Những “người đưa đò” tham gia chống dịch

Những “người đưa đò” tham gia chống dịch

Những hành động đẹp, nghĩa cử nhân văn ấy góp sức mình vào thành đồng Tổ quốc, đẩy lùi đại dịch.

Cả hiệu trưởng lẫn phó đều thành… đầu bếp

Ngày nào cô Dương Thúy Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) cũng có mặt tại bếp ăn từ 5 giờ sáng. Đây là “thói quen” từ ngày 21/3 khi nơi đây trở thành bếp ăn dã chiến phục vụ khu cách ly tại ký túc xá Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng.

Sau khi đo thân nhiệt, thực hiện quy trình sát khuẩn cho mình và đồng nghiệp phục vụ tại bếp, cô Bình nhận và kiểm tra thực phẩm. Sau đó, cô điều tiết nhà bếp và phân công giáo viên phục vụ bếp ăn. Mặc dù có kinh nghiệm trong việc quản lý bữa ăn bán trú cho học sinh của nhà trường, nhưng theo chia sẻ của cô Bình, ban đầu mọi việc khá bỡ ngỡ.

Bữa ăn đầu tiên, do quen chế biến món ăn cho trẻ, các cô làm nhiều thực phẩm trong một món và băm nhỏ. Ngay sau đó, nhận được phản hồi từ người cách ly, các cô đã điều chỉnh phù hợp.

Theo cô Nguyễn Thị Thắm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, cùng với tổ nhà bếp, hàng ngày có 6 cô giáo của các tổ khối trong trường chia nhau đến phục vụ bếp ăn. Các cô tình nguyện tham gia, góp một phần công sức vào phòng chống dịch bệnh. Tùy theo lượng người cách ly trong từng ngày mà số lượng suất ăn thay đổi. Trung bình mỗi ngày bếp ăn dã chiến tại Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ phục vụ trên 150 người/ngày/3 bữa.

Theo cô Bình, thực đơn bữa ăn được lên cẩn thận. Bảo đảm đủ số tiền quy định 75.000 đồng/người/ngày và đủ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm. Khi các cô nấu bếp chế biến món ăn, giáo viên của nhà trường phụ bếp, chia các món ăn vào khay và chuyển xuống sân trường cùng các đoàn viên thanh niên mang vào phục vụ nhân dân khu cách ly.

Bữa sáng được chuyển đến khu cách ly lúc 6 giờ 30 phút, cô Bình quay lại nhận thực phẩm cho bữa trưa. Ngày nào cũng vậy, khi cơm nóng được đóng khay là lúc đồng hồ điểm 10 giờ 30 phút, giờ đưa cơm trưa đã đến, thức ăn còn nóng hổi được chuyển ngay đến tay người cách ly.

Theo chia sẻ của cô Bình, 17 giờ chiều, các suất ăn được lên khay và chuyển tới người cách ly. Sau khi xong, giáo viên quay lại vệ sinh, sát khuẩn bếp ăn sạch sẽ. Đến 18 giờ hàng ngày, mọi việc xong xuôi, cô Bình mới rời trường về nhà. Tuy nhiên, nhiều lần gần ra về lại nhận được điện thoại từ cán bộ ở khu cách ly báo thêm suất ăn.

Cô Bình cho hay, có ngày cán bộ báo thêm tới 25 suất ăn. Lúc đó, các cô nấu bếp đã về, nhà lại xa. Nhà trường phải huy động thêm một vài cô giáo ở gần đến phụ giúp. Lúc đó, không còn cách nào khác, Hiệu trưởng, Hiệu phó xắn tay vào làm đầu bếp.

“Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần chung tay, góp sức đẩy lùi dịch bệnh, chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi được góp một phần công sức của mình”, cô Nguyễn Thị Thắm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ chia sẻ.

Giáo viên trẻ viết đơn xin tham gia chống dịch

Mong muốn được góp sức, cô Đoàn Thị Hồng Lương, giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng đã viết đơn gửi Đoàn Thanh niên phường Đổng Quốc Bình và Quận đoàn Ngô Quyền xin tham gia chống dịch.

Đơn có đoạn viết: “Trong những ngày này, người dân trên mọi miền của Tổ quốc đang cùng chung sức đồng lòng với Đảng, Nhà nước chống giặc Covid-19. Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh cũng như khuyến cáo của Chính phủ: Hạn chế ra ngoài trừ khi có việc thực sự cần thiết, ai ai cũng mong muốn bản thân và gia đình được bình yên, an toàn.

Nhưng hình ảnh các bác cựu chiến binh ngày đêm trực chốt tại các tổ dân phố, các bạn sinh viên căng mình ra sức hỗ trợ tại các khu cách ly tập trung… khiến cho tôi - một đoàn viên thanh niên có sức trẻ, khỏe rất trăn trở muốn góp sức mình vào công tác phòng, chống dịch tại địa phương…”.

Chia sẻ về hành động này, cô giáo Hồng Lương cho hay, đây là tâm nguyện của cô cũng như nhiều đoàn viên thanh niên khác trong Trường Tiểu học Lê Hồng Phong. Đó là việc nên làm của một đoàn viên thanh niên, mong muốn được phục vụ nhân dân, được xung phong đầu trận tuyến “chống giặc”.

Trên fanpage Thành đoàn Hải Phòng viết: “Đất nước ta đang bước vào giai đoạn gay go nhất trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19, hơn bao giờ hết, sức mạnh đoàn kết của toàn dân cần được phát huy. Thật cảm động và cũng thật tự hào biết bao trước những tấm gương không ngại khó khăn gian khổ như cô giáo Đoàn Thị Hồng Lương trong chiến dịch này. Ngày thường, họ là những người lái đò chèo lái ước mơ của biết bao thế hệ học sinh nhưng khi Tổ quốc cần họ sẵn sàng trở thành những người anh hùng thầm lặng để bảo vệ đất nước. Một lần nữa, xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc đến đoàn viên - cô giáo Đoàn Thị Hồng Lương trước sự hy sinh lớn lao của chị!”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong chia sẻ: “Cô giáo Đoàn Thị Hồng Lương là một đoàn viên thanh niên rất năng nổ, nhiệt tình với các phong trào, đặc biệt phong trào Đoàn. Trong công tác chuyên môn, cô Lương là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Cô là giáo viên đoạt giải viết chữ đẹp cấp thành phố nhiều năm liền. Là giáo viên lớp 1, cô Lương luôn chăm chút, yêu thương học trò, được phụ huynh quý mến”.

Cậu trò nghèo lớp 2 “góp vũ khí cho tiền tuyến”

Mặc dù có hoàn cảnh khó khăn nhưng Phạm Khắc Ngọc Bảo, học sinh lớp 2C Trường Tiểu học Tam Cường (huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) đã gửi tặng Chương trình Phòng chống dịch bệnh Covid-19 của xã Tam Cường số tiền 2,854 triệu đồng.

Theo chia sẻ của bà ngoại Ngọc Bảo, thời gian được nghỉ học ở nhà để phòng dịch, Ngọc Bảo xem trên truyền hình thấy nhiều người dân ủng hộ công tác phòng dịch của địa phương bằng những khoản tiền tiết kiệm của mình. Đặc biệt, cháu thấy cụ bà 101 tuổi ủng hộ 2 tấn gạo và rau cho Chương trình Phòng chống dịch bệnh Covid-19. Bảo kể chuyện với mẹ, được mẹ động viên, em đã dành phần tiền tiết kiệm của mình trong lợn đất để ủng hộ.

Ông Lương Cao Thắng, Chủ tịch UBND xã Tam Cường cho biết, MTTQ Việt Nam xã Tam Cường vừa tiếp nhận số tiền 2,854 triệu đồng từ cháu Phạm Khắc Ngọc Bảo, học sinh lớp 2C Trường Tiểu học Tam Cường gửi tặng Chương trình Phòng chống dịch bệnh Covid-19 của xã. Ngọc Bảo sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Bố cháu mất vì bệnh u não khi cháu chưa đầy 1 tuổi. Do kinh tế khó khăn, mẹ cháu phải đi làm xa để nuôi cháu. Hiện cháu sống với ông bà ngoại đã già.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.
Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.