Anh Lê Nam, ngõ Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội) vẫn miệt mài rửa xe và mời chào khách. Dẫu cái rét lạnh căm khi phải sờ vào nước, vào nước tẩy rửa vẫn làm anh vui. Anh thổ lộ “thời buổi Covid này, có việc là vui rồi. Tranh thủ làm vất vả chút cũng không sao mà”.
Nhìn bàn tay thoăn thoắt dùng vòi nước và tấm giẻ lau chùi cũng đủ nói lên tâm trạng của anh. Sự lạc quan ấy đã lan tỏa ra cả khách hàng “tôi không ngần ngại thưởng thêm cho anh ấy vài đồng lẻ, dẫu tôi không mấy dư dả” – anh Lâm, một khách hàng nói.
Anh Minh Sơn, chạy xe ôm và chị Lan, bán cây cảnh ở phố Nguyễn Khoái (Hoàng Mai, Hà Nội) cùng ăn vội bữa trưa chiều 30 Tết và tranh thủ kiếm tiền. Anh chị cho biết: “Bọn mình ở nhà thuê nên khó khăn lắm. Phải tận dụng mọi thời điểm thì mới đủ trang trải cuộc sống”.
Lúc này là 1h chiều 30 Tết tại một khu chợ cóc ở Hà Nội, những người bán hàng rau, củ quả vẫn mời chào và khách vẫn bận bịu lựa chọn mua hàng.
Theo chị Lan, người bán hàng: “Năm nay 30 Tết lạnh nhưng rau củ quả vẫn rẻ quá. Nguồn cung nhiều mà người tiêu thụ lại ít. Chả hiểu sao giờ này vẫn ít người mua. Như mọi năm tôi hết hàng lâu rồi. Lạnh quá. Nhưng may vì trời lạnh nên hàng vẫn không sợ hỏng. Hy vọng chiều tối nhiều người mua hơn”.
Hoa ngày 30 năm nay dường như đẹp hơn nhưng cũng vắng người mua hơn. Người bán đứng, ngồi, bày biện la liệt hoa Tết trong phố, ngoài ngõ, triền đê… Chị Phú, người bán hoa tuylip ở chợ Hôm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Trời lạnh quá mà bán mãi chẳng hết. Ước gì bán hết sớm để mình về làm cơm cúng”.
Còn theo chị Phi, người bán hoa đào: “Buồn quá, hoa đẹp mà ít người mua. Giờ này rồi đứng ngồi không yên. Phải cố thôi, cố bán được đến đâu thì bán”.
Ở một số góc phố đường Quảng Bá (quận Tây Hồ, Hà Nội) nơi có nhiều mặt hàng như cau tươi, hoa độc lạ nhưng ít khách hàng. Bà Tâm nói: “Năm nay vì Covid-19 kéo dài nên bà con thắt chặt chi tiêu. Hoa lạ vừa đẹp vừa giá phải chăng mà không bán chạy. Cau tươi và hoa lay ơn giờ này mọi năm tôi hết lâu rồi mà giờ vẫn còn. Buồn nhất là tôi dự đoán từ lúc này đến giao thừa chắc cũng có ít người mua lắm vì trời lạnh họ lại càng ít đi ngoài đường…”.
Chiều 29 Tết tất bật nhất vẫn là những người giao hàng. Trời lạnh và có mưa lất phất họ vẫn mặc áo mưa tranh thủ thời gian, vừa cho đỡ cảm giác lạnh buốt trong khi di chuyển.
Anh Lam tâm sự “ship hàng ngày Tết cực lắm vì đường đông. Nhưng thôi cũng vui vì có thu nhập. Mình tranh thủ chạy đến chiều tối thì về nhưng nếu khách trả cao thì vẫn cố. Chả ai mong ra ngoài đường lúc này nhưng thôi, trời chắc chẳng phụ lòng mình…”.
Chiều tối, khu chợ ngõ Nguyễn An Ninh (phường Tương Mai, Hoàng Mai) vẫn tấp nập hàng gà, vịt, ngan… Người bán tranh thủ bán hàng và mổ thuê. Anh Nin cho biết: “Chúng tôi huy động cả nhà để phục vụ bà con ngày này. Từ tờ mờ sáng đến giờ, chưa lúc nào ngơi tay chỉ hy vọng được về nhà khoảng 5h chiều nay. Biết làm sao khi bà con thủ đô bận bịu, giờ này vẫn chưa hết hàng. Còn người mua thì chúng tôi còn phục vụ”.
Chị vợ nói thêm: “Bây giờ tìm được chỗ bán hàng cũng khó, chỗ bé téo mà chúng tôi phải thuê 2 triệu tháng Tết nên phải cố gắng...”.
Khác với mọi năm, theo anh Nam – người bán đồ cũ/đồ cổ tại chợ Đồ cổ Vạn Phúc (Hà Đông) cho hay: “Năm nay bà con ít tiền nên bán chậm quá. Đến hàng ăn còn ế nữa là đồ cổ/đồ cũ. Chỉ có một phần nhỏ người khá giả chơi thôi, còn lại chỉ là người ngắm với nhau…”.
Anh La, người bán hàng bên cạnh nói thêm “năm hổ bày bán hổ mà chả ai mua. Thế này thì lại đem về ngắm với nhau thôi. Vốn liếng của những món đồ này đâu có ít. Lợi nhuận chả thấy đâu. Lo lắng lắm. Cô vid buồn ơi là buồn”. Nói đoạn, họ cười nhưng nụ cười ấy chứa hàm nỗi lo âu...