Những nghĩa cử cao đẹp dành cho sỹ tử

Những nghĩa cử cao đẹp dành cho sỹ tử

(GD&TĐ) - Hàng năm, cứ đến mùa ôn thi tốt nghiệp các học sinh lớp 12 đều tăng cường học 2 buổi, 1 buổi học chính khóa và 1 buổi ôn tập. Trong số đó, có nhiều em thuộc diện khó khăn hoặc nhà xa trường, đi lại vất vả phải ở lại trường buổi trưa. Từ thực tế đó, phong trào “ suất cơm mùa thi” đã được trường THPT Trần Đại Nghĩa, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long phát động nhằm giúp các em học sinh yên tâm học tập.

Phụ huynh phụ nấu bửa ăn cho “sĩ tử” ở hội đồng thi Phan Văn Trị, huyện Phong Điền, Tp Cần thơ
Phụ huynh phụ nấu bửa ăn cho “sĩ tử” ở hội đồng thi Phan Văn Trị, huyện Phong Điền, Tp Cần thơ
Ngay trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Hội đồng thi trường Phan Văn Trị, huyện Phong Điền Cần Thơ cũng tổ chức bữa ăn trưa cho thí sinh nhà xa. Đó chính là những bữa cơm thắm đượm nghía tình dành cho các “sĩ tử”
Ủng hộ những suất cơm từ những ngày đầu ôn tập
Từ 5 giờ sáng, tại bếp ăn của trường THPT Trần Đại Nghĩa, huyện Tam Bình, các thầy cô giáo tất bật với công việc chuẩn bị bữa cơm trưa cho hơn 70 em học sinh lớp 12 của Trường.
Đã 5 mùa ôn thi tốt nghiệp đi qua, Trường THPT Trần Đại Nghĩa, huyện Tam Bình đã duy trì tổ chức bữa cơm trưa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc nhà ở xa trường. Đây là sáng kiến của BGH nhà trường với mong muốn hỗ trợ cho các em học sinh lớp 12 có bữa cơm trưa để ấm lòng, đảm bảo sức khỏe, yên tâm ở lại trường học tiếp buổi chiều – buổi phụ đạo ôn tập  cũng như các ngày thi tốt nghiệp.
Thí sinh có bữa ăn ngon, hợp vệ sinh
Thí sinh có bữa ăn ngon, hợp vệ sinh
Thầy Nguyễn Hồng Bảo – Phó Hiệu trưởng – Trường THPT Trần Đại Nghĩa cho biết: “Mỗi phần ăn của các em là 15.000 đồng/1 phần,  tính suốt cả đợt này đó thì nhà trường sẽ chi cho các em số tiền là khoảng 300.000đồng/ 1 học sinh. Đây là phong trào mang tính nhân văn rất cao vì nó giúp cho các em học sinh có điều kiện để ôn thi đạt kết quả cao trong kì thi tốt nghiệp cho nên là nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện phong trào này”.

Em Phan Hồng Lẫm – Học sinh lớp 12C1 cho biết: “ Trước khi chưa có bữa cơm này thì em gặp khó khăn là phải đi về nhà và phải đi vô sớm trong khi thời gian là rất hạn chế, cảm thấy mệt khi học tập nên khi có bữa cơm nhân ái của trường thì em cảm thấy em được khỏe khoắn hơn và có thể học tốt hơn cho buổi học chiều”.

Mô hình bữa cơm nhân ái là hoạt động mang tính giáo dục cao về tình thương và sự chia sẻ. Với sự quan tâm đó, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường đã vượt khó vươn lên học tập tốt, đạt được kết quả đáng khích lệ qua mỗi mùa thi. Năm học 2010-2011, trường có trên 93% học sinh đậu tốt nghiệp, được xếp thứ 9 so các trường THPT trong toàn tỉnh. Riêng số học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn tỷ lệ đậu tốt nghiệp trong năm học qua đạt hơn 97%.
Bên cạnh đó mô hình nấu ăn cho học sinh nghèo trong những ngày ôn tập và thi tốt nghiệp thì tại THPT Phan Văn Hòa, cô giáo Ngọc Trinh hỗ trợ một suất ăn trong 6 tuần ôn tập cho một HS lớp mình. Thầy Thanh Long cũng dành một suất tương tự để góp vào quỹ hỗ trợ các em ăn trưa. “Có bao nhiêu đâu, còn nhiều em hoàn cảnh thương lắm, mình dạy các em nên hiểu rõ các em hơn ai hết. Cùng góp một chút nho nhỏ hòa vào cái chung, cho các em yên tâm hơn trước và trong mỗi mùa thi...” cô giáo Ngọc Trinh tâm sự.

“Nhường cơm sẻ áo” cho học trò  trong những ngày thi 

Chúng tôi trở lại trường THPT Phan Văn Trị ,  Huyện Phong Điền TP. Cần Thơ vào bữa sáng ngày thi đâu tiên trong trận mưa rất to nhưng trong không khí rất tất bật chuẩn bị bửa cơm trưa cho các em học sinh. 

Đó là số suất cơm trưa tình nghĩa của cô Võ Thị Kim Ngân một phụ huynh có con đang theo học tại trường, cô tâm sự: “Kỳ thi tốt nghiệp lớp 12, nhiều học sinh ở các xã cách hội đồng thi vài chục cây số về không thể về nhà nên các em phải ở lại trường chờ môn thi buổi chiều nên các em phải ăn bờ, ở bụi. Nhiều lúc học sinh đi thi về trễ không còn cơm để ăn hoặc có quán cơm phục vụ không tốt dễ xảy ra chuyện đau bụng giữa chừng, nguy hiểm lắm!”  

Theo em Nguyễn Thị Trúc Hà là học sinh dự kì thi tốt nghiệp năm nay tâm sự: “Nhà em ở xã Trường Long cách Hội đồng thi hơn 10 km nên em không có điều kiện về nhà vào buổi trưa. Chúng em được bữa cơm này  em cũng như các bạn rất mừng và rất cảm ơn tấm lòng của cô Ngân đã giúp chúng em ấm lòng trong những ngày thi, với việc làm của cô ngoài việc giúp chúng em trong kì thi này mà còn giúp chúng em có niềm tin trong đọt thi vào ĐH nữa”. Còn em Nguyễn thị Minh Thư xúc động bày tỏ: “Mỗi ngày em phải đạp xe khoảng 5km đến trường, nên việc đi về nhà ăn cơm buổi trưa hơi cực và đặt biệt trong kì thi quan trọng nay. Nhờ trường tổ chức bữa cơm trưa nên chúng em có thời gian ở lại trường tiếp tục ôn bài vào buổi chiều”. Nhờ có những suất cơm này các học sinh này không còn những cảnh học sinh ngất xỉu trong những kì  thi vì đói nữa.  

Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2011 – 2012 ngoài việc tổ chức nấu ăn cho các em thi trường THPT Phan Văn Trị còn bố trí thêm 5 phòng ở trong Huyện đội Phong Điền  cho các em xa nhà không có điều kiện đi lại. 

Long An: Thí sinh vùng sâu vùng xa yên tâm đi thi

Địa bàn tỉnh Long An có 10/37 hội đồng coi thi với gần 100 phòng thi thuộc các điểm trường vùng sâu, vùng xa… Năm nay thí sinh ở các huyện Châu Thành, Cần Đước tỉnh Long An rất yên tâm đi thi vì được Hội Khuyến học hỗ trợ xe đưa rước, ngoài ra còn tổ chức hỗ trợ cơm trưa cho thí sinh. Một số hội đồng thi trong tỉnh tổ chức nơi nghỉ trưa và nơi ở cho thí sinh vì có một số em nhà xa, đi về sẽ mất thời gian. Tại trường THPT Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, Ban Giám hiệu trường đã bố trí phòng trọ tại ký túc xá, mỗi phòng đủ sức cho 8 em HS nghỉ lại…

Đồng Tháp: Chung tay lo nơi ăn ở cho HS

Ông Hồ Văn Thống, GĐ Sở GD& ĐT Đồng Tháp cho biết đối với các thí sinh ở xa hội đồng thi sẽ được nhà trường và hội phụ huynh bố trí xe đưa đón hoặc tạo chỗ ở ngay tại nhà dân hoặc khu tập thể của trường. Riêng bếp ăn khuyến học tại thị xã Sa Đéc năm nay cũng đứng ra tiếp sức cho trên 100 thí sinh thi tại hai hội đồng THPT Sa Đéc và THPT chuyên Nguyễn Đình Chiểu.

Tại huyện Tháp Mười, Hội đồng thi thị trấn Mỹ An bao gồm thí sinh trường THPT Trường Xuân, THPT Mỹ Quý về dự thi. Đây là Hội đồng thi có số lượng thí sinh khá lớn, khoảng 1000 thí sinh. Để đảm bảo thí sinh yên tâm dự thi, các trường tổ chức cho GV tìm nhà trọ, lo nơi ăn cho HS. Trước khi thi tất cả các thí sinh được thầy cô tìm được nơi ở trọ ổn định. Tại huyện Cao Lãnh, HS trường THCS-THPT Nguyễn Văn Khải sẽ thi tại trường THPT Cao Lãnh 2. Do phải di chuyển trên tuyến Quốc lộ, xe cộ khá đông đúc nên Ban Giám hiệu trường đã họp bàn với Hội Cha mẹ HS thuê xe ô tô đưa rước các em đi thi để đảm bảo an toàn…

Thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp): Đảm bảo các bến đò ngang hoạt động liên tục

Địa bàn các xã thuộc cù lao, bị ngăn cách bởi các con sông lớn như xã Long Khánh A, Long Khánh B, Phú Thuận B và Long Thuận,… HS đi thi tốt nghiệp phải qua đò, do đó UBND thị xã Hồng Ngự đã chỉ đạo Công an địa phương cùng Ban Quản lý đô thị kết hợp và nhắc nhở các chủ bến đò ngang trên địa bàn thị xã tăng cường thêm các phương tiện đưa rước thí sinh đúng giờ quy định và bảo đảm an toàn trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi. Lực lượng Công an phường An Thạnh, An Lộc và xã An Bình A đảm bảo an toàn giao thông xung quanh khu vực tại các bến đò vào giờ cao điểm lúc thí sinh lên đò đến hội đồng thi và khi tập trung ra về…

Vĩnh Long: Thí sinh nhà xa, hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ cơm trưa

Bà Trương Thị Bé Hai, GĐ Sở GD& ĐT Vĩnh Long, cho biết việc hỗ trợ thí sinh năm nay tại Vĩnh Long có cải tiến hơn so với các năm trước. Theo đó, tất cả các trường trên địa bàn tỉnh đều có chương trình hỗ trợ cơm trưa dành cho thí sinh ở xa, thí sinh có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn vận động của hội phụ huynh. 

Kiên Giang: Bố trí nơi ăn ở cho thí sinh từ đảo vào dự thi

Ông Ninh Thành Viên- Phó GĐ Sở GD& ĐT Kiên Giang cho biết năm nay học sinh ở huyện đảo Kiên Hải phải vượt biển gần 30km vào đất liền để thi nên ban đại diện phụ huynh các trường đã bố trí cho các thí sinh ăn ở tại ký túc xá…

Kiều Ngân- Hồng Đang - Quốc Ngữ - Thái An - Trâm Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.