Những người “gieo hạt giống tâm hồn”

Những người “gieo hạt giống tâm hồn”

Luôn trăn trở vì học trò

28 năm gắn bó với phấn trắng, bảng đen, cô Lê Thùy Minh - GV Trường TH Hoàng Diệu (quận Ba Đình) luôn trăn trở với những suy tư tìm ra hướng đi mới trong công việc dạy học của mình, mang lại hiệu quả giáo dục cao. Là người có ý tưởng và tư duy sáng tạo nên cô Minh thiết kế nhiều đồ dùng dạy học. Những sản phẩm do cô làm ra vừa mang tính truyền thống, vừa kết hợp với công nghệ hiện đại. Trong đó, đồ dùng dạy học đa năng mang tên “Trò chơi ô cửa kì diệu”, gồm 1 bộ đồ dùng truyền thống kết hợp với 5 đĩa DVD môn học do cô thiết kế. Bộ đồ dùng này đã đoạt giải Nhì cấp thành phố trong Hội thi đồ dùng dạy học sáng tạo.

Bằng kinh nghiệm của mình, cô nghiên cứu, hướng dẫn HS làm các sản phẩm từ nguyên liệu tái chế, phục vụ việc học tập và giảng dạy. Sản phẩm “Mái trường - Cánh diều ước mơ” từ nguyên liệu tái chế tham dự cuộc thi “Sáng tạo xanh” đoạt giải Nhất cấp trường và giải Khuyến khích cấp thành phố. Điểm nhấn của sản phẩm chính là mái trường hình cánh diều được làm từ nhiều que kem tái sử dụng và nó đẹp như chính ước mơ của các em.

Tự học, cập nhật kiến thức và sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, cô luôn đúc rút mọi kinh nghiệm để viết thành sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục. Cô Minh đã có 6 sáng kiến kinh nghiệm đoạt giải B, C cấp ngành. “Các sáng kiến của tôi luôn xoay quanh các vấn đề thiết thực trong dạy và học như: Xây dựng trò chơi, thiết kế đồ dùng, tư liệu dạy học áp dụng rộng rãi trong trường học, giúp GV giảm thiểu thời gian chuẩn bị bài dạy, đổi mới phương pháp dạy học đem lại niềm vui và hưng phấn học tập” - cô Minh chia sẻ.

Là GV chủ nhiệm lớp 1, kiêm khối trưởng chuyên môn khối 1, cô luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, chủ động đổi mới sinh hoạt chuyên môn, chú trọng cập nhật công nghệ thông tin. Vậy nên, ngay sau khi HS nghỉ học phòng chống dịch Covid-19, cô là một trong những GV đầu tiên áp dụng dạy học trực tuyến. Cô giao nhiệm vụ học tập cho học trò trên các nhóm mạng xã hội của lớp để phụ huynh phối hợp thực hiện. Vì thế, đến thời điểm này, HS của cô cơ bản đã đọc thông, viết thạo và đáp ứng yêu cầu về kiến thức bài học.

Giáo dục bằng phương pháp nêu gương

Những người “gieo hạt giống tâm hồn” ảnh 1
Cô giáo Bùi Thị Thúy Vân và các học trò của mình. Ảnh: NVCC

Cô Bùi Thị Thúy Vân - GV Ngữ văn Trường THCS Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) quan niệm: “Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình”. Vì thế, cô luôn đau đáu làm thế nào để có thể cải thiện mối quan hệ giữa cô và trò, để các em chủ động chia sẻ với mình về cuộc sống. Để làm được điều đó, cô bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất như: Thay đổi thái độ khi lên lớp; thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá học trò; thay đổi thông qua các hoạt động. Đặc biệt, cô đã thành công trong việc GD học sinh thông qua phương pháp nêu gương.

Cô Vân thường kể những câu chuyện hạt giống tâm hồn; gương người thật, việc thật trong cuộc sống; các các thần tượng của giới trẻ hiện nay như: Ca sĩ Mỹ Tâm, Noo Phước Thịnh, Sơn Tùng M-TP… Từ đó, phân tích cho các em thấy, họ cũng đã cố gắng, lao động hết mình, vượt qua nhiều khó khăn để đạt được thành công. Vì vậy, các em cũng cần học tập, noi gương thần tượng của mình, phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để đạt được ước mơ.

Bên cạnh đó, cô Vân còn tăng cường rèn kỹ năng sống cho HS thông qua các hoạt động trải nghiệm. Dưới sự tư vấn, định hướng của cô, các em đã lựa chọn nội dung, thiết kế, tổ chức các hoạt động tại lớp như: “Chào xuân”, “Thần tượng”, “Tình yêu tuổi học trò”, “Trao gửi yêu thương”, “Gắn kết và sẻ chia”… Thông qua các hoạt động này, HS trong lớp có thêm nhiều kỹ năng trong cuộc sống, đoàn kết và gắn bó với nhau hơn. Các phương pháp ấy, bước đầu đã nhận được sự ủng hộ, hợp tác từ phía phụ huynh, tạo sự gắn kết giữa gia đình, nhà trường trong GD học sinh.

“Ngay từ đầu năm học, tôi đã hướng dẫn HS cách quan sát, nhìn nhận, đánh giá về các sự vật, sự việc mà các em thấy được; sau đó sẽ ghi lại thành cảm nhận, thậm chí có thể sáng tác thành những câu chuyện nhỏ. Cuối năm, cô - trò sẽ tập hợp những câu chuyện đó để biên tập, thiết kế và in thành sách. Những cuốn sách đó được để ở thư viện góc lớp, các em có thể mượn đọc trong các giờ nghỉ giải lao, hoặc gửi tặng phụ huynh. Đây là cầu nối để phụ huynh hiểu hơn về trường, lớp và các con của mình; từ đó hỗ trợ các con và nhà trường trong mọi hoạt động GD. Ngoài ra, đó cũng là cách để học sinh yêu thích văn học hơn và học tập tích cực hơn trong mỗi giờ lên lớp” – cô Bùi Thị Thúy Vân chia sẻ.

Cô Vân đã thành công ở cả hai lĩnh vực: Chuyên môn và công tác chủ nhiệm. Các lớp cô giảng dạy luôn đứng top đầu của khối. Lớp cô chủ nhiệm luôn dẫn đầu trong các phong trào thi đua của nhà trường. Điều mà cô cảm thấy hạnh phúc nhất, đó là có được là sự tín nhiệm của đồng nghiệp, lòng tin yêu của phụ huynh và sự kính trọng của các HS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ