Tết Nguyên đán, với học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, không chỉ là đợt nghỉ học dài ngày, mà còn có niềm vui của phong tục mừng tuổi, có bánh chưng, mứt, có áo mới khoe cùng chúng bạn.
Để nụ cười nở mãi trên môi
Từ đầu tháng Chạp âm lịch, thầy Nguyễn Trần Vỹ - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vừ A Dính (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã âm thầm chuẩn bị cho dự án lì xì cho học sinh mầm non và tiểu học của toàn huyện.
Đây là năm thứ 2, thầy Vỹ thực hiện dự án lì xì cho học sinh trong ngày đầu tiên các em trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. “Dẫu biết học sinh ở đây không ăn Tết Nguyên đán truyền thống, nhưng mình vẫn mong các em có chút niềm vui trong ngày đầu tiên trở lại trường sau kỳ nghỉ”.
Gần gũi và hay quan sát, lắng nghe những câu chuyện của học trò, thầy Vỹ biết rằng, có những em chưa bao giờ được nhận tiền mừng tuổi đầu năm mới. “Đồng bào trên này không ăn Tết truyền thống. Nhưng trong một lớp học, vẫn có những học sinh người Kinh đem lên lớp khoe được chừng nọ chừng kia tiền mừng tuổi. Sau những lạ lẫm, cảm giác so sánh rồi buồn trong học sinh là có. Chúng tôi muốn các em có sự háo hức của con trẻ khi mở phong bao lì xì để biết được chút không khí Tết như bao nhiêu bạn khác”.
Tết Nguyên đán năm 2021, từ dự định chỉ lì xì cho khoảng 500 học sinh với xấp xỉ 3 triệu đồng, số tiền mừng tuổi cho học sinh ở Nam Trà My mà thầy Vỹ nhận được từ các tấm lòng hảo tâm đủ cho 4.300 học sinh cấp tiểu học của toàn huyện. “Thế nên năm nay, tôi dự định sẽ lì xì cho học sinh mầm non và tiểu học. Nếu được nữa thì lên đến THCS, tùy theo nguồn lực được hỗ trợ. Nếu tính cả cấp THCS nữa khoảng 10 nghìn em”, thầy Vỹ kể.
Trong buổi học đầu tiên, tất cả học sinh của 3 bậc học ở Nam Trà My sẽ nhận được một phong bao lì xì xinh xắn với số tiền mừng tuổi là 5 nghìn đồng/em.
Nhưng thầy Nguyễn Trần Vỹ còn ấp ủ 2 dự án lớn hơn, đòi hỏi nhiều nguồn lực hơn. Đó là tặng quà Tết cho những học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ và những em mồ côi mẹ. Ngoài ra, câu lạc bộ (CLB) Kết nối yêu thương Nam Trà My dự kiến sẽ lì xì năm mới cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trước khi các em quay lại giảng đường. “Mức lì xì sẽ đủ để các em mua ít quà như bánh chưng, mứt, kẹo… để góp vui với các bạn khi quay trở lại ký túc xá hay nhà trọ. Chúng tôi cũng là đứa trẻ con các gia đình nghèo, hiểu được cảm giác tủi thân khi tay không quay trở lại trường mà không có quà Tết gì góp chung với các bạn”.
Tết đến, Xuân về, với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng núi cao Nam Trà My, nơi dịch Covid-19 vừa “quét” qua với hàng trăm ca phải chuyển xuống TP Tam Kỳ điều trị mỗi ngày, niềm vui sẽ đong đầy và vẹn tròn.
Xuân ấm theo em về bản xa
Trước ngày nghỉ học dịp Tết Dương lịch, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS xã Sơn Lập và Trường Tiểu học & THCS Sơn Tân (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) được xúng xính trong chiếc áo ấm mới do nhóm thiện nguyện xã hội 76 Quảng Ngãi tặng. Ngoài áo ấm, trong túi quà của các em đem về cho gia đình còn có thùng mì tôm, chục ký gạo, mì chính, dầu ăn, đường và một cái chăn ấm.
Anh Nguyễn Quang Thế - đại diện cho nhóm thiện nguyện xã hội 76 Quảng Ngãi tại Sơn Tây - cho biết: “Với chương trình Cho em hơi ấm mùa đông, nhóm đã tặng áo ấm, chăn và nhu yếu phẩm cho 100% học sinh của 8 trường mầm non, 7 trường tiểu học. Với bậc THCS và THPT, nhóm chọn những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt để trao tặng”.
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) năm nào cũng tổ chức gói bánh chưng vào những ngày gần Tết. Mỗi học sinh sẽ được nhà trường tặng một cặp bánh trong buổi học cuối cùng của năm cũ, như là một món quà nhỏ để các em góp Tết cùng với gia đình. Năm nay, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tập thể nhà trường vẫn dành ra một khoản kinh phí để duy trì nồi bánh chưng cho học sinh. Đơn giản vậy thôi nhưng cũng đủ đem lại niềm vui cho lũ trẻ vùng khó. Hơn cả những món quà, đó là “tấm vé” giúp học sinh bám trường, bám lớp.
Thầy Bùi Ngọc Luận – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Nam Trà My (Nam Trà My, Quảng Nam) - cho biết: “Những khoản tiền tiết kiệm của học sinh, như tiền không báo cơm ăn vào các ngày cuối tuần, khi các em về nhà, tiền học bổng hè đối với học sinh cấp THPT, tiền xe… đều được thầy cô giáo thông báo cho các em. Số tiền này, thầy cô chủ nhiệm sẽ giữ giùm để học sinh nhận vào 2 đợt: Nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán”.
Bùi Hồ Huyền Oanh (học sinh lớp 10/1, người Ca Dong) vui vẻ kể: “Đợt nghỉ Tết Dương lịch, em nhận được 3 triệu đồng. Đây là một phần của tiền học bổng hè và tiền cắt cơm cuối tuần của em. Em đưa về cho bố mẹ để sắm sửa một ít vật dụng trong gia đình, mua gạo, đồ khô để đi rừng. Em cũng góp ý bố mẹ để dành một ít để sắm đồ Tết. Dù người làng em không có phong tục ăn Tết cổ truyền nhưng đi sắm đồ cũng thấy vui. Có tiền học bổng, bố mẹ em không bắt em nghỉ học vào rừng hái lá dong để bán lấy tiền nữa”.