“Tranh nhau” đi Vũ Hán
Khi Vũ Hán đang là nỗi ám ảnh của cả thế giới thì vẫn còn đó những người không quản ngại dấn thân vào vùng đất hiểm nguy. Tiếp viên trưởng Lê Dũng cho biết, anh đã không chút do dự khi đăng ký vào chuyến bay đó. "Để có được một suất đi chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước từ Vũ Hán, ngay khi có thông tin từ Tổng công ty, tôi đã phải nhanh tay đăng ký" - anh Dũng nói.
Anh Dũng không phải là người duy nhất mong muốn đi tới Vũ Hán. Theo anh Dũng, có rất nhiều người xung phong đi. "Một nữ đồng nghiệp của tôi có con học bên đó tha thiết được đi chuyến này. Tuy nhiên, quan điểm của Tổng Công ty là chỉ chọn tiếp viên nam, có kinh nghiệm bay lâu năm, có khả năng nói tiếng Trung Quốc” - anh Dũng chia sẻ.
Cũng theo anh Dũng, đi như thế này, bản thân anh không dám nói với bố mẹ vì sợ mọi người lo, không yên tâm. Người duy nhất biết anh có mặt trên chuyến đi này là vợ của anh. “Vợ tôi lo, bản thân tôi nói không lo cũng không đúng. Nhưng tôi biết mình cần phải đi. Tôi muốn đi. Cảm giác khi gặp người Việt mình và đưa họ về rất khó tả, vừa vui, vừa tự hào vì được làm gì đó cho họ” - anh Dũng kể lại.
Được biết, cả tổ tiếp viên tham gia chuyến bay này được chọn từ một danh sách hơn 33 tiếp viên nam và nữ, đều là những người xung phong, tình nguyện.
Chuyến bay không ăn uống, vệ sinh
Đây là một chuyến bay đáng nhớ nhất của phi hành đoàn. |
Đối với tiếp viên trưởng Phạm Hải Bằng, người đã 25 năm sát cánh cùng những chuyến bay của VNA thì đây là một chuyến bay đáng nhớ nhất. "Đây là một chuyến bay khá đặc biệt. Chúng tôi có rất nhiều việc phải chuẩn bị để đón bà con mà vẫn đảm bảo được an toàn cho bản thân cùng cả đoàn công tác" - anh Bằng chia sẻ.
Theo anh Bằng, để tránh lây nhiễm, cả đoàn công tác mặc đồ bảo hộ ngay từ khi bắt đầu lên máy bay. Đồng thời, hành khách cũng được yêu cầu mặc đồ bảo hộ đeo khẩu trang nên tổ bay không phục vụ suất ăn, tạp chí, chăn và dịch vụ giải trí trên chuyến bay đặc biệt này. Khó khăn nhất có lẽ việc đeo khẩu trang và bộ đồ phòng hộ gây khó chịu cho các cháu bé.
Trước khi lên tàu bay, hành khách đều thực hiện đúng theo yêu cầu của các bác sĩ với đầy đủ đồ phòng hộ và trang thiết bị theo quy định. Chúng tôi cũng lên kế hoạch, chuẩn bị nhiều kịch bản cho việc đón khách từ Vũ Hán, kể cả trường hợp hành khách có các triệu chứng ho sốt. Trong suốt hành trình, hầu hết hành khách dường như mệt nên sau khi cất cánh, mọi người đều ngủ.
Nhưng có lẽ cảm giác nhẹ nhõm nhất là khi cả đoàn được “thoát khỏi” bộ đồ bảo hộ. Thời điểm tới Vũ Hán, nhiệt độ bên ngoài hạ thấp chỉ 3 độ mà mồ hôi chảy ròng ròng trong người. 9 tiếng không ăn, uống, không đi vệ sinh (cả phi hành đoàn đều mặc bỉm để đảm bảo tuyệt đối không lây nhiễm). Nhưng chúng tôi vui mừng vô hạn khi hành trình đặc biệt này đã thành công tốt đẹp.
Kết thúc chuyến bay, cả đội đều sẵn sàng tinh thần cho một kỳ nghỉ bảy ngày. Nhớ lại những lần sơ tán người lao động ở Lybia, thời điểm sóng thần tại Nhật Bản hay ở Campuchia, phi hành đoàn hầu như không có ngày nghỉ. Chuyến này để đảm bảo an toàn, cả đoàn cách ly theo dõi sức khoẻ nên mới có “kỳ nghỉ” dài ngày như vậy. Mọi người đều coi đây như một cơ hội để nạp năng lượng, sẵn sàng cho những hành trình, thử thách mới trong tương lai.
“Nhiều giờ đồng hồ liền không ăn, không uống, không đi vệ sinh nhưng khi máy bay hạ cánh thì tất cả mọi người đều khoẻ mạnh. Chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, như thế là vui nhất”, anh Dũng nói và cho biết chuyến bay này là kỷ niệm đặc biệt thứ 2 của sau chuyến đi Nhật Bản đón hành khách người Việt về sau thảm hoạ động đất và sóng thần năm 2011.
Kể về bộ đồ bảo hộ không khác gì phi hành gia, anh Dũng nói: Tất cả mọi người đi chuyến bay đó đều được trang bị đồ bảo hộ theo chuẩn của Bộ Y tế. Ngay cả phi công dù không rời buồng lái, không tiếp xúc hành khách thì cũng phải mặc như những người khác.
Trên chuyến bay, mọi thứ đều được tối giản hết mức để đảm bảo vệ sinh phòng dịch. Mỗi khách về chỉ được phát một chai nước.
Bản thân phi hành đoàn thậm chí hạn chế uống nước và đóng bỉm để không phải đi vệ sinh. Trong bộ đồ bảo hộ y tế rất dày, việc đi lại trên máy bay của tiếp viên cũng không được thuận tiện.
Nhận bay vì bài học đầu tiên
Công tác kiểm tra được thực hiện kỹ trước khi chuyến bay đặc biệt cất cánh. |
Bất ngờ xen lẫn chút e dè là những cảm xúc đầu tiên của Đường Trung Dũng – cơ phó của đội bay A321 khi lần đầu tiên nhận nhiệm vụ thực hiện chuyến bay đón công dân về nước. Dù vậy, với tinh thần “không để đồng bào mình bị bỏ lại phía sau”, anh cùng tất cả thành viên trong đoàn đã cùng nỗ lực hết sức để đảm bảo chiến dịch giải cứu diễn ra thành công.
Trung Dũng là thành viên trẻ tuổi nhất của phi hành đoàn phục vụ chuyến bay đặc biệt đón công dân Việt Nam từ Vũ Hán về nước. “Cảm xúc đầu tiên sau khi nhận được tin mình sẽ thực hiện nhiệm vụ trên chuyến bay này là khá bất ngờ xen lẫn chút e dè vì tình hình dịch bệnh tại Vũ Hán. Tuy nhiên, là một phi công của hãng hàng không quốc gia, tôi hiểu và ý thức được nhiệm vụ của mình với Tổ quốc và đồng bào"- Trung Dũng chia sẻ. Theo anh Dũng, quyết định nhận chuyến xuất phát từ bài học đầu tiên của một phi công: “Người bay cũng là người lính, luôn sẵn sàng khi Tổ Quốc gọi tên".
Theo Trung Dũng, chuyến bay được thiết lập theo tiêu chuẩn gắt gao nhất với tổ bay giàu kinh nghiệm, đội ngũ kỹ sư, nhân viên kỹ thuật, mặt đất đều có chuyên môn cao. Phụ tùng, vật tư dự phòng cũng được đưa lên máy bay để sẵn sàng ứng phó với tình huống phát sinh liên quan đến kỹ thuật. Các bộ phận mặt đất được huy động để tăng cường trực điều hành, theo dõi sát sao chuyến bay với mức độ ưu tiên cao nhất, đảm bảo kế hoạch đề ra.
Nhắc tới điều ấn tượng nhất với bản thân trong suốt quá trình thực hiện chuyến bay, Trung Dũng khẳng định: “Đó là sự phối hợp hành động của rất nhiều bộ phận, không chỉ các đơn vị trong VNA mà còn của các đơn vị y tế, ngoại giao. Chuyến bay được lên kế hoạch và triển khai chỉ trong vòng 4 ngày với những yêu cầu hết sức khó khăn, ngặt nghèo. Tuy nhiên với tinh thần “không để đồng bào mình bị bỏ lại phía sau”, tất cả chúng tôi đều nỗ lực, chung tay cho hành trình đưa công dân Việt Nam về nước an toàn”.
Điều khó khăn nhất trong chuyến bay là giải pháp đảm bảo an toàn cho thành viên tổ công tác khi đi vào tâm dịch tại Vũ Hán. Phi hành đoàn đã triển khai hai cuộc họp với các bác sỹ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bộ Y tế. Từ đó, nhiều tình huống có thể phát sinh được đưa ra để có thể xây dựng kế hoạch trang bị bảo hộ tốt nhất cho chuyến bay lần này.
Việc thực hiện những chuyến bay đặc biệt luôn là sứ mệnh, trách nhiệm của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam. Khẳng định sự hãnh diện khi góp sức vào chiến dịch ý nghĩa lần này, Trung Dũng hào hứng: “Là một phi công trẻ của VNA, đây là lần đầu tiên tôi có vinh dự tham gia chuyến bay như vậy. Chuyến đi có lẽ sẽ là một kỷ niệm mà tôi sẽ không thể nào quên trong suốt cuộc đời cầm lái của mình”.
Sẵn sàng đỡ đẻ
Công tác quan trọng nhất trên chuyến bay được TVT Lê Dũng kể lại là chuẩn bị các phương án y tế đảm bảo sức khoẻ cho hành khách. Theo anh Dũng, mọi thứ đều đã được chuẩn bị hết sức kỹ càng cho các phương án hành khách bình thường thì thế nào, có hành khách sốt thì làm sao, cách ly như thế nào trên máy bay. Nhiệm vụ của từng người được bàn và giao hết sức cụ thể. Thành viên tổ bay mỗi người một việc như kiểm tra trang thiết bị, đón khách, phát trang phục phòng dịch cho khách. Các bác sĩ đi theo tàu thì kiểm tra sức khỏe cho hành khách tại chân máy bay.
“Thậm chí chúng tôi đã chuẩn bị một khu vực đỡ đẻ trên máy bay khi được biết có một nữ hành khách đang mang bầu 36 tháng. Đi cùng chúng tôi có một bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản. Tuy nhiên, mỗi tiếp viên ngay từ khi học cơ bản cũng đã được học cách đỡ đẻ và cắt nhau thai. Rất may, đến khi hạ cánh tại Vân Đồn thì mọi việc vẫn ổn. Chúng tôi đã không có một ca đỡ đẻ trên chuyến bay đặc biệt này” - anh Dũng nói.
TVT Phạm Hải Bằng tỏ ra khá bình thản trước tình huống này bởi tất cả tổ tiếp viên đã được học một nghề “tay ngang” – đỡ đẻ. "Rất may là “nghề này” chúng tôi chưa phải dùng đến" - anh Bằng vui vẻ cho biết.