lắm đến chuyện ăn uống, đói là ăn thôi, có gì ăn nấy, sướng miệng cái đã. Giờ đụng đến thực phẩm gì cũng cân nhắc xem chứa bao nhiêu calo; thịt thì ăn thịt gì, rau củ loại nào ít năng lượng mà có chất xơ, đồ uống có bị ngọt không. Rồi khi ăn cũng phải…. đếm đũa để không bị quá… mồm. Bụng lúc nào cũng đói, người mệt mỏi nhưng vẫn phải cố tập tành theo đúng lịch. Bạn bè làm được và đã thành công, chẳng nhẽ mình không làm được”.
Với chế độ ăn uống và tập luyện hà khắc như vậy, trong tháng đầu tiên chị Vân đã giảm được gần 3 kg. Dẫu không đạt được nửa mục tiêu đề ra cho tháng đầu tiên, nhưng cũng là thành quả ban đầu đầy khích lệ. Các chế độ ăn được kiểm soát chặt chẽ hơn, cường độ luyện lập cao và dày hơn. Kết quả: Sang đúng đến ngày thứ 10 của tháng thứ hai, chị ngất xỉu giữa phòng làm việc. Nguyên nhân được nhân viên y tế kết luận: Do tụt huyết áp, cơ thể suy kiệt, cần bồi bổ cơ thể và nghỉ ngơi hồi sức. Sau 3 ngày nghỉ bồi dưỡng ở nhà, mức cân nặng của chị Vân trở lại điểm xuất phát trước khi nỗ lực giảm cân, thậm chí còn được “khuyến mãi” thêm 0.5kg.
Anh Đ.H. Chiến (Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng mà một điển hình về trường hợp giảm cân bất thành. Vốn tạng người không lấy gì làm “đô cây”, nhưng sau một vụ tai nạn giao thông chừng 15 năm trước, cân nặng cứ tăng dần đều; cộng thêm công việc và môi trường sinh hoạt khiến việc làm bạn với bàn nhậu thường xuyên, khiến cơ thể phát phì không phanh. Giữa năm 2016, thấy bất ổn sức khỏe, anh đi khám và được bác sĩ kết luận mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, máu nhiễm mỡ dạng Cholesterol toàn phần, men gan cao…
Nguy cơ từ ép cân vội vàng
Tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn uống được tư vấn, anh Chiến gần như loại bỏ thói quen ăn uống cũ, không đụng đến bia rượu, mỗi ngày hai buổi đạp xe với một buổi ít nhất một giờ đồng hồ. Sau một tháng, trọng lượng cơ thể giảm 6 kg; đến tháng thứ hai là gần 13 kg so với ban đầu. Nhìn thấy kết quả khả quan, anh càng tăng cường chế độ luyện tập, giảm hẳn ăn uống với thực đơn chỉ một bát cơm cho cả ngày, ăn rau củ, muối vừng thay cho thịt… Hết tháng thứ ba, tổng số cân giảm của anh Chiến là 18 kg, gần như trở về mức tiêu chuẩn quy chiến giữa cân nặng và chiều cao.
Khi đi khám lại, các chỉ số về tiểu đường, mỡ máu, men gan đều rất khả quan; tuy nhiên có một điều bác sĩ thẳng thắn chỉ ra, dù anh Chiến cũng nhận thấy trong quá trình giảm cân, nhưng cho rằng đó chỉ là do tập nhiều mà ăn ít nên cơ thể chưa quen: Anh quá lạm dụng chế độ ăn kiêng, trong khi cường độ luyện tập cao hơn mức cần thiết, dẫn đến cơ thể thiếu dưỡng chất, thường xuyên mệt mỏi và hay váng vất, dễ ốm vặt; từ làn da căng bóng ban đầu giờ trở nên nhăn nheo, chảy xệ và xám đen. Đây là những dấu hiệu cơ thể suy dinh dưỡng nghiêm trọng và tổn thương da trên diện rộng, rất dễ dẫn đến những bệnh nguy hiểm khác. Một chế độ ăn uống bắt buộc khác được đưa ra, cộng thêm tâm lý chán nản, chỉ sau vài tháng, cân nặng của anh Chiến đã trở về gần như cũ, chỉ có điều anh đã cố gắng điều chỉnh bớt bia rượu và thực phẩm có hại như thói quen ăn uống trước kia để hạn chế những bệnh mình từng mắc phải…
Nóng vội ép giảm cân nhanh chóng thường không đạt kết quả như ý hoặc thiếu bền vững với kết quả đạt được, chưa kể còn gây hại cho sức khỏe. Hãy theo dõi các biến đổi của cơ thể để có những điều chỉnh thức hợp cả về ăn uống lẫn luyện tập, cũng như các mốc thời gian phấn đấu với từng chỉ số giảm.
Người béo phì muốn giảm cân nên biết rằng các chế độ dinh dưỡng giảm cân đều dựa trên nguyên lí giảm thiểu tối đa lượng chất béo, giảm tinh bột và đường, tăng cường các chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Khi cơ thể bị mất cân bằng, việc thu nạp các chất trong một thời gian quá nhanh, nhu cầu nạp các chất đó sẽ tăng cao gấp nhiều lần sau giai đoạn ăn kiêng. Điều này có nghĩa là sau khi bạn dừng lại chế độ ăn kiêng đang áp dụng, hàm lượng chất béo, tinh bột và đường sẽ được cơ thể tự hiểu là hấp thu nhanh gấp nhiều lần, đương nhiên sẽ khiến cơ thể tăng cân trở lại. Do đó, đừng bao giờ nghĩ khi đạt được mức cân mong muốn là có thể “xả hơi”, lại thoải mái ăn uống và lười biếng vận động. Đây chính là lý do mà rất nhiều người sau khi giảm cân được một thời gian lại tăng vọt cân nặng trở lại, thậm chí còn hơn cả lúc chưa giảm.