Người Ấn Độ gọi nghệ thuật vẽ tay là Mehndi, là dạng trang trí tạm thời trên da, dùng màu được chiết xuất từ cây lá móng. Nghệ thuật này phổ biến ở Pakistan và Ấn Độ (Nam Á), một số nước ở Bắc Mỹ và Trung Đông, được người phương Tây ưa chuộng vào cuối những năm 1990. Người Ấn Độ thường vẽ tay như thế này trong những dịp đặc biệt như đám cưới, lễ hội.
Những ghi chép của người xưa cho thấy, Ấn Độ là cái nôi của Mehndi từ thế kỷ 21, bởi vì việc sử dụng hình vẽ từ bột cây lá móng và bột nghệ đã được đề cập rất sớm trong kinh Vệ Đà, là biểu tượng của mặt trời. Họa tiết cơ bản nhất của Mehndi là hình mặt trời cách điệu trong lòng bàn tay, biểu trưng cho ánh sáng thực tại và sự trong sáng của nội tâm.
Ưu điểm nổi bật của Mehndi là không gây đau đớn cũng như biến mất không để lại vết tích gì. Cảm giác duy nhất là sự mát lạnh theo từng nét vẽ. Mặc dù là một hình thức xăm nhưng những hình vẽ Mehndi chỉ tồn tại khoảng 2-3 tuần do mực chỉ ngấm đến lớp thượng bì, phần da ngoài cùng nhanh chóng bong tróc và thay bằng lớp da mới.
Trong đời sống thường ngày, chỉ có các bé gái, thiếu nữ, phụ nữ mới vẽ Mehndi trên tay chân. Đôi khi chúng ta thấy đàn ông vẽ Mehndi nhưng đó phải là người đàn ông đã có gia đình và chính người vợ sẽ vẽ Mehndi cho anh ta. Trong bất kỳ trường hợp nào, Mehndi cũng là biểu trưng cho sự thịnh vượng và sung túc.
Đôi khi người ta còn vẽ Mehndi lên trâu bò để bảo vệ chúng khỏi ma quỷ, bệnh tật. Ngày nay, các cửa hàng vẽ tay mọc lên khắp các đường phố, ngõ hẻm ở các thành phố của Ấn Độ, đây cũng là một cách để giới thiệu nét văn hóa độc đáo của nước này với du khách quốc tế.