Tết kết nối yêu thương
- “Tết sum vầy” được coi là điểm nhấn trong các hoạt động chăm lo cho đội ngũ nhà giáo nhân dịp Tết đến xuân về. Vậy so với những năm trước, năm nay có gì khác biệt?
- Nhiều năm qua, mỗi dịp Tết đến, xuân về, Công đoàn Giáo dục Việt Nam huy động từ các nguồn lực khác nhau để chăm lo Tết cho cán bộ nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ) và HS ở các địa phương còn nhiều khó khăn, mang đến tình cảm ấm áp của đồng chí, đồng nghiệp cả nước thông qua chương trình “Tết sum vầy” với kinh phí trên 1 tỷ đồng/năm.
Năm nay, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương ở miền Trung đang cố gắng khắc phục hậu quả của mưa lũ, nên chương trình “Tết sum vầy” có một số điểm mới. Thực hiện chủ trương “Không để GV nào không có Tết”, công đoàn ngành Giáo dục đã chỉ đạo Công đoàn Giáo dục các địa phương, huy động nguồn lực tại chỗ, quan tâm, chăm lo đội ngũ CBNGNLĐ, nhất là GV ở vùng sâu, vùng xa, GV mắc bệnh hiểm nghèo, ốm đau hoặc có hoàn cảnh đặc biệt.
Công đoàn ngành sử dụng nguồn lực, tập trung chăm lo cho GV ở những vùng bị thiệt hại nặng nề do bão lũ vừa qua, kết hợp với chương trình “Điều ước cho em” do Bộ GD&ĐT chủ trì để hỗ trợ HS. Các hoạt động của “Tết sum vầy” hướng đến chăm lo Tết một cách thiết thực và đầm ấm, đúng với chủ đề mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo: “Tết kết nối yêu thương”. Công đoàn Giáo dục Việt Nam dành khoảng 2 tỷ đồng để tổ chức “Tết sum vầy” cùng nhiều quà tặng, hiện vật khác.
- Với những nơi “Tết sum vầy” chưa đến được, Công đoàn ngành có chương trình, hoạt động gì để chăm lo đội ngũ nhà giáo trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc; nhất là với GV vùng lũ, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo…?
- Đội ngũ CBNGNLĐ trong ngành rất lớn, trong khi nguồn lực của Công đoàn Giáo dục Việt Nam còn hạn chế, nên không thể tới tất cả những nơi mà đội ngũ CBNGNLĐ đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, Công đoàn ngành đã nắm tình hình, trích kinh phí từ nguồn Quỹ xã hội để hỗ trợ các trường hợp đặc biệt khó khăn 1 triệu đồng/người; trong đó có trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn rủi ro được hỗ trợ với mức cao hơn. Mặt khác, Công đoàn ngành có văn bản chỉ đạo công đoàn cơ sở hỗ trợ CBNGNLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ, với mức hỗ trợ từ 1 - 2 triệu đồng/người trong dịp Tết.
Để nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề
- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đời sống đội ngũ nhà giáo gặp nhiều khó khăn. Công đoàn ngành có kế hoạch, hoặc đề xuất hỗ trợ gì cho các nhà giáo?
- Năm 2020, đại dịch Covid-19 tác động đến mọi hoạt động của nhà trường, nhất là trường ngoài công lập. Có hàng trăm trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình phải đóng cửa. Nhiều GV của các trường ngoài công lập bị cắt giảm tiền lương và khoản phụ cấp, khiến đời sống gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam huy động các nguồn lực nhằm động viên, hỗ trợ cho GV gặp khó khăn: Trích kinh phí từ “Quỹ xã hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam” để hỗ trợ CBNGNLĐ của các đơn vị trực thuộc, mỗi người 2 triệu đồng. Với Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Công đoàn đơn vị không trực thuộc, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Tổng số tiền hỗ trợ 403 triệu đồng.
Ngoài ra, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức thăm, hỗ trợ 24 tấn gạo cho Liên đoàn Lao động và Công đoàn Giáo dục một số tỉnh như: Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Bắc Giang, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai, Tiền Giang, Long An, Cà Mau. Tại thời điểm tạm dừng đến trường do ảnh hưởng của Covid-19, Công đoàn ngành gửi tặng 4.000 quả trứng gà và 55 thùng sữa với tổng trị giá 30 triệu đồng cho SV phải ở lại ký túc xá.
Trong đợt bão lũ ở miền Trung, Công đoàn Giáo dục Việt Nam vận động được trên 22 tỷ đồng, hơn 350 nghìn cuốn vở viết, 75 nghìn cuốn sách giáo khoa, trên 140 bộ đồ dùng học tập… giúp các trường học khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định dạy – học. Bên cạnh đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng trích quỹ, hỗ trợ gần 2 tỷ đồng giúp GV sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng sau lũ; trong đó hỗ trợ 30 triệu đồng cho cô giáo ở Thừa Thiên - Huế có chồng là bộ đội hy sinh khi làm nhiệm vụ chống lũ, giúp cô hoàn thiện ngôi nhà đang xây dựng dở trước khi chồng hy sinh. Cũng trong năm 2020, Công đoàn ngành trích quỹ xã hội trên 500 triệu đồng để hỗ trợ GV mắc bệnh hiểm nghèo và bị tai nạn rủi ro.
- Chăm lo đội ngũ nhà giáo không đơn thuần là vấn đề lương và thu nhập, mà cần nhiều chính sách “bền vững”. Là người đứng đầu Công đoàn ngành Giáo dục, ông có đề xuất gì?
- Điều tôi trăn trở là cuộc sống của nhà giáo còn nhiều khó khăn. Thu nhập của nhà giáo chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Nhiều nhà giáo, nhất là thầy cô công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, điều kiện công tác còn vất vả. Để bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ CBNGNLĐ trong tình hình mới, tôi tha thiết mong mỏi các Bộ, ngành và địa phương thực hiện đầy đủ, thực chất chủ trương “Giáo dục là quốc sách hành đầu”, dành cho GD-ĐT sự quan tâm đúng mức, tương xứng với vai trò và tầm quan trọng của sự nghiệp “trồng người”.
Các bậc phụ huynh, cơ quan, đoàn thể cần chung tay chăm lo cho sự nghiệp GD-ĐT, phối hợp với nhà trường quan tâm giáo dục đạo đức cho HSSV; hun đúc truyền thống hiếu học, “tôn sư, trọng đạo” và trân trọng vị thế của người thầy. Tôi cũng mong đội ngũ CBNGNLĐ nhận thức đầy đủ sứ mệnh vẻ vang của mình, không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, năng lực nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo, xứng đáng với sự kỳ vọng của xã hội và thực sự là tấm gương sáng cho HSSV noi theo.
- Xin cảm ơn ông!