Biến đổi khí hậu là một quá trình rất đỗi phức tạp, với nhiều mắt xích nhỏ hơn liên kết chặt chẽ với nhau. Chẳng hạn như, việc đại dương ấm lên sẽ thúc đẩy việc giải phóng khí mêtan bị đóng băng dưới lòng biển sâu, góp phần gây nên hiệu ứng nhà kính. Bằng cách lần theo những chùm bong bóng khí mêtan từ đáy đại dương, các nhà khoa học tại trường Đại học Washington đã có thể tìm hiểu rõ hơn về hiện tượng này.
Trong suốt 10 năm qua, tại bờ biển của Washington và Oregon, các nhà khoa học đã chứng kiến được 168 chùm bong bóng khí mêtan. Nguồn gốc của chúng đến từ những khối mêtan hyđrat bị đóng băng ở dưới đáy biển.
"Chúng tôi quan sát được một lượng lớn các chùm bong bóng khí ở dưới đáy đại dương , đến từ những khối mêtan hyđrat bị tan chảy do nước biển ấm dần lên" - Giáo sư H. Paul Johnson, hiện đang nghiên cứu hải dương học tại Đại học Washington, cho biết. "Những khối mêtan hyđrat này đã từng bị đóng băng trong suốt hàng ngàn năm trước".
Những bong bóng mang theo khí mêtan dưới đại đương
Mêtan hyđrat, còn được biết đến với cái tên "băng cháy", là một trong ba nhóm khí gây ra hiệu ứng nhà kính ở mức độ nghiêm trọng nhất. Các nhóm khí này được xếp hạng một phần dựa vào khả năng làm trái đất ấm lên, đồng thời dựa vào cả thời gian mà chúng tồn tại trong bầu khí quyển. Và mặc dù khí Mêtan không tồn tại lâu như cacbonic, chúng giam giữ bức xạ nhiệt ở khí quyển trái đất mạnh hơn rất nhiều lần. Chính điều này khiến cho khí mêtan trở nên rất nguy hiểm khi bị phát thải quá mức.
Trên thực tế, khí mêtan bị phát thải ra bởi những hoạt động của cả con người lẫn tự nhiên. Một lượng rất lớn khí này được lưu trữ dưới dạng những mỏ băng cháy dưới các lớp tuyết dày, cũng như ở đáy đại dương. Những mỏ khí mêtan này được giữ không bị phát thải nhờ một lớp băng cứng, cũng như trong điều kiện nhiệt độ thấp.
Nhưng lớp "rào chắn" này ngày càng mỏng đi do Trái Đất ngày càng ấm dần lên, vì những hoạt động phát thải cacbonic vô tội vạ của con người. Hơn nữa, một lượng cacbonic khác bị hòa tan trong nước để hình thành Axit Carbonic, cũng góp phần bào mòn lớp "rào chắn" kia.
Nếu như những mỏ khí kia bị mất đi lớp hàng rào bảo vệ, sẽ có một lượng rất lớn mêtan bị phát thải ra môi trường. Điều này dẫn đến việc nhiệt độ Trái Đất sẽ ngày một tăng, lớp "hàng rào" do đó lại ngày càng mỏng, và lượng mêtan bị phát thải ra lại càng nhiều thêm, tạo thành một vòng tuần hoàn. Và nếu như điều đó thực sự xảy ra, sẽ không có cách nào có thể cứu vãn nổi.
Tham khảo iflscience