Trong nhiều nền văn hóa và tôn giáo, hiện tượng này có ý nghĩa tâm linh đặc biệt.
Có hai nguyên nhân tạo nên lửa vĩnh cửu tự nhiên. Thứ nhất, nếu nguồn nhiên liệu là khí đốt tự nhiên, nguồn cung cấp phải ổn định, đủ lượng để giữ cho ngọn lửa cháy vĩnh cửu.
Thứ hai, điều kiện môi trường phải đủ thuận lợi để bảo vệ ngọn lửa khỏi các yếu tố bên ngoài. Ví dụ, lửa vĩnh cửu tự nhiên phải được che chắn khỏi gió hoặc mưa. Đặc điểm địa chất tự nhiên có thể che chắn và duy trì ngọn lửa trong hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm.
Thác lửa vĩnh cửu, khu bảo tồn Shale Creek (New York, Mỹ)
Thác lửa vĩnh cửu (Eternal Flame) nằm ẩn mình trong một hang động nhỏ phía sau một thác nước cao 10,7m. Ngọn lửa cao khoảng 20cm và cháy trong hàng nghìn năm.
Các nhà khoa học chưa rõ nguồn cung cấp nhiên liệu cho ngọn lửa vĩnh cửu này. Tuy nhiên, họ cho rằng một quá trình địa chất nào đó giải phóng khí tự nhiên đều đặn từ lớp đá phiến sét ở độ sâu 400m.
Bên trong hang động, người ta có thể quan sát ngọn lửa nhỏ phần lớn thời gian trong năm, ngay cả vào mùa Đông khi thác nước bị đóng băng. Thi thoảng, ngọn lửa có thể bị dập tắt rồi lại nhen lên.
Yanartas, thung lũng Olympos (Thổ Nhĩ Kỳ)
Trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, yanartas có nghĩa là “đá cháy, đá lửa”. Đây là một trong những ngọn lửa vĩnh cửu tự nhiên thú vị nhất thế giới, nằm trên núi Chimaera trong thung lũng Olympos, Antalya. Khu vực này không chỉ có một mà hàng chục ngọn lửa tự nhiên nhỏ.
Những ngọn lửa này nằm gần tàn tích của đền thờ cổ đại thờ Hephaestus, vị thần của thợ rèn và lửa trong thần thoại Hy Lạp. Chúng đã tồn tại qua hơn 2,5 thiên niên kỷ. Theo du khách, khu vực trông như địa ngục trên Trái đất vào ban đêm.
Erta Ale (Ethiopia)
Erta Ale, có nghĩa là “ngọn núi bốc khói”, nằm ở vùng lòng chảo Afar, Ethiopia. Giống như tên gọi, Erta Ale là núi lửa hình khiên cao 613m. Điểm ấn tượng nhất của nó là hồ dung nham hoạt động thường xuyên gần đó.
Đây là một hiện tượng cực kỳ hiếm gặp, nhất là khi nó còn tồn tại lâu như vậy. Người dân địa phương gọi hồ dung nham của Erta Ale là “cổng địa ngục”, được phát hiện năm 1906. Chu kỳ của hồ bao gồm nguội đi, hình thành lớp màu đen và phun những ngọn lửa cao 3,96m.
Yanar Dağ (Azerbaijan)
Yanar Dağ là ngọn lửa vĩnh cửu tự nhiên nằm trên dãy núi Lesser Caucasus và thường được ví như “mảnh đất của lửa”, một phần do sự tồn tại của hiện tượng tự nhiên đặc biệt này.
Yanar Dağ cháy nhờ khí tự nhiên rò rỉ từ lớp đá sa thạch xốp ở sườn đồi trên vịnh Absheron. Đôi khi, ngọn lửa mãnh liệt đến mức có thể bốc cao 2,74m. Ngọn lửa đã được người dân địa phương biết đến từ thời cổ đại. Theo truyền thuyết Hy Lạp, khu vực này được cho là nơi các vị thần Hy Lạp giam cầm Prometheus sau khi ông truyền cho con người bí mật về lửa.
Miệng hố gas Darvaza (Turkmenistan)
Miệng hố gas Darvaza, Turkmenistan, đã cháy hơn 50 năm. |
Sa mạc Karakum ở Turkmenistan là nơi cất giữ một trong những ngọn lửa vĩnh cửu tự nhiên ấn tượng nhất thế giới. Nằm trên mỏ khí khổng lồ được các kỹ sư xăng dầu Liên Xô phát hiện vào thập niên 1970, đây là một trong số ít ngọn lửa ra đời do bàn tay của con người.
Hoạt động khoan thăm dò trong khu vực đã dẫn đến một vụ sập dưới lòng đất, khiến giàn khoan và lều trại bị mặt đất nuốt chửng. Tuy tai nạn không gây thiệt hại về người nhưng một lượng lớn khí metan bắt đầu tràn ra từ miệng hố.
Thay vì để số khí này tích tụ gây nguy hiểm, các kỹ sư quyết định đốt khí gas thoát ra. Trái với dự đoán ngọn lửa tắt sau vài ngày, nó đã cháy trong suốt hơn 50 năm.
Baba Gurgur (Iraq)
Nằm gần thành phố Kirkuk, Iraq, Baba Gurgur là một trong những mỏ dầu lớn nhất thế giới. Baba Gurgur, theo tiếng Kurd có nghĩa là “cha của những ngọn lửa”, được phát hiện vào những năm 1920.
Thời điểm đó, việc thờ lửa vẫn còn phổ biến nên các sản phụ đến đây để cầu nguyện sinh con trai. Baba Gurgur đã trở thành địa điểm văn hóa, tâm linh gắn liền với đời sống của người dân Iraq.
Suối nước nóng Guanziling (Đài Loan)
Được coi là một trong bảy kỳ quan của Đài Loan, ngọn lửa vĩnh cửu tự nhiên nằm ở khu vực suối nước nóng thị trấn Guanziling thường xuyên thu hút khách du lịch. Tương truyền rằng Guanziling là quê hương của kỳ lân, linh vật nổi tiếng trong các câu chuyện thần thoại Trung Quốc.
Và nơi ngọn lửa vĩnh cửu Guanziling xuất hiện là nơi diễn ra trận chiến giữa hai con kỳ lân, một sở hữu sức mạnh lửa, một sở hữu sức mạnh nước. Hai con vật đều chết trong trận chiến nên dòng suối được tạo ra từ nước mắt của kỳ lân nước. Linh hồn của kỳ lân lửa hóa thành ngọn lửa vĩnh cửu tự nhiên.
Núi Cháy (Australia)
Núi Cháy (Burning Mountain) hay núi Wingen nằm ở bang New South Wales được cho là đã cháy hơn 6.000 năm và có thể là ngọn lửa vĩnh cửu tồn tại lâu nhất thế giới.
Theo nghiên cứu của nhà địa chất học Reverend C.P.N Wilton, ngọn lửa xuất phát từ một đám cháy từ than đá ngầm nằm sâu 30m trong lòng núi Wingen. Chính mỏ than này đã và đang nuôi dưỡng ngọn lửa ngầm cháy âm ỉ hơn hàng nghìn năm nay.
Không ai biết chính xác ngọn lửa bắt đầu như thế nào nhưng các nhà khoa học cho rằng, nó được tạo thành từ một vụ sét đánh hoặc một đám cháy rừng. Cũng có giả thuyết cho rằng, nó xuất phát từ việc đốt lửa của thổ dân thời xưa.
Hoặc ngọn lửa tự đốt cháy. Quá trình này xảy ra khi vỉa than tiếp xúc với không khí, tạo ra phản ứng với oxy và tự bốc cháy. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra bởi mức độ tự đốt nóng của than chỉ dao động từ 35 - 140 độ C.
Hồ Kawah Ijen (Indonesia)
Nằm trên miệng núi lửa, hồ Kawah Ijen có màu nước xanh ngọc đặc trưng, quanh năm bao phủ trong làn khói trắng. Hồ Kawah Ijen nằm ở độ cao 2.300m so với mực nước biển. Mặt hồ có bán kính rộng khoảng 361m và sâu 200m.
Nơi đây hợp với các khu vực lân cận thành một quần thể hồ núi lửa rộng 45 ha. Các nhà khoa học cho rằng một lượng lớn lưu huỳnh thoát ra từ miệng núi lửa Kawah Ijen. Nó bốc cháy khi tiếp xúc với không khí, tạo ra ngọn lửa màu xanh ngọc.