Những ngày cuối tuần đặc biệt nơi biên giới

GD&TĐ - Đã hơn 3 tháng nay, những ngày cuối tuần ở biên giới Nậm Pồ (Điện Biên) lại trở nên sôi nổi hơn.

Cán bộ xã Phìn Hồ chuẩn bị máy móc xuống đồng cùng bà con bản Đề Pua.
Cán bộ xã Phìn Hồ chuẩn bị máy móc xuống đồng cùng bà con bản Đề Pua.

Người dân bản địa dần quen với hình ảnh những “công bộc” quần xắn quá gối, “3 cùng” ở bản.

“Xắn quần” xuống bản

Sáng thứ 7 cuối cùng của tháng 11, biên giới Nậm Pồ mù sương. Thay vì chỉn chu đến trụ sở như thường lệ, ông Điêu Bình Dương, Bí thư Đảng ủy xã Phìn Hồ lại vận trang phục lao động, lên xe xuôi xuống bản. Địa điểm ông dừng chân là khu vực ruộng lúa của bà con bản Đề Pua.

Trong làn sương mù dày đặc, Thiếu tá Tô Hiến Quyên, Phó Bí thư Đảng ủy cùng nhiều cán bộ xã cũng có mặt đông đủ. Ai nấy quần xắn quá gối, gương mặt phấn khởi, vui tươi.

Sau vài phút phát biểu giới thiệu, lãnh đạo, cán bộ xã cùng bà con xuống ruộng. Trong trang phục lao động, họ hòa chung những đường cày nhịp nhàng. Tiếng cười nói, trò chuyện xua tan cái lạnh của sáng đông biên giới.

Thiếu tá Tô Hiến Quyên, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phìn Hồ trong 'Ngày cuối tuần tình nguyện' tại bản Đề Pua.

Thiếu tá Tô Hiến Quyên, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phìn Hồ trong 'Ngày cuối tuần tình nguyện' tại bản Đề Pua.

Là cán bộ biên phòng có nhiều năm gắn bó với bà con nên Thiếu tá Quyên tỏ ra rất thành thạo trong từng đường cày. Anh chia sẻ, trong một buổi sáng, anh hỗ trợ thực hiện cày 4.000m2 ruộng. Cũng với diện tích này, trước đây bà con phải bỏ ra nhiều buổi và mất thêm chi phí thuê máy móc.

“Cán bộ cùng hỗ trợ bà con làm miễn phí, vừa nhanh, hiệu quả mà tình cảm lại gắn kết hơn. Lao động có mệt thật, song tôi lại rất vui vì giúp được bà con. Quan trọng hơn là khích lệ được tinh thần, để người dân tích cực hưởng ứng với mô hình mới mà xã triển khai”, Thiếu tá Quyên bộc bạch.

Theo Bí thư Dương chia sẻ, đây là diện tích lúa sẽ gieo trồng thí điểm giống mới (có sức chịu lạnh tốt) của vụ Đông Xuân 2023. Để triển khai được mô hình thí điểm này, chính quyền đã phải nhiều lần vận động, thuyết phục bà con. Nếu hiệu quả, đây là sẽ nguồn khích lệ rất lớn để bà con chuyển đổi lối canh tác cũ và thay thế cây giống phù hợp hơn.

“Ở đây đa phần là đồng bào Mông, lâu nay đã quen với làm nương rẫy. Việc vận động người dân khai hoang, trồng lúa nước là thành công rất lớn. Chính vì thế, chúng tôi đã dành ra ngày nghỉ để cùng xuống làm với bà con. Đây là hành động thiết thực hưởng ứng phong trào ngày cuối tuần tình nguyện do huyện phát động. Song quan trọng hơn, sự đồng hành của cán bộ sẽ là nguồn động viên tinh thần, giúp bà con tự tin lao động sản xuất”, ông Dương nói.

Cùng với xã Phìn Hồ, thời gian qua, rất nhiều cán bộ, đảng viên và đoàn thể trong huyện Nậm Pồ đã dành những ngày nghỉ để xuôi về bản “đồng hành” với bà con trong lao động sản xuất. Theo ông Lò Văn Kiên, Trưởng ban Tuyên giáo huyện chia sẻ, phong trào này do Ban Thường vụ Huyện ủy phát động trên toàn địa bàn.

“Với mục tiêu hướng mạnh về cơ sở, trọng dân, gần dân, sát dân, phong trào được xây dựng gắn liền với hoạt động của 121 Tổ dân vận cơ sở và phong trào Thêm việc tốt mỗi ngày. Trong đó, yêu cầu lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang dành ít nhất mỗi tháng 1 ngày cuối thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở”, ông Kiên cho hay.

Cũng theo ông Kiên, nhiệm vụ trọng tâm phong trào hướng đến là giải quyết, tháo gỡ các vấn đề vướng mắc, khó khăn liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội; vì cuộc sống cộng đồng và nâng cao đời sống nhân dân. Đặc biệt, do là huyện biên giới, tỷ lệ hộ nghèo cao nên các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo được ưu tiên.

Mất 1 ngày nghỉ, được việc cả năm

Bà con bản Pá Kha, xã Nà Bủng trong buổi thăm khám sức khỏe do Trung tâm Y tế và các đoàn thể huyện Nậm Pồ tổ chức

Bà con bản Pá Kha, xã Nà Bủng trong buổi thăm khám sức khỏe do Trung tâm Y tế và các đoàn thể huyện Nậm Pồ tổ chức

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ thăm khám cho người dân bản Pá Kha, xã Nà Bủng trong 'Ngày cuối tuần tình nguyện'.

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ thăm khám cho người dân bản Pá Kha, xã Nà Bủng trong 'Ngày cuối tuần tình nguyện'.

Theo đánh giá từ Ban Thường vụ Huyện ủy Nậm Pồ, chỉ sau hơn 3 tháng phát động, địa phương đã xuất hiện hơn 100 tập thể, cá nhân tiêu biểu. Mỗi một điển hình ghi nhận hiệu quả tích cực đều được Thường trực huyện gửi thư khen, nhằm khuyến khích, động viên và lan tỏa phong trào.

“Chủ yếu trong đó là những điển hình trong tuyên truyền, vận động nhân dân hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là chăm lo đời sống các gia đình chính sách, người có công, giúp đỡ hộ khó khăn, hộ nghèo, cùng nhân dân lao động xây dựng các tuyến đường xanh, sạch, đẹp; vệ sinh môi trường...”, ông Kiên cho hay.

Không riêng các tổ chức chính trị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… hưởng ứng, phong trào được xem như sợi dây tập hợp, thu hút đông đảo nhân dân cùng tham gia góp công, góp sức tháo gỡ các vấn đề ở cơ sở. Đơn cử như việc “bê tông hóa” con đường vào Trường Tiểu học và Mầm non tại bản Huổi Dạo, xã Vàng Đán.

Theo Trưởng bản Giàng A Chứ thì đoạn đường dài gần 100m này từng là “nỗi ám ảnh” nhiều năm của người dân địa phương. Trước đây, học sinh đến trường vào mùa mưa thường xuyên phải chịu cảnh lấm lem bùn đất, nhiều trường hợp té ngã do trơn trượt, bùn lầy.

Cán bộ, đảng viên xã Phìn Hồ phát động phong trào 'Ngày cuối tuần tình nguyện'.

Cán bộ, đảng viên xã Phìn Hồ phát động phong trào 'Ngày cuối tuần tình nguyện'.

“Mới đây, trong buổi xuống cơ sở trò chuyện, làm việc, cán bộ xã đã nắm bắt được thực trạng này nên tuyên truyền, vận động bà con cùng chung sức làm đường. Nghe theo cán bộ, chúng tôi đóng góp ngày công, vật liệu để bê tông hóa. Nhà có ít góp ít, nhà có nhiều góp nhiều. Giờ có đường mới sạch sẽ, phẳng lì để đi rồi. Nhìn bọn trẻ đạp xe an toàn, sạch đẹp đến trường, bà con ai cũng mừng”, Trưởng bản A Chứ hồ hởi.

Còn theo ông Điêu Bình Dương, cái hay của mô hình là khi được cán bộ đến tận bản, tận nhà thì tâm thế của bà con cởi mở hơn. Từ đó, họ dễ dàng chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc với cán bộ. Ngược lại, cán bộ được phân công phụ trách cũng có nhiều thời gian hơn để tiếp thu, giải đáp, tháo gỡ vướng mắc kịp thời cho bà con.

“Bà con thiếu kinh phí sản xuất thì cán bộ tư vấn cách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Ai chưa có mô hình làm ăn thì được cán bộ bày cho cách làm; thiếu kiến thức, kỹ năng lao động thì được học nghề… Khi nhận thức của bà con đã thông, thì các ban, ngành cũng dễ dàng hỗ trợ, giúp đỡ đúng trọng tâm, trọng điểm. Cán bộ bỏ ra một ngày nghỉ nhưng lại được việc cho dân cả năm”, ông Dương chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.